Hà Nội: Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ

12/04/2023 7:27 PM

(Chinhphu.vn) - Đánh giá cao TP. Hà Nội trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Thành phố cần tăng cường phối hợp với Học viện để xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian tới.

a - Ảnh 1.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: VGP/GH

Chiều 12/4, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị làm việc với Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của TP. Hà Nội và việc triển khai Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.

Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì.

Báo cáo của TP. Hà Nội cho thấy Hà Nội có tổng số cán bộ, công chức, viên chức của TP có hơn 130.000 người (không bao gồm cán bộ, công chức cấp xã); tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý 863 đồng chí. Đây là địa phương có số lượng đầu mối tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lớn nhất cả nước. 

Trong 5 năm (2018-2022), Hà Nội đã phối hợp tổ chức 12 lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung với gần 900 học viên và cử trên 700 học viên đi học các lớp hệ tập trung tại Học viện; tổ chức 111 lớp Trung cấp lý luận chính trị với gần 9.000 học viên.

Ngoài ra, Thành phố đã mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho gần 1,9 triệu lượt người bao gồm các đối tượng: Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác thuộc khối các cơ quan Đảng, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP, khối các cơ quan Nhà nước, đại biểu HĐND các cấp và bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính cho công chức, viên chức của TP…

Báo cáo về kết quả thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Phạm Minh Anh cho biết, sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đến nay TP chuẩn bị ban hành “Chiến lược phát triển trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đến năm 2030, tầm nhìn 2045” và “Đề án xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội đạt trường chính trị chuẩn”.

Ngoài ra, từ năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo sắp xếp lại tổ chức bộ máy của trường theo đúng quy định và hiện tại trường có 3 khoa, 2 phòng (trước đó 5 khoa, 3 phòng). Quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Năm 2022, Thành phố đã bố trí vốn để xây dựng cơ sở mới cho trường, trên diện tích hơn 4,2ha. Dự kiến năm 2026 đưa vào sử dụng, đảm bảo về quy mô, chất lượng và hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển.

a - Ảnh 2.

Hà Nội đã ban hành nhiều đề án quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - Ảnh: VGP/GH

Tăng cường phối hợp trong đào tạo cán bộ để phù hợp yêu cầu thực tiễn của Thủ đô

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong những năm qua, Hà Nội rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác này, bao trùm là Đề án 04-ĐA/TU ngày 20/9/2017 về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý”. 

Trên cơ sở những kết quả, hạn chế, khó khăn và nhiệm vụ đã đề ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và xây dựng trường chính trị chuẩn, Hà Nội đề xuất Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kiến nghị với Trung ương có cơ chế đặc thù cho Hà Nội về tỉ lệ được cử cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Hà Nội cũng kiến nghị Học viện tạo điều kiện để viên chức, giảng viên, nhất là những giảng viên đã công tác tại trường từ 5 năm trở lên được học cao cấp lý luận chính trị. Quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên của trường được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Kết luận buổi làm việc, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm của Thành ủy Hà Nội trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. 

Lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng Hà Nội vẫn cần phải quan tâm, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong đổi mới việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản chỉ đạo mới của Đảng và cập nhật, đáp ứng yêu cầu thay đổi rất nhanh của tình hình thực tiễn. 

Thành phố cần tiếp tục xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong quá trình đó cần tăng cường phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị trường cần chủ động rà soát những vấn đề còn thiếu so với Quy định số 11-QĐ/TW. 

Gia Huy

Top