Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
(Chinhphu.vn) - Sau gần 3 năm triển khai Đề án 11 của Thành ủy Hà Nội, sinh hoạt chi bộ các cấp có nhiều đổi mới, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã có những mô hình mới, cách làm hay; nội dung sinh hoạt chuyên đề hàng tháng phong phú đã khuyến khích được đóng góp ý kiến xây dựng của nhiều đảng viên.

Sinh hoạt chi bộ hai chiều tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình - Ảnh: VGP/Gia Huy
Đảng bộ TP. Hà Nội hiện có 50 đảng bộ trực thuộc, gồm 30 đảng bộ quận, huyện, thị xã và 20 đảng bộ trực thuộc, với trên 3.170 tổ chức cơ sở Đảng, 17.980 chi bộ và trên 481.400 đảng viên.
Cuối năm 2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 6/12/2021 về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới". Đến nay, sau gần 3 năm triển khai, Thành ủy Hà Nội nhận định nhận thức của cấp ủy, chi bộ và đội ngũ đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực.
Đánh giá của Ban Tổ chức Thành ủy cho thấy, quá trình triển khai đề án đã có hiệu quả, đi vào cuộc sống. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã có những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, khắc phục tính đơn điệu, hình thức trong sinh hoạt chi bộ.
Nhận thức của cấp ủy, chi bộ và đội ngũ đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Chế độ sinh hoạt thường kỳ được duy trì nền nếp; nội dung sinh hoạt phong phú, được chuẩn bị chu đáo, đề cập trực tiếp vào các vấn đề mới, khó, cấp thiết cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Kết quả đánh giá xếp loại chất lượng chi bộ và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt 93%. Hầu hết các mục tiêu cụ thể của Đề án đã đạt và cơ bản đạt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đội ngũ chi ủy viên, bí thư chi bộ cơ bản đều có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết với công tác xây dựng Đảng.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã nhận định, Thành phố đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin, gắn chuyển đổi số với công tác sinh hoạt chi bộ và công tác đảng. Nhờ đó đã có sự thay đổi nhận thức của các cấp ủy đảng về chất lượng sinh hoạt chi bộ ngay tại cơ sở. Qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai các dự án lớn cũng như góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
"Chi bộ 4 tốt" - Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên rõ rệt
Đảng bộ quận Hà Đông có 86 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc và trên 680 chi bộ cơ sở. Tổng số trên 22.600 đảng viên. Triển khai đề án của Thành ủy, tất cả các chi bộ trên địa bàn quận đều duy trì thực hiện nghiêm túc, nề nếp chế độ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần và sinh hoạt chuyên đề theo kế hoạch của đơn vị, địa phương.
Chi ủy, chi bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện, đánh giá kết quả vào cuối tháng. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên rõ rệt, tạo không khí dân chủ, cởi mở khuyến khích được các đảng viên tham gia đóng góp ý kiến, góp phần củng cố xây dựng chi bộ.
Còn tại quận Ba Đình, cụ thể hóa Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy và Đề án số 11-ĐA/TU, Ban Thường vụ Quận ủy Ba Đình đã xây dựng kế hoạch triển khai, quán triệt, và tăng cường tuyên truyền, giám sát việc thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm, quận đã kết nạp trên 110 đảng viên mới (đạt 58% kế hoạch) và đẩy mạnh ứng dụng phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử" và "Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên".
Đặc biệt, quận Ba Đình đã xây dựng "chi bộ 4 tốt", "đảng bộ cơ sở 4 tốt" trên địa bàn quận với các tiêu chí cơ bản, gồm: Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt.
