Hà Nội cơ bản giải tỏa cây xanh đổ gãy, bảo đảm an toàn giao thông thuận tiện
(Chinhphu.vn) - Tính đến thời điểm hiện tại, việc giải tỏa cây xanh đổ, gãy đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm giao thông. Hiện các đơn vị đang tập trung trồng dựng lại cây kịp thời và tiến hành vận chuyển củi gỗ về bãi tập kết.
Hà Nội căng mình dọn dẹp cây xanh gãy đổ sau bão
Suốt những ngày qua, người dân và các cơ quan chức năng đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc dọn dẹp rác, cây xanh bị gãy đổ và vệ sinh môi trường.
Ngay sau khi bão số 3 đi qua, Hà Nội ngập trong cây đổ, lá và cành cây tràn tắc các con phố, rác thải cũng ùn ứ vì xe rác di chuyển khó khăn. Nhưng không vì thế mà các cơ quan chức năng, công nhân môi trường chậm trễ công việc của mình.
Việc dọn dẹp còn có sự tham gia, hỗ trợ của các công nhân viên được điều động từ một số tỉnh, thành phố về hỗ trợ, mà còn có sự tham gia của Đoàn Thanh niên, nhiều người dân cũng không nề hà, ngại việc chung tay để dọn dẹp, giải tỏa các cây xanh gẫy đổ, chắn ngang trên đường. Dù chỉ bằng dụng cụ thô sơ, thậm chí nhân lực bị chia ra do đâu đâu cũng cần dọn rác, dọn cây, thời gian dành cho công việc tăng thêm 2,4 lần so với ngày thường… nhưng các công nhân môi trường vẫn rất nỗ lực để sớm hoàn thành việc giải tỏa, dọn dẹp cây xanh, vệ sinh môi trường trên các tuyến đường.
Sáng 14/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã phát động phong trào toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Ngay sau lễ phát động, chính quyền, các đoàn thể và người dân Hà Nội đã xuống đường dọn dẹp, thu gom rác thải trên tất cả các tuyến phố của Thủ đô. Không chỉ có người dân của Thủ đô Hà Nội, nhiều người yêu Hà Nội, nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc tại Hà Nội, có những người đến du lịch nhưng cũng chung tay cùng mọi người dọn dẹp cây xanh.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, hoạt động trên là sự phối hợp của Quận đoàn Hoàn Kiếm và một công ty kết nối du lịch. Những người nước ngoài trên bao gồm những người định cư tại thành phố và cả các du khách quốc tế. Dự kiến, có khoảng 200 tình nguyện viên nước ngoài sẽ tham gia các hoạt động hỗ trợ dọn dẹp tại các khu vực quanh quận Hoàn Kiếm trong ngày 14 và 15/9.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), tính đến 18h ngày 12/9, các đơn vị đã giải tỏa được 7.389/10.589 cây xanh bị đổ, gãy cành do ảnh hưởng của bão số 3 thuộc địa bàn thành phố quản lý; trong đó, 660 cây được vận chuyển về bãi, 4.061 cây đã cắt khúc chờ vận chuyển, 2.668 cây đã cắt gọn cành lá để gọn lên hè, còn khoảng 118 cây mới phát sinh chưa thực hiện. Các cây đổ, cành gãy tập trung chủ yếu trên địa bàn 12 quận nội thành, trục đường Võ Chí Công-Võ Nguyên Giáp và Đại lộ Thăng Long.
Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội cho biết, có khoảng 3.082 cây có khả năng dựng lại được (250 cây đã dựng lại, 2.600 cây đã cắt gọn chờ dựng, 232 cây chưa cắt gọn để trồng lại).
Số cành gãy cũng xử lý được 2.820 cành, còn khoảng 200 cành vẫn treo trên cây chưa gỡ được...Theo phân cấp, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội quản lý khoảng 50% tổng số cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, để đẩy nhanh tốc độ giải tỏa cây gãy đổ, thông đường bảo đảm giao thông, Sở Xây dựng Hà Nội đã huy động tối đa nhân lực, vật lực làm việc; đồng thời, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản gửi Sở Giao thông và Vận tải, Công an thành phố Hà Nội đề nghị cấp biển xe phục vụ thu dọn cây xanh và phù hiệu "Xe giải toả cây xanh" hoạt động trên các tuyến đường trong phạm vi hạn chế 12 quận (24h/24h).
