Hà Nội nỗ lực xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo

02/11/2022 9:19 AM

(Chinhphu.vn) - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội - ông Christan Manhart đánh giá, từ khi gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các sáng kiến, qua đó tạo nên không khí sáng tạo bao trùm toàn thành phố. Hà Nội cũng cần một nền tảng vững chãi, nơi ươm mầm, hội tụ và lan tỏa tinh thần sáng tạo hiệu quả nhất.

Hà Nội đã nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng: Hà Nội đặt mục tiêu tạo ra một trung tâm ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng của các nhà thiết kế trẻ và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Ảnh: HPA

Ý kiến của ông Christan Manhart được đưa ra ại Hội thảo "Xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo - Kinh nghiệm từ các thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực". Hội thảo vừa được tổ chức chiều 1/11, tại Tòa nhà xanh Liên hợp quốc, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì, phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.

Sự kiện được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng đại diện Ban điều phối các thành phố trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO và nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, không gian sáng tạo… trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng khẳng định, Hà Nội là thành phố có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, đồng thời sở hữu nguồn dân số vàng với cộng đồng sáng tạo đông đảo. Đây chính là lợi thế để thành phố xây dựng Thành phố sáng tạo trên lĩnh vực thiết kế.

"Với việc hình thành Trung tâm Thiết kế sáng tạo trên địa bàn, Hà Nội đặt mục tiêu tạo ra một trung tâm ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng của các nhà thiết kế trẻ và thúc đẩy hợp tác quốc tế", Phó Chủ tịch thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Sau 10 năm nhận danh hiệu Thành phố Vì hòa bình (năm 1999), Hà Nội tiếp tục được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc - UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, góp phần thúc đẩy mục tiêu đi đầu trong quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội nhanh chóng của đất nước, cũng như vận dụng nền tảng di sản văn hóa phong phú để hình thành một mô hình kinh tế sáng tạo mới của thành phố. Với hành trình này, Hà Nội đã và đang triển khai kế hoạch thực hiện các sáng kiến khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, trong đó có Xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội.

Về những nỗ lực của Hà Nội trong việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội - ông Christan Manhart - đánh giá, từ khi gia nhập mạng lưới, Hà Nội đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các sáng kiến, qua đó tạo nên không khí sáng tạo bao trùm. Dù vậy, có thể thấy, Hà Nội vẫn đang thiếu một nền tảng vững chãi, nơi ươm mầm, hội tụ và lan tỏa tinh thần sáng tạo hiệu quả nhất.

Tại hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, hình thành các trung tâm thiết kế sáng tạo, từ việc tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý… đến triển khai các hoạt động thường niên, sự kiện theo mùa và nguồn kinh phí "nuôi" hoạt động, trong đó nhấn mạnh vai trò hỗ trợ của chính quyền, Nhà nước cũng như sự tham gia của các bên liên quan để đem lại các sản phẩm sáng tạo có giá trị, giúp nâng cao chất lượng đời sống, bồi đắp bản sắc văn hóa đô thị.

Hà Nội đã nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo - Ảnh 2.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã chính thức được khởi công xây dựng tại Hà Nội, mở ra cơ hội to lớn để Việt Nam nới chung, Thủ đô nói riêng bước lên "con tàu" 4.0. Ảnh: HPA

Tiến sĩ Dwinita Larasati, Tổng Thư ký Diễn đàn Thành phố sáng tạo Bandung, Indonesia, cho biết, là nơi tập hợp nhiều trường đại học, Bandung rất chú trọng tận dụng nguồn lực trẻ cho thúc đẩy sáng tạo. Tại đây, nhiều sinh viên đã xây dựng được thương hiệu riêng cho mình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ cũng năng động để hóa giải khó khăn từ tài chính như mở văn phòng ảo, hoặc chọn các địa chỉ có chi phí thấp ở vùng ngoại ô.

"Chúng tôi đã tập trung khai thác các công trình của nhà nước đang bỏ không, hoặc chưa tận dụng hết công suất cho các không gian sáng tạo để không lãng phí tài nguyên. Quy hoạch thành phố bằng việc đề cao thế mạnh của từng quận, như về ẩm thực, thời trang… để thu hút đông đảo người đến tham quan, làm việc", Tiến sĩ Dwinita Larasati nói.

Đến từ một trong những quốc gia đáp ứng đa dạng các tiêu chí về xây dựng Thành phố sáng tạo, ông Thierry Vergon, Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội cho biết, mỗi thành phố sáng tạo của Pháp đáp ứng tối thiểu một tiêu chí mà UNESCO đặt ra cho Mạng lưới các Thành phố sáng tạo. Ví dụ như Saint-Étienne chuyển đổi từ thành phố công nghiệp sang thành phố sáng tạo văn hóa theo tiêu chí thiết kế, nơi quy tụ những trường phái thiết kế được ưa chuộng nhất đất nước, từ thiết kế xã hội, công nghiệp… đến kiến trúc, mỹ thuật, nhờ chính sách phát triển công nghiệp văn hóa hiệu quả của chính quyền.

"Chúng tôi cũng xác định lấy người dân làm trung tâm, cũng như chú trọng tương tác, liên kết với các thành phố, các cộng đồng sáng tạo khác. Từ kinh nghiệm này cho thấy, cần kết hợp cả 3 yếu tố cùng lúc, không nên tách riêng lẻ", ông Thierry Vergon chia sẻ.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, những ý kiến chia sẻ tại hội thảo không chỉ cho thấy bức tranh toàn cảnh về không khí sáng tạo trong khu vực, mà còn cung cấp cho Hà Nội những bài học kinh nghiệm để triển khai xây dựng, phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo của Thủ đô, với lực hấp dẫn từ sự khác biệt và sáng tạo, từ đó hoàn thành sớm các sáng kiến của thành phố khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Minh Anh

Top