Hà Nội: Nhiều chuyển biến trong sáng tạo văn học, nghệ thuật

29/08/2023 2:35 PM

(Chinhphu.vn) - Sau 15 năm, nền văn học, nghệ thuật Thủ đô vươn lên, thực sự có những bước chuyển mình quan trọng; công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã đạt được những kết quả, thành tựu đáng khích lệ, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội: Nhiều chuyển biến trong sáng tạo văn học nghệ thuật - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh về xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa - Ảnh: VGP/Gia Huy

Văn học, nghệ thuật Thủ đô có bước chuyển mình quan trọng

Sáng 29/8, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Đánh giá của Thành ủy Hà Nội cho thấy, sau 15 năm, nền văn học nghệ thuật Thủ đô vươn lên, thực sự có những bước chuyển mình quan trọng.

Khuynh hướng chính trong sáng tạo văn học, nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô vẫn xuyên suốt theo dòng mạch nguồn là "Chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc" với sự đan xen, hòa quện giữa kế thừa truyền thống và sự thích ứng linh hoạt với yếu tố đương đại. Đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô đã khắc phục khó khăn, tâm huyết với nghề, sáng tạo được các tác phẩm có giá trị cả về tư tưởng và nghệ thuật.

Điểm nổi bật tạo nên sự đột phá, bước tiến mới quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật của Thủ đô trong thời gian qua và những năm tiếp theo, đó chính là cùng với việc xác định một Chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, Thành ủy Hà Nội với tầm nhìn rộng mở và quyết tâm chính trị cao đã lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định ban hành một Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với việc định vị thương hiệu mới cho Thành phố khi Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO trên lĩnh vực "thiết kế sáng tạo" với nền tảng là văn hóa, trong đó các lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Các hoạt động văn học nghệ thuật có sự đổi mới trong tổ chức và dàn dựng, chất lượng nghệ thuật được nâng lên đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của người dân Thủ đô. Các phong trào nghệ thuật quần chúng có bước phát triển sâu rộng, chất lượng nghệ thuật nâng lên, thu hút đông đảo các văn nghệ sỹ, tầng lớp nhân dân tham gia sáng tác, góp phần định hướng tư tưởng, đạo đức, lối sống, phục vụ các mục tiêu chính trị - xã hội của Thủ đô.

Thông qua các hoạt động văn học, nghệ thuật, các nghệ sĩ đã thể hiện được tài năng và nâng cao nhận thức chính trị, năng lực sáng tạo, trách nhiệm công dân của họ đối với những vấn đề của đời sống xã hội. Nhiều văn nghệ sỹ được vinh danh với những giải thưởng cao quý của Trung ương và Thành phố.

Hà Nội: Nhiều chuyển biến trong sáng tạo văn học nghệ thuật - Ảnh 2.

Các hoạt động văn học nghệ thuật có sự đổi mới trong tổ chức và dàn dựng... - Ảnh: VGP/Gia Huy

Nhiều sáng tạo, "thích ứng linh hoạt" của nhiều người làm nghệ thuật

Thành ủy Hà Nội khẳng định, công tác nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phố biến Nghị quyết số 23-NQ/TW đóng vai trò tích cực, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, năng lực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn thành phố có bước chuyển mạnh lên một tầm cao mới, với sự đổi mới cả về tư duy, nhận thức và hành động theo hướng tích cực và thiết thực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hiến Thăng Long - Hà Nội, hướng tới các giá trị nhân văn cao cả, đích thực trong sáng tạo, xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, hữu nghị và sáng tạo phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

Đặc biệt là những chuyển biến mới trong sáng tạo văn học nghệ thuật. Với ưu thế của các nền tảng số, không gian mạng, âm thanh trực tuyến tạo ra nhiều hình thức phát hành, xuất bản mới như sách điện tử, phim chiếu trên mạng, nhạc số,... đã tạo cơ hội cho không ít nghệ sĩ thử nghiệm sáng tác bằng tiếng nước ngoài, hoặc chọn thị trường quốc tế để công bố tác phẩm.

Cùng với đó là sự xuất hiện một số trào lưu, xu hướng nghệ thuật và sự nở rộ của hình thức "tự xuất bản" trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử.

Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện với diễn biến phức tạp, không ít cá nhân, hoặc tập thể người làm nghệ thuật tập trung vào các phương thức phát hành, xuất bản phi truyền thống điều đó cho thấy sự sáng tạo, "thích ứng linh hoạt" của nhiều người làm nghệ thuật. Thay vì các nghệ sĩ biểu diễn ở nhà hát theo cách truyền thống thì biểu diễn trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số với "Nhà hát online", "Phòng trưng bày online", các vở diễn, chương trình có thể đến được với khán giả trong và ngoài nước, bất chấp dịch bệnh bằng hình thức ghi hình trực tuyến phát sóng trên truyền hình cũng thu hút một lượng khán giả hưởng ứng.

Tại hội nghị, các đơn vị đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về: Giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội; phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; bảo tồn tranh dân gian Hàng Trống: Sợi dây kết nối nghệ thuật truyền thống và đương đại; kinh nghiệm phát triển các câu lạc bộ văn học nghệ thuật quần chúng…

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, qua 15 năm triển khai, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả, thành tựu đáng khích lệ, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô.

Trong đó, công tác quy hoạch, xây dựng mạng lưới và phát huy hiệu quả hệ thống các thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở dần được hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, phù hợp với tổng thể quy hoạch đô thị Hà Nội. Hoạt động văn học nghệ thuật của Thủ đô cả chuyên nghiệp và không chuyên đã có bước phát triển tích cực và sôi động, nở rộ cả về loại hình, nội dung và hình thức thể hiện, góp phần phát hiện, biểu dương cái đẹp, cái tốt, cái tiến bộ cùng những nhân tố mới, điển hình tiến tiến trong lao động, học tập, rèn luyện và đấu tranh phê phán những thói hư tật xấu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội. Đội ngũ văn nghệ sĩ của Thủ đô đã khắc phục khó khăn, tâm huyết với nghề, sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị, các cấp, ngành, địa phương, hội nghề nghiệp và văn nghệ sĩ Thủ đô phải nêu cao trách nhiệm, lòng tự hào và khát vọng xây dựng Thủ đô, sáng tạo và phát triển tác phẩm văn học, nghệ thuật làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; đồng thời góp phần xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa.

Trong đó, các cấp, ngành, cơ quan văn hóa tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách nguồn lực, đầu tư tài chính, để hỗ trợ phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Hà Nội, trong đó có lĩnh vực mới nữa là công nghiệp văn hóa; thu hút nguồn lực để thực hiện chương trình, sự kiện văn hóa, văn học, nghệ thuật thường niên mang tính chất quốc gia, tiến tới khu vực và quốc tế tại Hà Nội.

Gia Huy

Top