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội cũng đã có các văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây và các nhà thầu quản lý, duy trì cây xanh phối hợp trong việc thu hồi, bảo vệ gỗ, củi tránh thất thoát, xác nhận khối lượng cây đổ, cành gãy. Ngày 12/9, Thanh tra Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội đã điều động hỗ trợ 4 xe cứu hộ, 2 xe tải, 2 xe ben, phục vụ khắc phục, giải tỏa cây xanh.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 4 đơn vị duy trì cùng với 4 đơn vị tăng cường và 9 đơn vị hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố với tổng nhân lực khoảng 700 người; cùng hơn 48 xe cẩu, hơn 20 xe tải vận chuyển, hơn 160 cưa máy các loại tham gia giải tỏa cây gãy, đổ và trồng lại những cây có thể phục hồi.
Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh cùng các đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ đến từ các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Đà Nẵng, Sơn La, Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Hà Tĩnh, Huế, Vinh, Đồng Nai với hơn 500 công nhân, 24 xe cẩu, 4 xe tải vận chuyển, 103 cưa máy. Công ty cổ phần Xây dựng, Dịch vụ và Thương mại 68 khoảng 77 công nhân, 7 xe cẩu, 5 xe tải vận chuyển, 2 máy xúc, 15 cưa máy…
Phát huy "bốn tại chỗ" và "ba sẵn sàng" giải tỏa cây xanh
Chia sẻ về công tác khắc phục thiệt hại sau bão trên địa bàn quận, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết, bão số 3 có cường độ lớn, sức gió giật mạnh, tuy nhiên do có sự chuẩn bị kỹ càng nên thiệt hại về tài sản, con người là không lớn, chủ yếu các thiệt hại là về cây xanh bị gãy đổ. Thống kê trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 697 cây xanh đổ, gẫy, bật gốc.
Khẩn trương giải tỏa cây xanh gẫy đổ trên địa bàn quận, UBND quận chỉ đạo tập trung giải tỏa trước các cây nguy hiểm đến công trình nhà ở của nhân dân, trong các trường học và giải phóng các trục đường chính, tuyến đường đê liên thông, đảm bảo an toàn giao thông. Đến nay, quận đã cơ bản cắt dọn, giải tỏa được số cây đổ, gãy. Giao thông trên các trục đường chính, khu vực trung tâm đã thông suốt.
Đối với các cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, quý hiếm có giá trị kinh tế cao quận phối hợp Công ty Công viên cây xanh kiểm tra, đánh giá có thể chống dựng tại chỗ thì triển khai thực hiện, trường hợp không thể chống dựng đề xuất thành phố di chuyển về vườn ươm để chăm sóc và trồng vào vị trí phù hợp. Dự kiến đến trước 15/9 sẽ vận chuyển xong, giải phóng toàn bộ địa bàn.
Ông Trịnh Hoàng Tùng cho rằng, nguyên nhân chủ quan gây gãy đổ nhiều cây xanh do việc cắt tỉa, rà soát cây xanh hư hỏng đã được quan tâm nhưng chưa triệt để. Sau khi bão tan, do số lượng cây đổ gãy quá lớn gây ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Các đơn vị sau trực bão bố trí lại lực lượng chưa kịp thời, hợp lý, bên cạnh đó, công cụ lao động còn thiếu (thiếu cưa tay, cưa máy, không có cẩu, xe chở cành cây gãy ...) dẫn đến việc dọn dẹp, khắc phục còn chậm.
Quận Hoàn Kiếm vẫn tiếp tục tăng cường hỗ trợ nhân lực, công cụ của các doanh nghiệp cây xanh, doanh nghiệp xây dựng trong và ngoài địa bàn quận tham gia hỗ trợ khắc phục dọn dẹp cây xanh; tổ chức, bố trí lại lực lượng tham gia dọn dẹp trên cơ sở thống nhất chỉ huy của các tổ công tác quận điều phối nhân lực, công cụ đến từng điểm.
Trong khi đó, đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, trên địa bàn quận có 1.944 cây xanh bị gãy, đổ do cơn bão số 3. Quận đã bố trí 5 điểm tập kết cây xanh sau xử lý và triển khai phương án "4 tại chỗ", huy động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, công an, UBND các phường cùng sự hỗ trợ của nhân dân nhanh chóng xử lý cây gãy, đổ. Đến nay, cây đổ, gãy trên các tuyến đường giao thông chính của quận đã cơ bản được xử lý xong, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường được thông suốt, thuận lợi.
