Hà Nội cần nền giáo dục sáng tạo và hình thành thế hệ công dân sáng tạo
(Chinhphu.vn) - Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Thành phố sáng tạo”, Hà Nội Hà Nội cần nền giáo dục sáng tạo và hình thành thế hệ công dân sáng tạo, thực hiện 3 nhóm chính sách nền tảng là: Nhóm chính sách về “Tái tạo đô thị - Cơ sở hạ tầng văn hóa”; nhóm chính sách giáo dục sáng tạo và đổi mới và nhóm chính sách “Kích thích sự tham gia của công chúng”.
Ba nhóm chính sách nền tảng để hiện thực hoá mục tiêu "Thành phố sáng tạo"
Sáng 20/12, Ban Tuyên giáo Thành uỷ tổ chức hội thảo với chủ đề: "Phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo".
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội trung tâm văn hóa lớn của cả nước ghi dấu mốc quan trọng vào năm 1999 khi trở thành thành phố đầu tiên của châu Á nhận Danh hiệu "Thành phố vì Hòa bình" của UNESCO.
Sau 20 năm, năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập "Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực "Thiết kế". Việc tham gia vào Mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO là hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp với tinh thần đổi mới sáng tạo quốc gia, xu thế của thời đại trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn phát triển nhanh và bền vững của Hà Nội trên con đường hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần thúc đẩy cơ hội rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Hà Nội khẳng định vị trí trong sân chơi mới lấy tính sáng tạo và tinh thần hợp tác quốc tế làm chủ đạo, là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển Thủ đô bằng cách khơi dậy tình yêu Hà Nội, tinh thần cống hiến và khát vọng sáng tạo, không ngừng vươn lên của mỗi người dân Hà Nội vì mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô.
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành "Thành phố sáng tạo", Hà Nội dựa trên ba nhóm chính sách nền tảng là: Nhóm chính sách về "Tái tạo đô thị - Cơ sở hạ tầng văn hóa"; nhóm chính sách giáo dục sáng tạo và đổi mới và nhóm chính sách "Kích thích sự tham gia của công chúng".
Do đó, để thúc đẩy hoàn thành mục tiêu này, Hà Nội cần có một nền giáo dục sáng tạo và hình thành nên những thế hệ công dân sáng tạo, công dân toàn cầu và việc phát triển những môi trường sáng tạo, hệ sinh thái giáo dục sáng tạo không chỉ đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn giúp Hà Nội xây dựng và giữ vững thương hiệu "Thành phố sáng tạo", mà còn tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm cho chiến lược phát triển toàn diện và bền vững của Thủ đô, từng bước đạt được mục tiêu "Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hoá lớn của cả nước", hướng tới vị trí là "Kinh đô sáng tạo" quan trọng của Khu vực và Châu Á.
Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức mong muốn nhận được những ý kiến tham vấn, đóng góp, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia, khách mời trong nước,quốc tế và của các quý vị đại biểu cả về lý luận cũng như thực tiễn nhằm thúc đẩy việc phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo".
Muốn có con người sáng tạo thì cần có giáo dục sáng tạo
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý… đã tập trung thảo luận một số vấn đề như: Làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về vị trí, vai trò của giáo dục sáng tạo theo xu hướng giáo dục sáng tạo của khu vực và thế giới trong chiến lược phát triển bền vững của Thủ đô; đánh giá khái quát thực trạng về việc phát triển giáo dục sáng tạo, những tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức đối với Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, nêu những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của giáo dục sáng tạo hướng đến việc ươm mầm, phát hiện, nuôi dưỡng, tạo nguồn và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, giàu sức sáng tạo cho Thủ đô trong bối cảnh của cuộc Cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Các đại biểu cũng đề xuất gợi mở những sáng kiến hay, những mô hình hoạt động hiệu quả, các giải pháp để phát triển giáo dục sáng tạo Thủ đô, từ kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo" và định vị thương hiệu trong khu vực và trên thế giới.
PGS. TS. Trần Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, Thành phố sáng tạo là một chủ trương phát triển lớn của Hà Nội. Sự triển khai thành công thành phố sáng tạo không chỉ giúp thành phố khẳng định sức mạnh văn hóa của mình, mà còn giúp hình thành bầu không khí sáng tạo lan tỏa mọi lĩnh vực của Hà Nội, cả trong chính trị, văn hóa, xã hội, công nghệ và các lĩnh vực khác.
Chính vì thế, giải pháp đưa giáo dục sáng tạo vào chiến lược xây dựng thành phố sáng tạo là hết sức cần thiết.
Để làm được điều đó, TP. Hà Nội cần chú ý đến một số giải pháp như nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, ý nghĩa của việc đưa giáo dục sáng tạo vào chiến lược xây dựng thành phố sáng tạo.
"Quan điểm nhất quán của chúng ta ở đây là, thành phố sáng tạo cần có những công dân sáng tạo. Muốn có con người sáng tạo thì cần có giáo dục sáng tạo. Giáo dục sáng tạo sẽ giúp mở ra những tiềm năng mới cho phát triển thủ đô trong những năm sắp tới, hình thành nên sự năng động và sức sống cho đô thị", PGS. TS. Trần Hoài Sơn nêu.
Thứ hai là triển khai tốt Nghị quyết của Thành uỷ Hà Nội về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021 - 2026, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt là chương trình hành động của Thành phố sáng tạo.
Trong đo, đặc biệt là các hành động như sớm thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội để ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế; xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội để cung cấp một hệ sinh thái sáng tạo cho thành phố thông qua sự đóng góp của các thành phần công - tư có liên quan đến sáng tạo cho toàn thành phố.
Hà Nội cũng xây dựng chương trình giáo dục trong nhà trường, trong đó tăng cường các môn giáo dục nghệ thuật, hướng đến tính ứng dụng trong cuộc sống, phát huy khả năng sáng tạo của học sinh khi vận dụng kiến thức vào cuộc sống, chú trọng hơn như các lớp học nghệ thuật: vẽ, múa, hát, nhảy... hay các câu lạc bộ thể thao.
Ngoài ra, tập huấn, nâng cao kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy của giáo viên trong hoạt động dạy học bằng cách quan tâm nhiều hơn đến học sinh, tìm kiếm sự tương tác của học sinh trong giờ học, từ đó đề cao cái tôi cá tính, tư duy sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, học liệu cho các môn học phát triển tư duy sáng tạo. Tạo dựng nhiều sân chơi, hoạt động nhằm phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.
PGS. TS. Trần Hoài Sơn cũng nêu, sáng tạo là nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững đất nước. Giáo dục sáng tạo giúp lan tỏa tinh thần sáng tạo thông qua các công dân sáng tạo. Đây là công việc lâu dài, cần sự chung tay, chung sức của toàn xã hội.
Hà Nội là thủ đô, nơi hội tụ, tỏa sáng những giá trị văn hóa, đồng thời là thủ đô sáng tạo thì việc sử dụng nguồn lực đặc biệt này lại càng tập trung nhiều hơn. Việc tôn vinh sáng tạo, giáo dục sáng tạo sẽ giúp Hà Nội trở thành tấm gương cho các địa phương khác noi theo, từ đó đưa yếu tố sáng tạo trở thành mục tiêu hướng tới chung của cả đất nước.
Gia Huy