Hà Nội: Hầu hết ca mắc sởi nhập viện đều chưa tiêm vaccine
(Chinhphu.vn) - Hiện nay số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội đang tiếp tục gia tăng, số ca mắc chủ yếu chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Vì vậy việc đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng dịch bệnh hết sức quan trọng, nhất là đối với trẻ nhỏ-đối tượng dễ mắc sởi và nhạy cảm với dịch bệnh.

Hầu hết các ca mắc sởi điều trị tại bệnh viện Nhi Hà Nội chưa được tiêm hoặc tiêm vaccine sởi chưa đầy đủ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 206 trường hợp mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã. Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sởi trong tuần tiếp tục tăng so với tuần trước, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức, Khoa Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, tính từ đầu năm đến nay, Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân mắc sởi điều trị nội trú; khoảng hơn 400 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Số ca mắc sởi tăng hơn so với dịp trước Tết nguyên đán cũng như so với cùng kỳ năm trước.
Hầu hết số ca mắc sởi vào điều trị tại bệnh viện đều chưa tiêm vaccine. Trong đó có những ca bệnh từ 5-12 tuổi vẫn mắc sởi do chưa tiêm vaccine, hoặc do tiêm chưa đủ liều. Khoảng 50% bệnh nhân mắc sởi nhập viện trong độ tuổi tiêm chủng nhưng vẫn chưa được tiêm vaccine do nhiều nguyên nhân như khi trẻ ốm trong thời gian tiêm chủng, quên tiêm; có một số gia đình không muốn cho con em đi tiêm vaccine phòng dịch bệnh.
Mỗi một ngày, trung bình bệnh viện tiếp nhận, điều trị cho khoảng 45-50 bệnh nhân mắc sởi. Đáng chú ý, có nhiều bệnh nhân đã bị biến chứng của sởi như suy hô hấp, viêm phổi… Những bệnh nhân bị biến chứng này chiếm khoảng 30% trên tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị.
Là bệnh viện chuyên về Nhi khoa, trước tình hình dịch sởi đang tăng cao, bệnh viện đã chủ động lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh; đồng thời sẵn sàng phương án dự phòng nếu trường hợp ca mắc sởi sẽ tăng cao để kịp thời đáp ứng diễn biến tình hình dịch bệnh.
Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện luôn tăng cường túc trực để bảo đảm việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân; hạn chế cho người nhà vào thăm để tánh lây nhiễm, khi chăm sóc bệnh nhân cần luôn đeo khẩu trang, các buồng phòng được bố trí sát trùng tay nhanh…
Bệnh viện cũng chú trọng công tác phân luồng, chẩn đoán sớm ca bệnh từ khâu nhập viện đến phòng cách ly và khu vực điều trị được bệnh viện tiến hành đồng bộ và bài bản. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã phân luồng bệnh nhân theo tuyến nhất định, đi thang máy riêng để nhóm bệnh nhân sởi tránh tiếp xúc với các bệnh nhân khác.

Tiêm vaccine là biện pháp dự phòng dịch bệnh sởi tốt nhất cho trẻ nhỏ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Theo bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức, tiêm vaccine là biện pháp phòng dịch bệnh một cách hiệu quả, ngăn ngừa sự lây lan và bảo đảm sức khoẻ cho người dân với màng lưới bảo vệ ngay từ ban đầu. Đây được xem là biện pháp dự phòng tốt nhất.
Dịch sởi là loại dịch bệnh có khả năng lây lan cao, chỉ có thể chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh khi tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đạt 95% trở lên. Chính vì vậy, việc phụ huynh không cho con em tiêm vaccine sẽ góp phần làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và cao hơn.
Sau khi tiêm vaccine được khoảng hai tuần, trẻ sẽ sinh khả năng miễn dịch chống lại bệnh sởi tốt nhất; sau một tháng thì hiệu quả tiêm chủng sẽ đạt tỷ lệ cao nhất.
Mặc dù tiêm vaccine là biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả tốt nhất, nhưng cha mẹ nên cho con em đeo khẩu trang khi đến các nơi công cộng; nên sát trùng tay nhanh hoặc rửa tay với xà phòng thường xuyên… để tránh mắc hoặc lây nhiễm sởi trong cộng đồng.
Để phòng chống dịch bệnh, CDC Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý dịch. Giám sát công tác triển khai tiêm chủng thường xuyên, chiến dịch tiêm chủng vacicne phòng bệnh sởi tại 13 quận, huyện.
Đồng thời CDC Hà Nội sẽ tiếp tục giám sát phòng chống dịch bệnh sởi tại Đại Mỗ- Nam Từ Liêm và Giang Biên-Long Biên.
Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và tổ chức tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng chiến dịch, tập trung đối tượng trẻ 6 đến dưới 9 tháng và trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi.
Tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế và Giáo dục trong công tác giám sát, phòng chống, xử lý các ca bệnh, ổ dịch bệnh sởi trong trường học. Phối hợp triển khai công tác tiêm chủng vacicne trong trường học cũng như việc rà soát, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine theo quy định. Khi có trường hợp mắc bệnh sởi tại các trường học thì tổ chức rà soát việc tiêm chủng của trẻ để tiêm chủng cho trẻ còn chưa được tiêm để phòng bệnh kịp thời.
Thực hiện giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp và tại cộng đồng để kịp thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng. Tổ chức hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Cùng với đó, các quận, huyện tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh sởi. Tuyên truyền người dân chủ động đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch và hưởng ứng các chiến dịch tiêm chủng bổ sung do ngành Y tế triển khai.
Thiện Tâm