Hà Nội kịp thời chấn chỉnh sai phạm, bảo đảm quyền lợi cho học sinh

05/10/2023 5:27 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 5/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023-2024. Nội dung trọng tâm là quán triệt các nhiệm vụ năm học, chấn chỉnh các hiện tượng sai phạm vừa qua liên quan đến vấn đề thu chi, dạy liên kết, văn hóa ứng xử… tại một số trường học.

Hà Nội kịp thời chấn chỉnh sai phạm, bảo đảm quyền lợi cho học sinh - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến ngày 5/10. Ảnh: VGP

Kiểm tra thu chi và dạy thêm

Tại Hội nghị, ông Trần Thế Cương một lần nữa quán triệt các quy định liên quan đến công tác thu chi, dạy thêm học thêm, dạy bổ trợ… và cho biết sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ năm học, nhất là với các nội dung được dư luận quan tâm, phản ánh.

Để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm liên quan đến công tác thu chi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các đoàn kiểm tra tình hình tổ chức các khoản thu tại các trường trực thuộc. Sở yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo tham mưu UBND quận, huyện, thị xã thành lập các đoàn kiểm tra nội dung này tại các trường học theo phân cấp quản lý.

Để ngăn hiện tượng ép học sinh học thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường lưu ý thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó lưu ý không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Các nhà trường cũng cần quán triệt giáo viên tuân thủ quy định không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Theo ông Trần Thế Cương, thành phố Hà Nội có số lượng trường học, số học sinh rất lớn, vì vậy có nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, vận hành, ở một số nơi có những tình huống bất thình lình xảy ra. Tuy nhiên, đó chỉ là những sự việc hi hữu, cá biệt. Qua hội nghị, toàn ngành thống nhất chủ trương phải tạo môi trường tốt nhất để học sinh được học tập, rèn luyện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm về thu chi, về đạo đức nhà giáo… Thời gian qua, các nhà trường đã có nhiều cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục học sinh. Toàn ngành cũng đang tích cực hưởng ứng phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm" bằng những nội dung cụ thể, thiết thực nhằm quan tâm nhiều hơn đến học sinh khó khăn, hỗ trợ nhiều hơn cho các trường học vùng khó… Đây là cơ sở để toàn ngành tự tin, quyết tâm khắc phục những vướng mắc, tồn tại để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Các trường không chèn dạy liên kết vào giờ học chính khóa

Tại Hội nghị hôm nay, ông Đào Tân Lý, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) yêu cầu các trường tuyệt đối không được chèn dạy liên kết vào chương trình chính khóa nếu lớp học không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng ký tham gia.

Theo ông Đào Tân Lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chương trình chính khóa lớp 1, lớp 2 là 25 tiết/tuần, lớp 3 là 28 tiết/tuần, lớp 4, lớp 5 là 30 tiết/tuần. Định mức giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Mỗi tiết học của học sinh tiểu học không quá 35 phút. Các tiết học chính khóa bắt buộc nhà trường phải thực hiện, không được cắt xén, giảm bớt. Nhà trường phải phân công giáo viên thực hiện đủ định mức tiết dạy. Khi đã thực hiện đầy đủ theo chương trình, đủ định mức của giáo viên, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã quán triệt tới từng nhà trường về việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cần đảm bảo tinh thần tự nguyện. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu tham gia hoạt động ngoài giờ chính khóa, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Các trường có thể đưa ra nhiều nội dung, nhiều chương trình nhưng không để học sinh chọn tất cả nội dung đó. Nhà trường nên khuyến cáo học sinh chọn từ 1 - 2 nội dung để bảo đảm vừa sức, không gây áp lực cho các em và gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.

Thời gian vừa qua, tại nhiều trường học trên cả nước xuất hiện tình trạng xếp giờ dạy liên kết xen vào giờ chính khóa, gây khó khăn cho phụ huynh học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát, chấn chỉnh, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.

Chấn chỉnh về văn hóa ứng xử thầy trò tại một số trường học

Hà Nội kịp thời chấn chỉnh sai phạm, bảo đảm quyền lợi cho học sinh - Ảnh 2.

Clip thầy giáo chỉ tay vào mặt học sinh xưng mày - tao tại Trường THPT Phan Huy Chú - Thạch Thất.Ảnh: VGP/Minh Anh

Năm học 2023-2024, quy mô giáo dục thành phố Hà Nội có hơn 2.800 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh, hơn 124.000 giáo viên. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nhận định, từ đầu năm học tới nay, bên cạnh những việc đã làm được, tại một số trường còn xảy ra vi phạm trong quản lý, tổ chức dạy học gây bức xúc trong dư luận.

Đó là việc giáo viên có lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực tại Trường Trung học phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn) và tại Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Thạch Thất (huyện Thạch Thất); việc cô giáo bạo hành trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non tại huyện Gia Lâm… Các sự việc đều đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Liên quan đến sự việc Ban Giám hiệu Trường Trung học Phổ thông Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn) gửi thông báo đề nghị phụ huynh lên làm việc về tin nhắn "ảnh hưởng đến uy tín của trường", nếu không sẽ từ chối công tác giáo dục với học sinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu nhà trường phải đặt lợi ích, quyền lợi học tập của học sinh lên hàng đầu. Nhà trường phải bảo đảm quyền lợi học sinh được đến trường, đến lớp học, không vì bất cứ lý do nào mà từ chối giáo dục học sinh.

Ông Trần Thế Cương cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã giao Phòng Giáo dục trung học và Phòng Thanh tra xem xét xử lý sự việc theo đúng tinh thần chỉ đạo, bảo đảm các điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.

Về quan điểm, giải pháp trong việc ngăn ngừa các hành vi sai phạm của nhà giáo thời gian qua, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương nói, các nhà trường phải tăng cường duy trì đường dây nóng, hòm thư góp ý để kịp thời tiếp nhận, xử lý những sự việc có thể gây bức xúc, đồng thời cũng cần đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm an toàn, xây dựng văn hóa trường học, tránh chỉ tập trung, quan tâm quá mức vào những thông tin phản cảm…

Minh Anh

Top