Hà Nội đôn đốc các dự án, công trình giao thông trọng điểm

06/03/2023 4:06 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội đang quyết tâm thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có Hà Nội phải chủ động rà soát, khắc phục những tồn tại hạn chế, vướng mắc để triển khai các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Hà Nội đôn đốc các dự án, công trình giao thông trọng điểm - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ triển khai dự ánh Vành đai 4- Vũng Thủ đô tại địa bàn quận Hà Đông - Ảnh: VGP

Tiến độ đoạn trên cao dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đạt 98,5%

Trong Thông báo số 63/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp lần thứ 4 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương phải tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nỗ lực hơn nữa, chủ động rà soát, khắc phục những tồn tại hạn chế, vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới. 

Thủ tướng cũng nêu rõ các dự án đường sắt đô thị TP.Hà Nội và TPHCM đang triển khai rất chậm. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và TPHCM trực tiếp chỉ đạo triển khai các dự án. Về phía các Bộ, ngành, địa phương cần cải tiến cách làm, rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính, chủ động, tập trung giải quyết nhanh các vướng mắc, kiến nghị của địa phương theo thẩm quyền.

Đối với dự án Nhổn - Ga Hà Nội, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT khẩn trương thẩm định sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư đã được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao tại Văn bản số 520/VPCP-QHQT ngày 31/1/2023. TP.Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 107/TB-VPCP ngày 13/9/2022; đưa đoạn trên cao vào khai thác trong quý II năm 2023. 

Về tình hình thực hiện Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, tại cuộc họp do Thủ tướng chủ trì nêu trên, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đến tháng 2/2023, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75,98% (tăng 0,23% so với kỳ báo cáo trước).

Tiến độ thi công đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đạt 98,5% (tăng 0,5% so với kỳ báo cáo trước), tiến độ đoạn ngầm đạt 33%. Công tác giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đến ngày 31/1/2023 đạt trên 3.162 tỷ đồng (đạt 95,82% kế hoạch, tăng 0,87% so với kỳ báo cáo trước).

Đối với việc Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cho toàn tuyến, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong đó. đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án là 2009 - 2027. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, Chủ đầu tư đã hoàn thiện và có công văn kèm theo hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án gửi Bộ KH&ĐT thẩm định.

Trước đó, sau thời gian dài nỗ lực khắc phục khó khăn, từ ngày 5/12/2022, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được chạy thử tích hợp toàn tuyến trong môi trường hạn chế. Việc chạy thử nhằm đánh giá hoạt động của hệ thống và các đoàn tàu chạy đoạn 8,5 km trên cao từ Nhổn - Cầu Giấy trước khi đưa vào khai thác thương mại.

Tháng 12/2022, Văn phòng UBND TP.Hà Nội đã thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn tại cuộc làm việc với các nhà tài trợ về việc thực hiện dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Ở thời điểm này, tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 97,2%, đoạn ngầm đạt 33%. UBND thành phố đề nghị các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ Thành phố làm việc với các Bộ, ngành liên quan để giải quyết dứt điểm các vướng mắc.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm; trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 32.910 tỷ đồng, được UBND thành phố Hà Nội khởi công vào tháng 9/2010. Dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, còn 4 km đoạn ngầm dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Dự án đang triển khai thi công 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị và gói thầu tư vấn chung thực hiện dự án.

Hà Nội đôn đốc các dự án, công trình giao thông trọng điểm - Ảnh 2.

Tuyến đường sắt đô thị Metro Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử nghiệm tháng 12/2022 - Ảnh: VGP

Quyết tâm bảo đảm tiến độ như cam kết dự án Vành đai 4

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, bao gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Đoạn trên địa bàn TP.Hà Nội khoảng 58,2 km; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3 km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3 km. Dự án được chia thành 7 Dự án thành phần.

Trong các cuộc kiểm tra tiến độ Vành đai 4 tại các quận Hà Đông và các huyện có tuyến đường đi qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu các địa phương coi giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ "trọng tâm của trọng tâm" của quá trình triển khai dự án để thực hiện đúng tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án.

Lãnh đạo cả 7 quận, huyện có Vành đai 4 đi qua đều khẳng định và cam kết sẽ thực hiện bằng được tiến độ theo kế hoạch đã đề ra, bàn giao từ 70% mặt bằng trở lên trước ngày 30/6/2023 và bàn giao 100% mặt bằng trong năm 2023. Trong đó, có một số địa phương phấn đấu sẽ hoàn thành trước thời hạn từ 1 - 3 tháng.

Về tình hình thực hiện, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, đến tháng 2/2023, TP. Hà Nội Đã di chuyển trên 48 % các ngôi mộ trong diện giải phóng mặt bằng; phê duyệt và thu hồi 236,82/796,766 ha (29,3%); đã chi trả trên 1.900 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở đồng thuận, sự ủng hộ của nhân dân, TP. Hà Nội quyết tâm với ý chí cao nhất để triển khai thực hiện dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng, về đích đúng kế hoạch, qua đó khơi dậy sự phát triển chung của Vùng Thủ đô, trước hết là những địa bàn nơi dự án đi qua.

GPMB phần ga trên cao tuyến Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo đạt 92%

Đối với tình hình thực hiện dự án tuyên đường sắt đô thị TP.Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh, đến tháng 2/2023, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư phần ga trên cao đã GPMB được khoảng 92% diện tích, còn phần ga ngầm đã thực hiện GPMB khoảng 79% diện tích.

UBND TP. Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo ý kiến thẩm định của Bộ KH&ĐT tại Báo cáo số 2560/BC-KHĐT ngày 6/5/2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án tuyên đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008. Theo quyết định này, tổng chiều dài tuyến 11,5 km, trong đó 8,5 km đường đi ngầm, 3 km đi cao.

Điểm đầu Nam Thăng Long (CIPUTRA) theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.

Gia Huy

Top