Hà Nội: Đánh giá kỹ lưỡng về kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2021

30/11/2021 11:03 AM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội đang tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2021; đồng thời phân tích, dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển năm 2022, nhất là đánh giá kỹ lưỡng sự tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: Gia Huy

Sáng 30/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khoá XVII. Đây là hội nghị thường kỳ cuối cùng của năm 2021 của Thành phố, có nhiệm vụ thảo luận, cho ý kiến về 6 nội dung liên quan đến các báo cáo, tờ trình về kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công của Hà Nội; đồng thời xem xét, thông qua một số dự thảo Nghị quyết cho sự phát triển Thủ đô thời gian tới…

Tập trung phân tích, đánh giá kết quả phát triển năm 2021

Phát biểu tại hội nghị, gợi mở một số điểm thảo luận, xem xét và quyết định những vấn đề hệ trọng của Thành phố, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, toàn hệ thống chính trị của Thành phố đã và đang quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra.

Tuy nhiên, Thành phố đang phải gánh chịu rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô; đòi hỏi cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Vì vậy, hội nghị cần tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và đầu tư công năm 2021 của Thành phố, gắn với công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 của Thành phố. 

Bên cạnh đó, phân tích, dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách Nhà nước và Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Thành phố, nhất là đánh giá kỹ lưỡng sự tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tập trung thảo luận, thống nhất các chỉ tiêu, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách và đầu tư công, đảm bảo sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao. Trong đó cần đặc biệt chú trọng các giải pháp về phát triển kinh tế - vxã hội phải đi đôi với các giải pháp về phát triển bền vững nền giáo dục, y tế, văn hóa, lịch sử và con người Hà Nội; Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường và tiến bộ, công bằng xã hội.

Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 cũng được luận kỹ trên nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các dự án chuyển tiếp, các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án dân sinh bức xúc (nước sạch, chất thải, ô nhiễm môi trường…) và các dự án có khả năng hấp thụ vốn cao, dự án có khả năng giải ngân vốn tốt; đặc biệt là dành nguồn vốn đáng kể để nâng cấp, xây dựng các trường học công lập của thành phố đạt chuẩn Quốc gia; đầu tư xây dựng, nâng cấp các Bệnh viện, cơ sở y tế của thành phố để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về số gường bệnh/1 vạn dân của thành phố theo kế hoạch đề ra.

Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khoá XVII. Ảnh: Gia Huy

Đánh giá khả năng phục hồi kinh tế của Hà Nội năm 2022

Liên quan đến kế hoạch năm 2022, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nêu, đối với dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, Kế hoạch Tài chính ngân sách 3 năm 2022-2024, cần tập trung phân tích, thảo luận, đánh giá kỹ các yếu tố tác động nhất là tác động của đại dịch COVID-19, khả năng phục hồi kinh tế của Thành phố, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, tỷ lệ điều tiết các khoản thu ngân sách Nhà nước năm 2022 Thành phố được hưởng (32%) và khả năng khai thác các nguồn lực của Thành phố, để xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2022 và Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2022-2024 sát thực tiễn, có tính khả thi cao, tính bền vững và đảm bảo nguyên tắc cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước.

Trong đó cũng cần thảo luận, bàn kỹ các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách thành phố một cách bền vững hơn, nâng dần tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố; giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển hợp lý; các giải pháp về quản lý và khai thác hiệu quả các nguồn lực từ thuế, phí, lệ phí,  nguồn lực từ đất đai, tài sản công và các nguồn lực của xã hội cho phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; tận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù Trung ương cho phép áp dụng trên địa bàn Thành phố… 

Dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách năm 2022 cần bám sát định hướng, nguyên tắc theo Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao cho Thành phố và mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng của Thành phố tại Nghị quyết đại hội đảng bộ Thành phố lần thứ 17 và Kế hoạch Tài chính ngân sách 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Thành phố đã được thông qua. Cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực ngân sách Nhà nước cho công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả và hỗ trợ khôi phục phát triển kinh tế sau đại dịch và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đã ban hành, nhất là các chế độ chi cho công tác an sinh xã hội của Thành phố.

Riêng về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố và công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, trong thời gian qua, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng đô thị và công tác quản lý đất đai, khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực;

Tuy nhiên, nhiều hạn chế đã bộc lộ, như yếu kém như tiến độ triển khai các nhiệm vụ quy hoạch còn chậm, chất lượng các đồ án quy hoạch chưa cao, thường xuyên phải điều chỉnh; công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát sinh nhiều vụ việc vi phạm; nhiều dự án về đất đai chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đất đai của Nhà nước; vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý làm phát sinh các vụ việc vi phạm lớn về quản lý đất đai, về đấu giá quyền sử dụng đất; các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm phần lớn các vụ việc, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của Thành phố.

Để khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai và khoáng sản; Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND xây dựng 2 Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với 2 lĩnh vực rất quan trọng này.

Hội nghị cũng thảo luận nội dung của dự thảo Chỉ thị, đặc biệt là các tồn tại, hạn chế và các giải pháp, biện pháp để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, khoáng sản; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong công tác quản lý… để thực sự công tác quản lý đối với lĩnh vực này của thành phố đi vào nề nếp và có chuyển biến mạnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Gia Huy

Top