Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

15/02/2023 11:09 AM

(Chinhphu.vn) - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tp. Hà Nội triển khai thông qua nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hệ thống trường chất lượng cao, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên…

Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - Ảnh 1.

Phát triển hệ thống trường chất lượng cao

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình 06-CTr/TU ban hành ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025".

Trong 2 năm qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch mạng lưới trường mầm non, trường phổ thông Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cập nhật vào Quy hoạch chung của Thành phố. Đồng thời, rà soát, tổng hợp thực trạng cơ sở vật chất ngành giáo dục, báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố, đề xuất kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2022-2025 với tổng kinh phí hơn 59.000 tỷ đồng.

Về công tác tuyển dụng công chức, viên chức, năm 2022, Thành phố phê duyệt, tiếp nhận vào làm công chức với 105 trường hợp; thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ với 36 chỉ tiêu; khắc phục tồn tại trong tuyển dụng đối với công chức và viên chức; tổ chức kỳ thi tuyển công chức với 1.284 thí sinh tham dự, có 162 thí sinh trúng tuyển.

Triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học, Hà Nội phát triển hệ thống trường chất lượng cao, trường học thông minh, phát triển hệ thống trường học ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội.

Triển khai xây dựng trường liên cấp có diện tích từ 5 ha, ngành GD&ĐT tiến hành thành lập tổ công tác, tổ chức hội nghị thống nhất đề xuất địa điểm và đóng góp tiêu chí mô hình trường với 7 trường tại 7 quận, huyện, thị xã (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đan Phượng, Thạch Thất, Hà Đông), thống nhất nguồn kinh phí, tổ chức đoàn khảo sát, xây dựng tiêu chí trường liên cấp, hiện đã hoàn thiện tiêu chí, định mức cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh và nâng cao chất lượng giảng dạy. Đến nay, Sở đã xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy mô đào tạo và đầu tư xây dựng 7 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại.

Toàn Thành phố hiện có 22 trường chất lượng cao được công nhận, trong đó có 16 trường công lập và 06 trường ngoài công lập. Trong 16 trường công lập chất lượng cao, có 7 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 4 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông.

Đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình 06 Thành ủy Hà Nội cho thấy, chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học mang lại kết quả nhất định.

Trong năm 2022, học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, trong đó có 07 giải Nhất, 37 giải Nhì, 33 giải Ba và 48 giải Khuyến khích.

Tại các kỳ thi cấp quốc tế, học sinh Hà Nội tiếp tục khẳng định tài năng với 82 huy chương, giải thưởng quốc tế. Tại Kỳ thi Olympic Vật lý vùng Baltic Bắc Âu năm 2022, tổ chức trực tuyến tại Estonia với sự tham gia của 88 học sinh đến từ 8 quốc gia. Kết quả đoàn Hà Nội, đại diện Việt Nam đạt được 2 Huy chương bạc, 02 Huy chương đồng. Kỳ thi Olympic Toán và khoa học quốc tế (IMSO 2022), học sinh Hà Nội xuất sắc đạt 19 huy chương.

Hiện nay, Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) ngành GD&ĐT Hà Nội được xây dựng và đi vào hoạt động, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác chuyển đổi số. Hà Nội là một trong 4 địa phương được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp

Đến nay, mạng lưới cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Hà Nội có 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 310 cơ sở có đăng ký giáo dục nghề nghiệp (gồm 69 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp (trong đó có trong đó có 20 trường trung cấp, cao đẳng công lập) 54 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề và 128 doanh nghiệp, loại hình khác).

Tính riêng năm 2022, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh cho 251.500 lượt người đạt 112% kế hoạch; có trên 197.000 học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa...

Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72,23%, vượt 0,03% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%, vượt 0,3% so với kế hoạch đề ra năm 2022.

Công tác đào tạo nghề được chú trọng gắn với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với hơn 750 lượt doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo, góp phần ổn định sản xuất cho doanh nghiệp. Đồng thời, ký thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp nhằm mục đích tăng cường kết nối giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đặt hàng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với các lĩnh vực hoạt động.

Ngành GD&ĐT cũng phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho hơn 21.000 lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng dẫn cho hơn 50 doanh nghiệp, tiếp nhận 15 lượt hồ sơ đề nghị hỗ trợ; thẩm định và đã phê duyệt phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề đối với 5 doanh nghiệp cho trên 1.100 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với tổng số tiền được hỗ trợ là gần 4,7 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Thành phố tổ chức 236 phiên giao dịch việc làm với 6.287 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là trên 118.100 người. Số lao động được tuyển dụng tại phiên trên 16.100 lao động; đã giải quyết việc làm cho trên 195.000 lao động. Công tác giải quyết việc làm tăng 24% năm 2022 đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước đạt mức dưới 4%.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TP. Hà Nội đã ban hành Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030" nhằm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước, cán bộ công chức cấp xã và đối tượng khác; tổ chức các lớp bồi dưỡng xây dựng tầm nhìn, tư duy chiến lược phát triển Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao đối với cán bộ diện Ban Thường vụ quản lý và quy hoạch chức danh diện Ban Thường vụ quản lý.

UBND thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt Đề án "Phát triển chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc gia và kiểm định các trường đại học Đông Nam Á" với mục tiêu chính là kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội theo tiêu chuẩn quốc gia và kiểm định của các trường đại học Đông Nam Á.

Theo đó, hàng năm, có 3-4 chương trình đào tạo trình độ đại học được tổ chức tự đánh giá. Đến năm 2025, có 12 chương trình đào tạo trình độ đại học được tổ chức đánh giá ngoài và đạt chất lượng kiểm định, được cấp giấy chứng nhận bởi trung tâm kiểm định được cấp phép. Đến năm 2025, có 2 chương trình đào tạo trình độ đại học trong các lĩnh vực ngôn ngữ và khoa học giáo dục được kiểm định theo theo tiêu chuẩn các trường đại học Đông Nam Á và được cấp phép đạt tiêu chuẩn chất lượng của các trường đại học Đông Nam Á.

Hòa An

Top