Hà Nội đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào 6 tháng cuối năm

14/07/2025 2:43 PM

(Chinhphu.vn) - Trước yêu cầu tăng tốc đầu tư công để kích cầu tăng trưởng, Hà Nội đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn vào nửa cuối năm 2025.

Hà Nội đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào 6 tháng cuối năm- Ảnh 1.

GRDP 6 tháng đầu năm của Hà Nội đạt mức tăng trưởng ấn tượng 7,63% - Ảnh minh họa: VGP

Tăng trưởng tích cực, giải ngân đầu tư công còn chậm

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, GRDP 6 tháng đầu năm của Hà Nội đạt mức tăng trưởng ấn tượng 7,63%, cao hơn cùng kỳ năm trước (6,13%) và vượt mức trung bình cả nước (7,52%).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 392,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán năm, tăng hơn 51% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện với tổng vốn FDI đạt gần 3,7 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với nửa đầu năm 2024.

Theo UBND TP. Hà Nội, Thành phố đã tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn như: khởi công dự án cầu Tứ Liên (tổng mức đầu tư gần 20,2 nghìn tỷ đồng); đẩy nhanh giải ngân các dự án như: đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đã giải ngân 16,4% kế hoạch vốn); đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) (đã giải ngân 51,2% kế hoạch vốn); Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai (đã giải ngân 19,6% kế hoạch vốn); tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình (đã giải ngân 29,5% kế hoạch vốn); và dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (đã giải ngân 37,2% kế hoạch vốn).

Thành phố đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo mục tiêu hoàn thành đúng kế hoạch và đưa các công trình vào khai thác, sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Dù đạt nhiều chỉ số tích cực, một trong những điểm đại biểu HĐND TP. Hà Nội (tại phiên thảo luận tổ ở kỳ họp 25) đặc biệt lưu tâm tại kỳ họp gần đây chính là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Giải đáp về vấn đền này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, đến ngày 30/6/2025, Hà Nội đã giải ngân khoảng 29,7 nghìn tỷ đồng, đạt 34,1% kế hoạch - tuy cao hơn mức bình quân cả nước (32,5%) nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân này chủ yếu tập trung ở các dự án đã hoàn thiện thủ tục, trong khi nhiều công trình trọng điểm vẫn gặp vướng mắc lớn.

Nguyên nhân chính được chỉ ra là do giải phóng mặt bằng chậm, chiếm đến 70% các dự án bị kéo dài tiến độ. Trong đó, các vấn đề nổi cộm gồm: Tranh chấp nguồn gốc đất (60%), người dân chưa đồng thuận giá bồi thường (70%), và sự chênh lệch chính sách giữa Luật Đất đai hiện hành và Luật Đất đai 2024, khiến nhiều hộ dân chưa phê duyệt chờ sang mốc 1/8/2024 để được hưởng lợi cao hơn 20-30%.

Hạ tầng giao thông - động lực giải ngân trọng điểm

Các dự án hạ tầng giao thông lớn đang là trọng tâm trong chiến lược đầu tư công của Hà Nội năm 2025. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại biểu HĐND, tiến độ nhiều dự án vẫn còn chậm, trong đó có Vành đai 4, Cầu Tứ Liên, hay các công trình chống ngập nội đô. Riêng tuyến đường Vành đai 1 mới đạt 51,4% tiến độ trong khi mùa mưa năm nay đã ghi nhận 10 điểm ngập úng tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình.

Phó Chủ tịch Trương Việt Dũng cho biết, Hà Nội đã chính thức khởi công dự án cầu Tứ Liên từ ngày 19/5/2025. Hiện nay, công trình đang triển khai thi công phần cọc khoan nhồi của cầu dây văng. Dự án đã được cập nhật kế hoạch đầu tư công năm 2025 với tổng vốn 800 tỷ đồng, trong đó phần kết nối cầu với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với kinh phí hơn 5.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng cuối năm, thành phố đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với 282 dự án đầu tư công, trong đó có 85 dự án giao thông với tổng mức đầu tư 22,9 nghìn tỷ đồng.

Các cây cầu trọng điểm như Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Vân Phúc và Thượng Cát dự kiến được khởi công trong các dịp lễ lớn của năm. Đồng thời, Hà Nội sẽ tăng tỷ lệ giải ngân của dự án Vành đai 4 lên 50% trong quý IV.

Để khắc phục tình trạng chậm trễ, Thành phố chủ trương giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nâng tỷ lệ hoàn thành GPMB lên 90% trong năm nay.

Đẩy mạnh số hóa đất đai, tạo nền tảng cho giải ngân

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư công chính là việc quản lý đất đai còn thiếu đồng bộ. Hiện tại, dù tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 99,6%, nhưng vẫn còn khoảng 7.000 thửa đất chưa đăng ký, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Tình trạng thiếu kết nối giữa dữ liệu bản đồ và sổ sách địa chính vẫn diễn ra tại 50% số xã, làm chậm quá trình hoàn tất thủ tục đầu tư.

Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành số hóa 100% dữ liệu đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn bộ các đơn vị hành chính theo mô hình Chính quyền số 3.0. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ, cấp phép đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cho toàn bộ thửa đất trong quý IV/2025 theo Kế hoạch số 271 của UBND Thành phố.

Cùng với nỗ lực đầu tư công, Hà Nội đang trong quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, sau khi sắp xếp tổ chức lại 126 xã, phường. Thành phố đã chủ động bổ sung nhân sự chuyên môn theo hình thức tiếp nhận công chức đặc biệt để giải quyết tình trạng thiếu cán bộ tại cấp xã, phường. Trên tinh thần đó, chính quyền các cấp cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với HĐND và các sở, ngành để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mục tiêu GRDP đạt trên 8% năm 2025.

Gia Huy

Top