Với phương châm "bốn tại chỗ", khối dân vận đảng ủy 14 phường trên địa bàn quận Ba Đình đã tập trung giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3, huy động đông đảo đoàn viên thanh niên, hội viên cựu chiến binh, phụ nữ, các cán bộ cơ sở và người dân trực tiếp tham gia thu dọn cây gãy đổ trên đường phố đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn quận.
Còn tại địa bàn quận Long Biên, với 3.168 cây xanh bị đổ, gãy, UBND các phường đã phối hợp với những đơn vị liên quan tập trung xử lý, giải toả không để ảnh hưởng đến giao thông; tiếp tục tổ chức thu dọn, vệ sinh môi trường.
Trước khối lượng công việc liên quan đến khắc phục tình trạng cây xanh gãy đổ sau bão số 3 rất lớn, Sở Xây dựng Hà Nội đã đưa ra một số đề nghị với các sở, ngành, đơn vị.
Cụ thể, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị các Sở: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa và Thể thao, Y tế, Thông tin và Truyền thông; UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây và các Ban quản lý dự án thành phố Hà Nội chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng, UBND cấp xã ưu tiên thực hiện có hiệu quả theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và "ba sẵn sàng" (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) nhằm khẩn trương phối hợp giải tỏa cây xanh các khu vực trọng tâm tại các trục đường chính, các tuyến đưa đón đoàn khách quốc tế, các trụ sở cơ quan Trung ương, ngoại giao, bệnh viện, trường học và 4 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa.
Các đơn vị phối hợp cùng Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố và các đơn vị quản lý, duy trì cây xanh tổ chức phân luồng giao thông tại các vị trí cây xanh đổ ngang đường gây cản trở giao thông; chỉ đạo các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường phối hợp thu dọn cành lá, cành cây, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, đặc biệt tại các vị trí vừa thực hiện giải tỏa cây xanh.
Các địa phương, đơn vị đốc, kiểm tra các trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học đóng trên địa bàn chủ động xây dựng phương án giải tỏa, chằng chống, trồng thay thế đối với cây xanh trong khuôn viên trụ sở, cơ quan đảm bảo an toàn; kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư các khu đô thị trên địa bàn chủ động giải tỏa cây gãy, đổ trên địa bàn quản lý theo phân cấp.
Các Ban quản lý dự án của thành phố chủ động rà soát, kiểm tra các cây xanh trong phạm vi dự án và các khu vực quản lý để có các phương án giải tỏa, chống dựng, thay thế… kịp thời, phù hợp, đúng quy định.
Tại cuộc họp với các đơn vị có liên quan, về tiến độ khắc phục cây xanh gẫy, đổ trên địa bàn thành phố Hà Nội vào ngày 13/9, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội cũng như các đơn vị liên quan sau khi cắt gọn cây xanh bị gãy, đổ, cần tiếp tục dọn dẹp, bảo đảm trước ngày 20/9 sẽ thu dọn hết cây xanh gãy, đổ để chuyển sang giai đoạn "cứu" các cây. Chậm nhất trước 25/9 phải hoàn thành khắc phục cây xanh gẫy, đổ. Đồng thời, tập trung khôi phục hạ tầng, cải tạo vỉa hè sau khi trồng lại cây xanh gãy, đổ.
Đối với công tác khắc phục ngập lụt do nước sông Hồng, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng như các đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả tại các tuyến đường, quốc lộ, tỉnh lộ vẫn còn ngập nước, hoặc bị hư hỏng sau bão.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị UBND các quận, huyện chủ động bố trí địa điểm để thu hồi, tập kết gỗ, củi trên địa bàn của đơn vị mình. Đồng thời, chịu trách nhiệm giám sát quá trình thu hồi gỗ, củi đủ điều kiện về kho bảo quản và tổ chức thanh lý gỗ, củi theo quy định hiện hành đối với khối lượng quản lý theo phân cấp.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến 6 giờ ngày 13/9, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 40.000 cây đổ và cành gẫy (thiếu 8/30 quận huyện gồm: Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín, Long Biên, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ chưa có báo cáo), trong đó cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác... do thành phố quản lý theo phân cấp) là 13.615 cây xanh bị gẫy, đổ, bao gồm: 10.589 cây đổ, bật gốc; 3.069 cây bị cành gẫy, cây gẫy ngọn. Quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khác khu đô thị, cơ quan, đơn vị là hơn 26.300 cây.
Thùy Chi