Hà Nội: Đặt mục tiêu tăng trưởng năm 7% năm 2023 mang tính phấn đấu
(Chinhphu.vn) - Căn cứ bối cảnh dự báo tình hình quốc tế còn diễn biến phức tạp và mục tiêu tăng trưởng của cả nước đặt ra là 6,5%, Hà Nội xây dựng 3 kịch bản và chọn kịch bản tăng trưởng 7% (gấp 1,08 lần cả nước) để là phù hợp bối cảnh và có tính phấn đấu.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết sáng 8/12 trong phát biểu trong tiếp thu, giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu HĐND TP. Hà Nội nêu.
Đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất để tạo nguồn thu
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, trong phiên thảo luận tại các tổ vào chiều ngày 7/12, các đại biểu thống nhất nhận định mặc dù bối cảnh năm 2022 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực khi hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó cả 4 chỉ tiêu kinh tế đều vượt kế hoạch.
Kinh tế phục hồi với mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; các cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo. Thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Đối với phát triển kinh tế, về chỉ tiêu tăng trưởng 7,0% năm 2023, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết UBND Thành phố căn cứ bối cảnh dự báo tình hình quốc tế còn diễn biến phức tạp và mục tiêu tăng trưởng của cả nước đặt ra là 6,5%, Thành phố xây dựng 3 kịch bản và chọn kịch bản tăng trưởng 7% (gấp 1,08 lần cả nước) - là phù hợp bối cảnh và có tính phấn đấu.
Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho rằng, khối doanh nghiệp đang khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, Thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó nghiên cứu các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh; bám sát tình hình quốc tế và trong nước để có giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm, nhất là lao động nông thôn, lao động tại các khu công nghiệp...
Về dự báo nguồn thu của năm 2023, UBND Thành phố đã xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023 theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, diễn biến phục hồi của nền kinh tế, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN, đi đôi với nuôi dưỡng nguồn thu và tập trung phân tích, đánh giá khả năng thực hiện thu NSNN năm 2022, những tác động ảnh hưởng đến dự toán thu NSNN năm 2023 theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, từng khoản thu, sắc thuế.
Đối với ý kiến nguồn thu từ đất năm năm 2023, dự kiến còn tiếp tục khó khăn, Phành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã có giải pháp cụ thể đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn để tạo nguồn thu, đảm bảo nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị: cần phải thực hiện nghiêm, khi có nguồn thu mới tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện dự án để tránh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tiếp tục khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thu như tập trung vào rà soát lại các hộ kinh doanh, đặc biệt là hộ khoán; quỹ đất, tài sản công, rà soát 404 đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giảm tầng nấc trung gian
Năm 2023, để khắc phục tình trạng cán bộ nghỉ việc, chuyển công tác, cùng với công tác tư tưởng, tại kỳ họp tháng 9 vừa qua, UBND Thành phố đã trình HĐND thông qua nghị quyết quy định về mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc Thành phố (với mức hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng).
Hiện nay, cùng với lộ trình đã được Trung ương phê duyệt là nâng mức lương cơ sở từ 01/7/2023 từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng; UBND Thành phố đang đề xuất với Trung ương chấp thuận cơ chế đặc thù để Thành phố được quyết định tăng thu nhập cho cán bộ công chức của Thành phố.
Về việc công chức, viên chức ngành y tế, giáo dục đang rất khó khăn, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết: Thành phố sẽ quan tâm rà soát các chính sách hỗ trợ để khắc phục khó khăn; tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục tuyển giáo viên.
Đối với về vấn đề về chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, năm 2023, UBND Thành phố xác định tiếp tục chủ đề công tác năm là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển". Cùng với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, UBND TP sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành , quan tâm chỉ đạo các đơn vị đổi mới tư duy đặc biệt là phương pháp làm việc.
Cũng trong năm 2023, Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; trước mắt là triển khai hệ thống văn phòng điện tử dùng chung trong cả hệ thống và triển khai hệ thống báo cáo điện tử. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung của Thành phố, có cơ chế chia sẻ, phân quyền trong khai thác.
Đồng thời, chỉ đạo các ngành hoàn thiện các quy trình, quy chế phối hợp, liên thông giữa các đơn vị, trong đó xác định rõ nguyên tắc có liên quan từ 2 cơ quan, đơn vị, địa phương trở lên thì sẽ do Thành phố chỉ đạo xây dựng. Triển khai ngay kế hoạch thực hiện Nghị quyết của HĐND về phân cấp ủy quyền, tiếp tục rà soát việc phân công, phân nhiệm gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giảm thiểu các tầng nấc trung gian; theo dõi hướng dẫn kiểm tra giám sát việc phân cấp ủy quyền.
Có phương án xử lý cụ thể từng dự án giao đất chậm triển khai
Về rà soát các dự án giao đất chậm triển khai, UBND đã xây dựng kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các Sở ngành TP và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, kiểm tra, thanh tra, có kết luận và đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án, đồng thời cụ thể hoá 12 giải pháp, biện pháp của HĐND TP để xử lý theo thẩm quyền.
Trong thời gian tới, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các Sở ngành và UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm đưa dự án vào hoạt động, thúc đẩy môi trường đầu tư lành mạnh, tạo nguồn thu từ đất; phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục.
Về việc công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất thực hiện dự án trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, UBND TP đã ban hành Quyết định bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đoạn trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong đó tập trung tháo gỡ việc hỗ trợ đối với trường hợp sử dụng đất lưu không, đất do UBND xã, phường quản lý, đất do HTX quản lý (có nguồn gốc là đất nông nghiệp) các hộ dân đã xây dựng nhà để ở hoặc kinh doanh ổn định; Hỗ trợ đối với đất nông nghiệp vườn, ao liền kề thửa đất ở không được công nhận là đất ở; Hỗ trợ đối với đất nông nghiệp có đặc điểm tương đồng về vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện xã hội với thửa đất nông nghiệp liền kề; Hỗ trợ đối với các công trình xây dựng trên đất.
Gia Huy