Tận dụng mọi nguồn lực để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025

16/03/2025 8:35 AM

(Chinhphu.vn) - Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đảm bảo tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số (10,5-11,0%) giai đoạn 2026-2030, ngoài các giải pháp đã nêu trong quy hoạch, bắt buộc phải tìm kiếm thêm các nguồn lực để đưa vào hoạt động kinh tế trên tất cả mọi lĩnh vực với tinh thần khẩn trương hơn, quyết liệt hơn, đặc biệt là kỷ luật thời gian.

Tận dụng mọi nguồn lực để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025- Ảnh 1.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua huyện Thanh Oai. Ảnh: VGP

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về những gợi ý giải pháp chủ yếu nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Hà Nội năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, PGS.TS Bùi Tất Thắng cho rằng, với chỉ tiêu năm nay cao hơn cần giải pháp mới hơn, mang tính đột phá hơn, sáng tạo hơn và cụ thể hơn. 

Câu hỏi quan trọng đặt là là nguồn lực nào và cách thức huy động thêm nào để đạt mức tăng trưởng cao hơn.

PGS. TS Bùi Tất Thắng cho rằng, theo lý thuyết hàm sản xuất, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào sự gia tăng các yếu tố đầu vào và hiệu quả sử dụng các yếu tố đó; bao gồm: Vốn tài chính, vốn đất đai, vốn nhân lực, vốn KHCN…

Đối với việc huy động nguồn vốn, PGS.TS Bùi Tất Thắng phân tích, Hà Nội là một trong những trung tâm tập trung nguồn vốn tài chính lớn của đất nước; có thể và cần huy động hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước có thể tăng tuyệt đối nhưng có xu hướng giảm tương đối. Khó tăng hơn nữa và cơ bản có thể dự báo trước được.

Vốn đầu tư từ xã hội (khu vực tư nhân trong nước) triển vọng tăng tiếp phụ thuộc vào môi trường đầu tư kinh doanh và khả năng sinh lời, trong đó chính sách thuế rất công phạt. Cần có cơ chế khuyến khích đủ mạnh các hộ kinh doanh đang chiếm phần lớn trong khu vực kinh tế tư nhân chuyển sang hình thức các doanh nghiệp.

Cả nước phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Nhưng số lượng lớn và mật độ cao chắc chắn sẽ là ở địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Vốn FDI chiếm tỷ trọng không lớn (dưới 10%) và khả năng tăng lên phụ thuộc vào việc đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Nhà nước và Thủ đô Hà Nội có chủ trương phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thu hút FDI trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch, tập trung vào thiết kế vi mạch bán dẫn, chip điện tử, AI…. Nhưng để FDI vào Hà Nội và chắc chắn họ muốn vào Hà Nội hơn nhiều nơi khác thì Hà Nội phải chuẩn bị đất đai và nhân lực.

Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, về chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR): hiện còn tương đối cao. Nếu giảm được ICOR, khả năng tăng trưởng còn cao hơn với số vốn đầu tư như dự tính. Việc giảm ICOR phụ thuộc nhiều vào ứng dựng khoa học, công nghệ mới và giảm thời gian xây dựng cơ bản, đưa nhanh các công trình vào sản xuất, giảm thiểu mạnh số vốn đã đầu tư nhưng không được đưa vào sản xuất (vốn chết). Để giảm ICOR, về nguyên tắc (lý thuyết) là phải nâng cao năng lực xã hội, phải giảm bằng được thời gian làm thủ tục đầu tư kéo quá dài hiện nay, phải làm số vốn chết (đất và tiền chôn vào các dự án nằm không hoặc dang dở) sống dậy và hoạt động; phải tháo gỡ các nút thắt làm vốn chết…

Còn nhiều dư địa bố trí không gian phát triển kinh tế đô thị

PGS. TS Bùi Tất Thắng cho biết, Hà Nội là một trong những Thủ đô và Thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn, nhưng tính bình quân chung toàn Thành phố, mức độ tập trung kinh tế chưa cao; còn nhiều dư địa bố trí không gian phát triển kinh tế đô thị. Một số khu vực nông thôn có thể đẩy nhanh quá trình đô thị hóa (đất nông thôn thành đất đô thị).

Đất đã cấp cho các dự án nhưng xây dựng dở dang, cầm chừng, thậm chí để không kéo dài; cần được kiểm kê và có biện pháp bắt buộc đưa vào sản xuất. Đây là một trong những biểu hiện rõ rệt của tình trạng lãng phí (không gian, vốn tài chính – quy ra tiền, thời gian). Ở những thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, ở thời điểm hiện nay có thể là một nguồn vốn rất lớn được huy động cho việc "tăng trưởng 2 con số".

Hà Nội đã làm tốt và có hiệu quả bước đầu.  Tuy nhiên, vẫn cần hỗ trợ các dự án tháo gỡ vướng mắc cụ thể đẩy nhanh tiến độ.

Để thu hút đầu tư (cả trong nước & FDI), ở những vùng giáp ranh với các tỉnh khác Hà Nội nên xác định vùng đệm về giá thuê đất để không bị quá chênh lệch giữa 2 địa phương.

