Phát triển mô hình giáo dục sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu là “Thành phố sáng tạo”

24/12/2022 7:04 AM

(Chinhphu.vn) - Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, ngoài việc tăng cường giáo dục sáng tạo trong trường học, nên áp dụng thêm cách tiếp cận sáng tạo để học tập ngoài trường học như hoạt động đi thực tế, trưng bày, triển lãm, hội thảo và nhiều hoạt động khác.

Phát triển mô hình giáo dục sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu là “Thành phố sáng tạo” - Ảnh 1.

Hà Nội phát triển mô hình giáo dục sáng tạo. Ảnh: VGP/Gia Huy

Việt Nam đang có thời điểm chín muồi để phát triển giáo dục sáng tạo

Năm 1999, Hà Nội ghi dấu mốc quan trọng khi trở thành thành phố đầu tiên của châu Á nhận Danh hiệu "Thành phố vì Hòa bình" của UNESCO. Sau 20 năm, năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập "Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực "Thiết kế".

Việc tham gia vào Mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO là hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp với tinh thần đổi mới sáng tạo quốc gia, xu thế của thời đại trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn phát triển nhanh và bền vững của Hà Nội trên con đường hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần thúc đẩy cơ hội rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Theo đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, kể từ khi thành lập, UNESCO tin tưởng mạnh mẽ vào vai trò của giáo dục trong và thông qua văn hóa và nghệ thuật như một chất xúc tác cho sự phát triển nhân văn và toàn diện của người học ở mọi lứa tuổi. Giáo dục sáng tạo đã trở thành tâm điểm trong quỹ đạo hiện đại nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn thế giới. Được coi là một kỹ năng quan trọng và có thể dạy được, sáng tạo trở thành trọng tâm mới trong phương pháp sư phạm giáo dục đại học với mục tiêu đẩy khái niệm và ứng dụng của nó lên một tầm cao mới.

Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cũng nhận định, Việt Nam với tiềm năng to lớn về nghệ thuật, sáng tạo và văn hóa, hiện đang trong thời điểm chín muồi để phát triển các mô hình giáo dục sáng tạo mang tính tích hợp hơn, sẽ là công cụ cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa và sáng tạo (CCI) và các ngành công nghiệp khác của đất nước. Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã thể hiện cam kết đưa nội dung văn hóa và sáng tạo vào chương trình giảng dạy. Ví dụ, các môn học liên quan đến sáng tạo như Nghệ thuật và Công nghệ là bắt buộc trong suốt 12 năm trong chương trình giáo dục phổ thông trên toàn quốc.

Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, ngoài việc tăng cường giáo dục sáng tạo trong trường học, nên áp dụng thêm cách tiếp cận sáng tạo để học tập ngoài trường học. Hình thức của các hoạt động có thể đa dạng và điều chỉnh để phù hợp với các mục đích khác nhau, ví dụ các chuyến đi thực tế, trưng bày, triển lãm, hội thảo và nhiều hoạt động khác.

Tiêu biểu như trong tháng 11/2022, TP. Hà Nội đã tổ chức thành công Liên hoan Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, với hoạt động khởi động là Cuộc thi Thiết kế Nghệ thuật Công cộng Hà Nội do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với năm trường đại học trong thành phố (Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội) hợp tác tổ chức.

Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của sinh viên các trường đại học trên khắp Việt Nam và trở thành sân chơi để sinh viên trẻ tìm hiểu khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố Hà Nội cũng như nâng cao khả năng sáng tạo và kỹ năng kỹ thuật thông qua chuỗi hội thảo và đào tạo được tổ chức trong khuôn khổ. Ngoài ra, trẻ em và thanh thiếu niên cũng có nhiều cơ hội thử nghiệm với thiết kế, nghệ thuật và văn hóa.

Giáo dục sáng tạo trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội được thể hiện qua những tác phẩm sắp đặt và các hoạt động tương tác kéo dài 3 ngày tại khu vực Phố đi bộ Hồ Gươm; tổ chức các trò chơi tương tác cho trẻ em, sử dụng nhiều vật liệu khác nhau như giấy vẽ và gương truyền thống của Việt Nam để khơi dậy trí tưởng tượng và sáng tạo nghệ thuật. Theo sau đó là một không gian mở cho các hoạt động thiết kế và nghệ thuật thực hành như làm đồ trang sức từ rác thải hoặc chế tác nhạc cụ dành cho tất cả mọi người đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành "Thành phố sáng tạo", một trong 3 nhóm chính sách Hà Nội dựa vào là nhóm chính sách giáo dục sáng tạo và đổi mới. Để thúc đẩy hoàn thành mục tiêu này, Thành ủy Hà Nội xác định cần có một nền giáo dục sáng tạo và hình thành nên những thế hệ công dân sáng tạo, công dân toàn cầu và việc phát triển những môi trường sáng tạo, hệ sinh thái giáo dục sáng tạo không chỉ đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn giúp Hà Nội xây dựng và giữ vững thương hiệu "Thành phố sáng tạo", mà còn tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa.

