Hà Nội chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn

19/01/2022 6:42 PM

(Chinhphu.vn) - Giai đoạn từ 2008 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp Hà Nội đạt 2,94%/năm, quy mô GDP toàn ngành tăng gấp 1,39 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt gần 60 triệu đồng/người, cao hơn gấp 2 lần so với năm 2008.

Hà Nội chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Ảnh 1.

Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc góp ý kiến Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW tại điểm cầu Thành phố Hà Nội

Tại Hội nghị toàn quốc góp ý kiến Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn diễn ra hôm nay 19/1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, sau 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, diện mạo nông thôn của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên rõ rệt.

Đối với Hà Nội, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; giai đoạn từ 2008 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,94%/năm, quy mô GDP toàn ngành tăng gấp 1,39 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt gần 60 triệu đồng/người, cao hơn gấp 2 lần so với năm 2008.

Bên cạnh kết quả trên, Hà Nội có một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thứ nhất, do tình hình KT-XH của các vùng, miền khác nhau dẫn đến việc thực hiện chương trình khác nhau, nên áp dụng cơ chế chính sách của Trung ương, địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn khó khăn, hạn chế. Thứ hai, công tác dự tính, dự báo, nắm bắt thông tin thị trường chưa kịp thời; việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sản xuất theo vùng; việc tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các vùng miền còn chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế trang trại được định hướng là thế mạnh trong phát triển kinh tế nông thôn, tuy nhiên, còn thiếu chính sách tạo thông thoáng để phát triển. Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp còn hoạt động kém hiệu quả, thiếu năng động trong nền kinh tế thị trường, số lượng hợp tác xã ngừng hoạt động còn tương đối lớn và đang có chiều hướng gia tăng. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch khu vực nông thôn tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế.

Đối với Hà Nội, thời gian tới, Thành phố xác định xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị; tập trung làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý theo quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới, đảm bảo gắn kết giữa đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thúc đẩy đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ gắn với quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn.

Thành phố Hà Nội cơ bản nhất trí với các giải pháp được nêu tại dự thảo và định hướng phân chia thành 3 vùng nông thôn (vùng giáp với đô thị; vùng thuần nông; vùng miền núi, biên giới). Hà Nội nêu kiến nghị nghiên cứu bổ sung một số giải pháp, đó là: Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách đủ mạnh nhằm giải thể các hợp tác xã yếu kém, ngừng hoạt động để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới. Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa cần xác định: thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống, KT-XH khu vực nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa. Đồng thời, lấy phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng kết nối nông thôn - thành thị là khâu đột phá chiến lược.

Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng kiến nghị BCĐ sớm hoàn thiện dự thảo và trình BCH Trung ương ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới, để các địa phương có căn cứ tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời đề nghị Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, sớm sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiện nay; cần có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; có các cơ chế, chính sách thông thoáng trao quyền chủ động cao hơn cho người dân được giao đất, thuê đất tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn; sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn hiện nay, đặc biệt, xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp theo các mức độ; Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện.

Tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, nông nghiệp, nông dân là vấn đề chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nghị quyết 26-NQ/TW ra đời hợp lòng dân, sát thực tiễn, tính khả thi cao, tạo được cảm hứng của cả hệ thống chính trị. Sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị đã tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, đến thời điểm này đã chín muồi để tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và cũng là thời điểm để có thể ban hành một Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 Gợi ý về quan điểm, mục tiêu và giải pháp đối với Nghị quyết mới, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có vai trò, ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Ban, Bộ, ngành về vị trí, vai trò ý nghĩa chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cùng với việc xây dựng các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết phải rõ ràng, mạch lạc, khả thi, Nghị quyết mới phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên cơ sở cái gì mà đã làm hay thì tiếp tục phát huy, giải pháp mới để giải quyết các vấn đề mới, khắc phục tối đa các hạn chế yếu kém.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng lưu ý một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội như về thể chế về đất đai để phục vụ cho phát triển nông nghiệp được hoàn thiện; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải là chờ đợi để giải cứu; nông thôn trở thành môi trường để giới trẻ khởi nghiệp trong kinh tế nông nghiệp…

Nghị quyết số 26/NQ-TW, ngày 5/8/2008, của BCH Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra hệ thống quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sáng suốt, đồng bộ, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt được mức khá cao (2,94%/năm). Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng 8,17%/năm, cán cân thương mại liên tục xuất siêu, nông sản Việt Nam có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững.

 Tuy vậy, qua tổng kết đánh giá, chúng ta cũng nhận thấy, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Giang Oanh

Top