Hà Nội: Ghi nhận 7 ca mắc sởi trong một tuần

30/09/2024 4:50 PM

(Chinhphu.vn) - Trong tuần qua Hà Nội đã có thêm 7 ca mắc sởi, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm 2024 đến nay là 13 ca. So với cùng kỳ năm ngoái không có trường hợp mắc.

Hà Nội: Ghi nhận 7 ca mắc sởi trong một tuần- Ảnh 1.

Tiêm vaccine là biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Sở Y tế Hà Nội, Thành phố vừa ghi nhận thêm 7 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó có 5 trường hợp chưa được tiêm chủng và 2 trường hợp chưa tiêm đầy đủ vaccine sởi.

Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 13 trường hợp mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh.

Trước tình hình số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thành phố yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Đồng thời, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.

Bên cạnh đó, CDC Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là ngành Giáo dục để tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine sởi của toàn bộ trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố (hoàn thành trong tháng 10-2024). Dựa vào kết quả rà soát này để chuẩn bị triển khai tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi-rubella (MR) cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa tiêm chủng đủ mũi theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND Thành phố.

Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh, 90%-100% người chưa tiêm vacicne, hoặc chưa từng mắc bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ bị mắc. Nếu một người nhiễm bệnh có thể lây cho 20 người khỏe mạnh. Người nhiễm virus sởi có thể lây nhiễm cho người khác thông qua giọt bắn, dịch tiết từ niêm mạc mũi họng khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Do vậy, bệnh sởi rất dễ lây lan ở những nơi đông người như khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, ký túc xá, bệnh viện…

Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch non yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra.

Tiêm chủng vẫn là biện pháp phòng chống sởi một cách hiệu quả. Theo các chuyên gia y tế, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh sởi trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%).

Thiện Tâm

Top