Hà Nội thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng
(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng với mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên, một trong 10 dự án quan trọng của Hà Nội - Ảnh minh họa
Thúc đẩy tiến độ từng tháng, từng dự án
Vào tháng 2/2025, HĐND TP. Hà Nội kỳ họp chuyên đề đã thông qua Nghị quyết bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, tán thành về việc UBND Thành phố phát huy tối đa và làm mới các động lực truyền thống, xây dựng kế hoạch tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công từng tháng, từng dự án ngay từ đầu năm, phấn đấu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt trên 95%.
Để giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, Thành phố đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025 như: Hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Thành phố; tuyến đường Tây Thăng Long từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm và dự án thành phần 1 của Dự án Vành đai 4.
Mục tiêu đặt ra là phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đối với các dự án thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ mục tiêu; giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công ngân sách cấp huyện.
Sang năm 2025, kế hoạch đầu tư công của Hà Nội tăng mạnh lên 87.130 tỷ đồng, cao hơn 13% so với năm 2024. Nguồn thu từ đất đai được dự kiến sẽ đóng góp 42.500 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước. Vẫn còn 506 dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024, trong đó có 255 dự án cấp Thành phố và 251 dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ cấp huyện.
Tính đến hết tháng 1/2025, Thành phố đã giải ngân được 2.400,37 tỷ đồng, đạt 2,8% kế hoạch năm. Tuy nhiên, kết quả giải ngân của các dự án sử dụng ngân sách Trung ương và các dự án trọng điểm còn thấp. Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương chỉ đạt 38,4% kế hoạch, trong đó vốn trong nước đạt 27,1% và vốn ODA cấp phát đạt 54,1%. Đối với 18 dự án trọng điểm được bố trí kế hoạch vốn năm 2024, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 64,9%.
Đối với 16 dự án trọng điểm được bố trí 18.173 tỷ đồng (chiếm 20,9% kế hoạch), dự kiến chỉ giải ngân được 53,3% kế hoạch. Hiện có 10 dự án công trình trọng điểm đang gặp vướng mắc, chủ yếu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, trong đó 6 dự án khó khăn về nguồn gốc đất, 6 dự án về giá đền bù và 8 dự án về việc người dân không đồng thuận.
Dự báo tại cuộc họp giao ban các dự án trọng điểm của UBND TP. Hà Nội vào tháng 2/2025 cho thấy, nếu không tính đến các khoản bồi thường, tái định cư và đầu tư trở lại từ tiền thuê đất, ước tính giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 của thành phố sẽ đạt 76.245 tỷ đồng, tương ứng 87,5% kế hoạch.
Trường hợp các địa phương cam kết giải ngân 100% vốn bố trí cho công tác bồi thường, tái định cư, cùng với kế hoạch đầu tư công cấp huyện đạt 111,2% kế hoạch thành phố giao, tỷ lệ giải ngân có thể lên tới 95,2%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, các sở, ngành, chính quyền địa phương và chủ đầu tư phải triển khai ngay từ đầu năm, xây dựng kế hoạch thúc đẩy tiến độ từng tháng, từng dự án.
Đề xuất các giải pháp khắc phục giải ngân ngay từ quý I
Để thúc đẩy công tác giải ngân, một trong những giải pháp vừa được UBND Thành phố chỉ đạo là phân luồng, rút ngắn thời gian xử lý đối với các nhóm hồ sơ thủ tục công việc nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 8% của Thành phố.
Để đảm bảo tiến độ, Thành phố yêu cầu rà soát, tinh gọn quy trình thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để phân loại hồ sơ, xác định mức độ ưu tiên.
Theo đó, cần bảo đảm thời hạn giải quyết rút ngắn ít nhất 60% so với quy định hiện hành, nhất là các dự án có thể đóng góp ngay vào GRDP năm 2025. Đóng dấu phân luồng "làn xanh" hồ sơ văn bản đến và văn bản đi để tiếp nhận, xử lý, theo dõi, kiểm soát tiến độ đảm bảo yêu cầu thời hạn.
Chủ tịch TP. Hà Nội đặc biệt lưu ý, đối với 10 dự án quan trọng như: Cải tạo không gian Đông hồ Hoàn Kiếm và cải tạo quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục; Cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu; Cầu Trần Hưng Đạo; Cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu; Cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường xung quanh Hồ Tây; Cải tạo chỉnh trang, bổ cập nước sông Tô Lịch; Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các dự án thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội; Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn Thành phố; Tuyến đường sắt đô thị số 5, Văn Cao - Hòa Lạc, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương xử lý ngay trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ.
Để bảo đảm triển khai hiệu quả Kế hoạch đầu tư công năm 2025 với mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, tổ chức đánh giá đầy đủ các nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện; trách nhiệm của tập thể cũng như cá nhân liên quan, đặc biệt là các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời ngay trong Quý I/2025.
Các đơn vị sẽ tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 đạt trên 95%.
Rà soát, đánh giá và đề xuất giải pháp; Xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết; Tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các đơn vị tổ chức thực hiện; Đảm bảo tiến độ triển khai, bàn giao mặt bằng.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án trọng điểm và dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương: Tập trung triển khai các dự án theo đúng tiến độ đã cam kết; Rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn; Đẩy nhanh công tác GPMB, tạo điều kiện thi công; Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát. Hoàn thiện thủ tục đầu tư và thúc đẩy cải cách hành chính trong quản lý đầu tư công.
Rà soát, chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2026-2030: Đối với các dự án hết thời gian thực hiện đến cuối năm 2024, yêu cầu các Chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chậm nhất trước ngày 30/6/2025; trên cơ sở đó xác định nhu cầu vốn năm 2025 để triển khai dự án theo đúng tiến độ được duyệt.
Đối với các dự án hết thời gian thực hiện đến cuối năm 2024, yêu cầu các Chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chậm nhất trước ngày 30/6/2025; trên cơ sở đó xác định nhu cầu vốn năm 2025 để triển khai dự án theo đúng tiến độ được duyệt.
Gia Huy