"Chi bộ 4 tốt" chú trọng nâng cao trách nhiệm của cấp ủy viên trong công tác xây dựng Đảng. Lấy hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chi bộ là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy viên. Trên cơ sở các nội dung đề ra, cấp ủy lãnh đạo chi bộ tập trung đổi mới nội dung sinh hoạt Đảng, nâng cao chất lượng thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác hằng năm; củng cố, kiện toàn đội ngũ cấp ủy viên, phát triển đảng viên, bảo đảm có từ 90% đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có đảng viên xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
Các phường thuộc quận Ba Đình cũng xây dựng kế hoạch triển khai mô hình "chi bộ 4 tốt" với các tiêu chí phù hợp với tình hình Đảng bộ, đề ra các giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện có hiệu quả. Trong đó, Đảng ủy phường Quán Thánh xác định phương pháp là nắm chắc tình hình hoạt động của các chi bộ trực thuộc, nhất là chi bộ được đánh giá xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế về chất lượng hoạt động để kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc; định kỳ thực hiện kiểm tra, giám sát nội dung sinh hoạt chi bộ thường kỳ, hướng dẫn sinh hoạt chi bộ chuyên đề; tăng cường công tác kết nạp đảng viên, phân công nhiệm vụ và quản lý đảng viên.
Quận cũng chỉ đạo cấp ủy các tổ chức cơ sở Đảng triển khai mô hình với các tiêu chí phù hợp; định kỳ kiểm tra, thẩm định đánh giá kết quả thực hiện mô hình "chi bộ 4 tốt" trong năm 2023 để triển khai mô hình "đảng bộ cơ sở 4 tốt" trong năm 2024.
Chi bộ duy trì tốt sinh hoạt hằng tháng, sinh hoạt chuyên đề và nội dung sinh hoạt phong phú nên đã khuyến khích được đóng góp ý kiến xây dựng của nhiều đảng viên. Nhận thức, trách nhiệm của đảng viên trong Chi bộ được nâng lên rõ rệt và tỷ lệ sinh hoạt đảng của đảng viên.
Đối với huyện Gia Lâm, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án 11-ĐA/TU của Thành ủy, các chi bộ đã thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt chi bộ thường kỳ và chuyên đề; thực hiện đầy đủ nội dung, đúng quy trình các bước tổ chức sinh hoạt chi bộ. Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng đạt từ 90% trở lên. Kết quả đánh giá, phân loại chi bộ và đảng viên trong những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ chi bộ và đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ luôn đạt tỷ lệ cao (trên 94%), không có chi bộ không hoàn thành nhiệm vụ.
Đảng ủy cơ sở, duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội dung sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề của chi bộ cơ sở.
Nhiều quận, huyện khi triển khai Đề án của Thành ủy đã có cách làm đổi mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả trong sinh hoạt chi bộ như quận Long Biên và huyện Chương Mỹ có slide trình chiếu mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ; ban hành mẫu biên bản sinh hoạt, mẫu nghị quyết chi bộ.
Thị xã Sơn Tây, huyện Quốc Oai, huyện Thanh Oai, huyện Đan Phượng, quận Thanh Xuân, quận Bắc Từ Liêm và quận Tây Hồ đã thành lập các tổ công tác chuyên dự sinh hoạt chi bộ, tổ chức sinh hoạt chi bộ mẫu để các chi bộ trong đảng bộ nghiên cứu, học tập.
Đối với quận Thanh Xuân, quận chú trọng đến 2 nội dung quan trọng là công tác tư tưởng phải gắn với công tác cán bộ của Đảng. Trong đó, Ban Tuyên giáo Quận ủy xây dựng kế hoạch để định hướng cho trên 400 chi bộ trên địa bàn tổ chức triển khai sinh hoạt hằng tháng và sinh hoạt chuyên đề.
Để triển khai hiệu quả Đề án của Thành ủy, quận Thanh Xuân tiếp tục triển khai 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Cụ thế như chú trọng nâng cao chất lượng đảng viên, trong đó có ý thức chấp hành nhiệm vụ của đảng viên; tiếp tục đề cao vai trò hạt nhân, trách nhiệm của Bí thư chi bộ cũng như dân chủ trong xây dựng Đảng.
Gia Huy