Hà Nội: Cử tri đề nghị xem xét nhiều điểm mới trong cải tạo chung cư cũ
(Chinhphu.vn) - Cử tri TP. Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật về hoàn thiện Luật Nhà ở nhằm tháo gỡ vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ, quy định về sở hữu, thời gian sở hữu chung cư.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án nhà ở, khu đô thị
Cử tri cũng đề nghị xem xét lại quy định tại Điều 4 Luật số 03/2022/QH15, sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở nhằm tháo gỡ cho các dự án nhà ở, khu đô thị không có đất ở hiện trạng trong ranh giới đề xuất dự án.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời cử tri TP. Hà Nội như sau:
Ngày 13/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 50/2022/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo dó, Quốc hội đã đưa dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 vào kỳ họp tháng 5/2023 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2023.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng như các cơ quan có liên quan đánh giá tổng kết việc thi hành Luật Nhà ở 2014, trên cơ sở đó xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 trong đó đã quy định nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư tại các địa phương có nhà chung cư cũ thuộc diện cải tạo xây dựng lại như: Quy định các nguyên tắc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Quy định các trường hợp cụ thể nhà chung cư phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại; Trách nhiệm kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư và lập, ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Trách nhiệm lập quy hoạch khu vực cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; Lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Cơ chế ưu đãi trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư...
Sau khi Nghị định số 69/2021/NĐ-CP được ban hành, nhiều địa phương trên cả nước đặc biệt là TP. Hà Nội, TPHCM đã và đang khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn theo các quy định mới của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP.
Trong nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu rà soát quy định cụ thể các nội dung liên quan đến cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nhằm bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Đề xuất hai phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư
Đối với kiến nghị quy định về sở hữu, thời gian sở hữu của nhà chung cư... trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) Bộ Xây dựng đề xuất hai phương án: 1. Bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư; 2. Thời hạn sở hữu nhà chung cư xác định theo quy định của pháp luật đất đai.
Đối với phương án 1: Trong dự thảo quy định một số nội dung như:
Thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.
- Thời hạn sở hữu nhà chung cư được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình nhà chung cư đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
- Khi thẩm định hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải ghi rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư trong hồ sơ thiết kế.
- Thời hạn sở hữu nhà chung cư phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ, diện tích khác trong nhà chung cư.
- Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phải căn cứ vào hồ sơ thiết kế công trình và hợp đồng mua bán để ghi thời hạn sở hữu nhà chung cư trong Giấy chứng nhận cấp cho chủ sở hữu.
- Quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư chỉ áp dụng đối với công trình nhà chung cư được cấp Giấy phép xây dựng hoặc có văn bản thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (đối với trường hợp miễn giấy phép xây dựng) sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Không áp dụng quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư đối với các nhà chung cư được cấp Giấy phép xây dựng hoặc có văn bản thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (đối với trường hợp miễn giấy phép xây dựng) trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (tức là được sở hữu ổn định lâu dài như quy định hiện hành).
- Quy định rõ xử lý nhà chung cư khi hết hạn sở hữu: (i) Trường hợp cơ quan kiểm định xác định còn đủ điều kiện sử dụng thì được tiếp tục gia hạn sở hữu nhà chung cư; (ii) trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện sử dụng phải phá dỡ thì chấm dứt quyền sở hữu căn hộ và xử lý như sau: Nếu khu đất vẫn theo quy hoạch được xây dựng nhà chung cư thì các chủ sở hữu được thực hiện xây dựng lại nhà chung cư mới; trường hợp theo quy hoạch không tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư thì các chủ sở hữu được bồi thường về đất và bố trí tái định cư theo pháp luật về đất đai.
Đối với Phương án 2: Thời hạn sở hữu nhà chung cư xác định theo quy định của pháp luật đất đai. Theo phương án này vẫn giữ nguyên nhà chung cư có thời hạn sở hữu gắn liền với quyền sử dụng đất lâu dài, ổn định.
Sau khi có ý kiến góp ý liên quan đến nội dung này, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, cân nhắc thận trọng, bảo đảm hợp hiến, tính thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đối với đề nghị cần xem xét lại quy định tại Điều 4 của Luật số 03/2022/QH15 (sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 23 của Luật Nhà ở) nhằm tháo gỡ cho các dự án nhà ở, khu đô thị không có đất ở hiện trạng trong ranh giới đề xuất dự án thì trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất các nội dung cụ thể liên quan đến kiến nghị này của cử tri.
Sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thùy Chi