Khơi thông nguồn lực góp phần tăng trưởng nhanh cho thị trường bất động sản
(Chinhphu.vn) - Các chuyên gia cho rằng, để tạo ra tăng trưởng cao, tăng trưởng nhanh cho Hà Nội, thành phố cần khơi thông nguồn lực đất đai, tăng trưởng bất động sản, đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội, tập trung cải tạo chung cư cũ…
Thu hút vốn đầu tư tập trung cho tăng trưởng bất động sản
GS. TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để tạo ra động lực cho tăng trưởng nhanh, tăng trưởng ngay trong năm 2025, cần thu hút vốn đầu tư tập trung cho tăng trưởng bất động sản. Bởi việc tăng trưởng bất động sản sẽ tác động đến khu vực dịch vụ.

Bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư có sức lan toả cao.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư có sức lan toả cao, chỗ nào bất động sản đầu tư vào mà tăng trưởng dịch vụ thì chỗ đó thành phố nên tập trung đầu tư, sẽ tạo ra mức tăng trưởng cao mà không phải là tăng trưởng nóng.
Cụ thể, GS. TS Hoàng Văn Cường gợi ý một số khu vực cụ thể mà thành phố cần tập trung là cải tạo chung cư cũ; chỉnh trang, cải tạo, tái thiết khu vực phố cổ và phát triển trục sông Hồng. Nếu kêu gọi đầu tư tốt, thành phố sẽ không mất nhiều nguồn lực mà vẫn thu hút tăng trưởng ngay lập tức.
Bên cạnh đó, Hà Nội phải phát triển du lịch, cơ cấu kinh tế của Hà Nội vẫn phải tính dịch vụ là chính, tận dụng lợi thế. GS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phát triển trục sông Hồng, dịch vụ du lịch, chính điều này sẽ tạo tăng trưởng bền vững. Đặc biệt là qua việc khai thác và phát triển tiềm năng của sông Hồng và các con sông khác trong thành phố. Đây không chỉ là một kế hoạch phát triển đơn thuần, mà còn là một bước tiến vượt bậc trong việc xây dựng một Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, hiện đại và phồn thịnh, đóng vai trò là điểm khởi nguồn và kết nối với các địa phương khác trong vùng.
Để làm tốt những việc này, cần kêu gọi nhà đầu tư vào khu tiềm năng, khai thác cảnh quan thiên nhiên vào Sóc Sơn, Ba Vì, khu vực lưu trú cho giới tinh hoa. Như vậy, sẽ tạo ra tăng trưởng nhanh. Và cuối cùng là khai thác du lịch thông minh phát triển bền vững lâu dài.
Ông Phạm Thiếu Hoa, đại diện Tập đoàn Vingroup cũng có cùng quan điểm khi góp ý Hà Nội tập trung phát triển bất động sản, đẩy nhanh tăng trưởng trong lĩnh vực này. Hiện, trên địa bàn thành phố đang có hàng nghìn dự án đã "đắp chiếu" cả thời gian dài, nếu được khởi thông sẽ mang lại nguồn thu ngân sách cho thành phố.
Ông Hoa nêu thêm, Hà Nội phải quyết liệt giãn dân ra thành phố vệ tinh để khu vực nội đô có điều kiện mở rộng đường, có quỹ đất đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tắc nghẽn giao thông hiện nay của Hà Nội làm tăng chi phí, tiêu hao nguyên liệu, thời gian, công sức của người dân, mặt khác sản sinh ra nhiều khí thải, bụi mịn, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.
Ngoài ra, thành phố cần triển khai sớm các dự án phát triển nhà ở xã hội, mở rộng đối tượng có thể mua bán, thuê nhà ở xã hội, trong đó có cán bộ, nhân viên các cơ quan thuộc lực lượng vũ trang.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội tập trung (hiện thời gian thi công bình quân mất khoảng 600 ngày), đại diện Tập đoàn Vingroup kiến nghị cần rút ngắn thời gian bằng hướng cho phép chỉ định nhà thầu. Đơn vị nào làm nhanh nhất thì có thể được giao thực hiện vì nhà ở xã hội không liên quan đến lợi ích nhóm, đến lợi nhuận. Từ thiết kế, giá cả đều do thành phố quyết định. Nhà đầu tư chỉ có 10% lợi nhuận, nhưng vẫn mong muốn sớm có nhiều quỹ nhà ở xã hội để tăng nguồn cung cho các tầng lớp xã hội được thụ hưởng.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, mang lại niềm tin cho người dân và trong năm 2025 có thể triển khai được. "Đầu tư nhà ở xã hội hay cải tạo chung cư cũ… chỉ mang lại cho ngân sách khoản nộp về tiền đất, nhưng mang lại nhiều nguồn thu khác cho Hà Nội về hoạt động các ngành nghề sẽ phục vụ đầu tư xây dựng, kích thích nguồn nhân lực và vật liệu xây dựng", ông Phạm Thiếu Hoa khẳng định.
