Hà Nội kiên quyết khắc phục ‘tham nhũng vặt’
(Chinhphu.vn) - Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu kiên quyết khắc phục “tham nhũng vặt” và tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thanh tra, kiểm tra nhiều lĩnh vực để phòng, chống tham nhũng
Theo UBND TP. Hà Nội, năm 2024, Thành phố tiếp tục xác định công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị. Từ đó, thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.
Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, UBND Thành phố đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý vi phạm trong công tác PCTN. Tập trung thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy định về PCTN để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCTN và các lĩnh vực: Đầu tư mua sắm công, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng...
Công an Thành phố: Tổng số thụ lý 173 vụ 497 bị can. Kết quả giải quyết 102 vụ 370 bị can. Kết quả thu hồi tài sản qua hoạt động điều tra tính theo các vụ có Kết luận điều tra trong kỳ báo cáo): tài sản thiệt hại, chiếm đoạt là trên 95 tỷ đồng và 2.327m2 đất; tài sản đã được thu hồi, bồi thường là trên 70 tỷ đồng.
Kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu, Trong kỳ báo cáo đã có 03 trường hợp người đứng đầu bị xử lý.
Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, qua công tác tự kiểm tra nội bộ của các đơn vị chưa phát hiện và 14 xử lý vụ việc nào tại đơn vị có liên quan đến tham nhũng.
Tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan còn hạn chế
Nhận định của UBND Thành phố cho thấy, công tác PCTN vẫn còn hạn chế so với yêu cầu; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp như: Việc xây dựng chương trình, kế hoạch tại một số cơ quan, đơn vị chưa xác định rõ chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí, chưa chủ động trong việc xây dựng các giải pháp triển khai trong lĩnh vực, phạm vi được giao quản lý.
Một số cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ thời gian và nội dung theo quy định tại Điều 26 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và Kế hoạch của UBND Thành phố.
Việc triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố mới chỉ dừng ở mức tuyên truyền, vận động ký cam kết, kiểm tra, nhắc nhở… nên có nơi, có lúc hiệu quả còn chưa cao.
Công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được coi là một trong những giải pháp nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn tồn tại một số vướng mắc trong quy định của pháp luật, chưa có sự đồng bộ trong cách thức thực hiện xác minh dẫn đến không thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế; việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn gặp một số vướng mắc, nhất là việc xác định tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng trong vụ án thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng...
Hoàn thiện đồng bộ thể chế, khắc phục bất cấp để tránh tham nhũng
Đơi với nhiệm vụ PCTN năm 2025, UBND TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đặt mục tiêu xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, kịp thời khắc phục những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, nhất là về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời khắc phục những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Theo đó, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai minh bạch: Thực hiện công tác kê khai, kiểm soát tài sản thu nhập theo quy định Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, các quy định về công khai, minh bạch; kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt trong quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tài chính ngân sách, tổ chức cán bộ...
Đặc biệt, kiên quyết khắc phục "tham nhũng vặt" và tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm 2025, Hà Nội triển khai đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của Thành phố theo Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh. Đẩy mạnh quyết liệt, hiệu quả các nội dung đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của Thành phố theo Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị Tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị; rà soát, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra việc chậm muộn, nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chấp hành, thực hiện các quy định về PCTN tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, 7 phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tham nhũng, vi phạm tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị theo quy định.
Gia Huy