Mô hình "Lớp học không bàn ghế"

Tại hội thảo với chủ đề: "Phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo" do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức trong tuần qua, cô Trần Thanh Hiên, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Newton 5 nhận định, trong nhiều năm qua, việc áp dụng những phương pháp dạy học mới, những mô hình lớp học, trường học mới đã khẳng định vị trí dẫn đầu của ngành GD&ĐT Thủ đô.

Như tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Newton 5 luôn khuyến khích hình thức tổ chức "Lớp học không bàn ghế" để tạo dựng nên những nét đặc biệt riêng trong việc triển khai dạy và học sáng tạo của nhà trường.

Với các môn năng khiếu nghệ thuật, lớp học không bàn ghế là không gian học tập quen thuộc, giáo viên có thể tổ chức ngoài sân trường, một góc âm nhạc, hoặc một phòng năng khiếu nào đó để học sinh có thể trải nghiệm bộ môn. Tuy nhiên, với giảng dạy các môn cơ bản, ngoài tuân thủ các quy trình cứng và thời gian cố định của một tiết học, người dạy và người học đôi khi sẽ cảm thấy không gian lớp học quen thuộc, các hoạt động học tập lặp lại có phần nhàm chán hàng ngày.

Với mô hình lớp học này, nhà trường thiết kế một bài dạy khác biệt, gợi mở một không gian lạ hơn, thú vị hơn tựa như thôi thúc tất cả các thầy cô giáo trẻ. Ví dụ như: Lớp học toán đo đạc ngoài trời, tạo các hoạt động không ngừng nghỉ, người học tự khám phá ra kiến thức, giáo viên là người hỗ trợ và định hướng; lớp học Ngữ Văn quan sát thực tế ngoài không gian lớp học, tạo nguồn cảm hứng ngôn từ, sân khấu hóa các tác phẩm văn học để liên môn nhiều hơn với lịch sử, văn hóa, địa lý.

Lớp học Tiếng Anh - Khoa học bằng chuyến đi tham quan dã ngoại thực tế ngoài vườn trường, hoặc trải nghiệm 1 ngày giao tiếp với du khách nước ngoài bằng cách tạo nhóm học sinh lên các bài phỏng vấn ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu Quốc tử giám… Lớp học đọc sách với không gian là thư viện thoáng đãng, học sinh có thể chọn góc đọc, chọn nhóm đọc để cùng nhau đọc và bình luận. Lớp học công nghệ với trải nghiệm trực tiếp trên ipad mà không cần đến ghi sách vở, tự chiếm lĩnh kiến thức và nâng cao kĩ năng đánh máy, hướng tới công nghệ thời đại mới…..

Cô Trần Thanh Hiên cũng chia sẻ về lớp học livestream thực tế của các thầy cô giáo khi dạy online trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 với những chủ đề về ngày Tết, địa điểm lựa chọn như: vườn đào, chợ hoa, làng làm bánh Chưng để giảng bài và truyền hình thực tế cho học trò cùng quan sát…

Người dạy có thể lên ý tưởng phù hợp với chủ đề của tuần học, sau đó lựa chọn không gian lớp học, mục tiêu chính là thay đổi trạng thái và cảm xúc học tập cho học sinh, với tiêu chí "Mỗi ngày đi học náo nức một ngày vui", học sinh được học, trải nghiệm, đúc kết kinh nghiệm, từ đó người dạy có thể phân hóa học sinh dựa trên các kĩ năng học tập mà học sinh thể hiện ở "lớp học không bàn ghế".

Tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Newton 5, việc áp dụng các công nghệ thông minh này cũng đang nhận được những thành công bước đầu. Việc áp dụng công nghệ thông tin kết hợp mô hình lớp học không bàn ghế đã giúp học sinh tiếp nhận kiến thức hiệu quả hơn.

Gia Huy

Top