Thủ đô Hà Nội vẫn còn nhiều dư địa bố trí không gian phát triển kinh tế đô thị
PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhận xét, Hà Nội là một trong những thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn, còn nhiều dư địa bố trí không gian phát triển kinh tế đô thị. Một số khu vực nông thôn có thể đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, đất nông thôn thành đất đô thị.
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, đất đã cấp cho các dự án nhưng xây dựng dở dang, cầm chừng, thậm chí để không kéo dài; cần được kiểm kê và có biện pháp bắt buộc đưa vào sản xuất. "Ở những thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, ở thời điểm hiện nay có thể là một nguồn vốn rất lớn được huy động cho việc "tăng trưởng 2 con số", ông Bùi Tất Thắng nói.
Ông Bùi Tất Thắng nhận định, hiện Hà Nội đã làm tốt và có hiệu quả bước đầu. Nghị quyết 69/HĐNH 12/12/2024 1 có Danh mục 2.348 dự án thu hồi đất năm 2025 với tổng diện tích 6.179,47ha; Danh mục 186 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với tổng diện tích 447,99ha. Ngày 25/02/2025 bổ sung danh mục 14 dự án thu hồi đất năm 2025 với tổng diện tích 772,5ha tại 8 quận, huyện. Tuy nhiên, vẫn cần hỗ trợ các dự án, tháo gỡ vướng mắc cụ thể đẩy nhanh tiến độ.
Ngoài ra, theo ông Thắng, để thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài, ở những vùng giáp ranh với các tỉnh khác nên xác định vùng đệm về giá thuê đất để không bị quá chênh lệch giữa 2 địa phương.
Chung nhận định với các chuyên gia Hà Nội cần sớm triển khai thực hiện chủ trương xây dựng sông Hồng thành trục cảnh quan trung tâm, xanh của Thủ đô. PGS.TS Bùi Tất Thắng phân tích, nên triển khai thành một dự án tổng thể, phát triển toàn diện hệ sinh thái cảnh quan sông Hồng trên địa bàn Thủ đô.
Trong đó, tập trung vào 2 nội dung chính: Thứ nhất, cải tạo và đưa vào sử dụng đoạn sông Hồng đi qua địa bàn đô thị Hà Nội (đã có kế hoạch xây dựng 3 cây cầu mới trong năm 2025: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi. Vấn đề mấu chốt của Hà Nội vẫn là y án kế hoạch về thời gian). Thứ hai, xây dựng và triển khai dự án khai thác sông Đáy (tiếp sau là sông Đuống) theo hướng khơi thông dòng chảy, phát triển các khu đô thị mới ven sông, vừa giúp giảm tải áp lực cho sông Hồng mùa lũ, và mở rộng không gian đô thị và phát triển kinh tế đô thị từ góc nhìn cảnh quan môi trường.
"Việc khai thác và phát triển tiềm năng của sông Hồng và các con sông khác trong thành phố không chỉ là một kế hoạch phát triển đơn thuần, mà còn là một bước tiến vượt bậc trong việc xây dựng một Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, hiện đại và phồn thịnh"- PGS.TS Bùi Tất Thắng khẳng định.
Việc tăng trưởng bất động sản sẽ tác động đến khu vực dịch vụ, phát triển, tăng trưởng nhanh, tuy nhiên số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho thấy, lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm khoảng 3,3% quy mô GRDP của Hà Nội năm 2023. Tiến độ giải ngân nhiều công trình/dự án quan trọng để tạo đòn bẩy khơi thông mạnh mẽ nguồn lực của Hà Nội hiện khá chậm so với kế hoạch giải ngân.
Một số dự án quan trọng như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai và dự án tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình mới giải ngân gần 9% kế hoạch vốn.
Hay dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) có mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 7,2 nghìn tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, cũng mới giải ngân 37,8% kế hoạch vốn do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, thành phố cũng xác định 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ.
Đề cập đến 712 dự án này, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt cho biết, qua nghiên cứu danh sách phân loại, có thể thấy tình trạng lập dự án "ôm đất để đấy" nhưng là số ít. Đa phần còn lại do vướng cơ chế, chính sách, quy hoạch… khiến dự án không thể triển khai được. Phó Chủ tịch Lê Văn Hoạt nhấn mạnh, việc khơi thông nguồn lực về đất đai, tháo gỡ cho các dự án chậm tiến độ, sẽ là nguồn lực truyền thống tạo ra tăng trưởng tốt cho Hà Nội.
Thùy Chi