Tận dụng mọi nguồn lực để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025- Ảnh 2.

Nhóm lao động có tay nghề cao, trọng tâm là trong lĩnh vực công nghệ cao cần được chú trọng đào tạo. Ảnh: VGP

Chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định

Theo PGS. TS Bùi Tất Thắng, Hà Nội là thành phố có bề dày lịch sử, nghìn năm văn hiến, luôn tự hào là nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ và văn hóa Việt Nam. Cả số lượng và chất lượng nhân lực đều giàu có, phong phú hơn người. Tuy vậy, so với yêu cầu phát triển, "tiến cùng thời đại" vẫn có những điểm cần bổ khuyết.

Đối với nhóm lao động có tay nghề cao, trọng tâm là trong lĩnh vực công nghệ cao, Hà Nội nên triệt để tận dụng cơ hội này bằng cách tích cực, chủ động tham gia chương trình đào tạo Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" với những mục tiêu cụ thể trong đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng để sớm có ngay nguồn nhân lực thu hút FDI trong lĩnh vực này, Hà Nội có thể miễn phí cho học viên học trong chương trình này với cam kết sau khi ra trường, làm việc trong các doanh nghiệp ở địa bàn Hà Nội, không được tham gia xuất khẩu lao động… Đặc biệt, có chế độ khuyến khích những học viên này vươn dần lên thành cán bộ quản lý kỹ thuật và dần tách ra lập công ty riêng trong lĩnh vực công nghệ cao.

Đối với nhóm lao động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Hà Nội nên sớm có những quy định rõ và cụ thể. Nên nâng mức chịu thuế thu nhập cá nhân cho nhóm này.

Chất lượng nguồn nhân lực công chức, viên chức gắn với sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là việc có ý nghĩa rất quyết định để nâng cao "năng lực xã hội", tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh. Chủ trương bỏ cấp huyện đang được triển khai nhanh Hà Nội cần có các biện pháp đồng bộ để có ngay đội ngũ cán bộ cấp thành phố và cấp xã để đáp ứng yêu cầu. Có tăng trưởng 2 con số hay không, có bền vững hay không phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả của công tác này, ông Bùi Tất Thắng nhấn mạnh.

Hà Nội cần tìm cách thu hút nguồn nhân lực làm công tác KHCN rất đông đảo đang làm việc trên địa bàn Thủ đô, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực môi trường và đào tạo nhân lực trẻ.

Tạo lập môi trường kinh doanh, xã hội, tự nhiên để Hà Nội là điểm đến hấp dẫn

PGS.TS Bùi Tất Thắng cho biết, riêng năm 2025, cả nước thực hiện cắt giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Hà Nội cần tiên phong trong công tác này.

"Hà Nội cần xử lý triệt để ô nhiễm không khí ở Hà Nội và làm sống lại các dòng sông, trước hết là ở nội đô. Mọi người đang chăm chú quan sát kết quả cải thiện sông Tô Lịch, sông Nhuệ…", PGS.TS Bùi Tất Thắng nói.

Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, Chính phủ đang có chủ trương nghiên cứu thành lập "Quỹ nhà ở quốc gia". Hà Nội nên đi tiên phong, nhưng không "khoán trắng" cho khu vực tư nhân mà nên chủ động xây dựng thành chương trình của chính quyền thành phố: Quy hoạch địa điểm, quy định kiến trúc, chất lượng xây dựng, hình thành các khu đô thị đồng bộ…

Sớm triển khai thực hiện chủ trương xây dựng sông Hồng thành trục cảnh quan trung tâm, xanh của Thủ đô. Muốn vậy, nên triển khai thành một dự án tổng thể: Phát triển toàn diện hệ sinh thái cảnh quan sông Hồng trên địa bàn Thủ đô, trong đó tập trung vào 2 nội dung chính là cải tạo và đưa vào sử dụng đoạn sông Hồng đi qua địa bàn đô thị Hà Nội (đã có kế hoạch xây dựng 3 cây cầu mới trong năm 2025: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi. Vấn đề mấu chốt của Hà Nội vẫn là y án kế hoạch về thời gian!);

Xây dựng và triển khai dự án khai thác sông Đáy (và tiếp sau là sông Đuống) theo hướng khơi thông dòng chảy, phát triển các khu đô thị mới ven sông, vừa giúp giảm tải áp lực cho sông Hồng mùa lũ, và mở rộng không gian đô thị và phát triển kinh tế đô thị từ góc nhìn cảnh quan – môi trường.

Với phân tích trên đây, PGS. TS Bùi Tất Thắng cho rằng, để đảm bảo tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số (10,5-11,0%) giai đoạn 2026-2030, ngoài các giải pháp đã nêu trong quy hoạch, bắt buộc phải tìm kiếm thêm các nguồn lực để đưa vào hoạt động kinh tế trên tất cả mọi lĩnh vực với tinh thần khẩn trương hơn, quyết liệt hơn, đặc biệt là kỷ luật thời gian.

Minh Anh

Top