Hà Nội: Phát triển đô thị thông minh trong điều kiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0

24/10/2024 3:42 PM

(Chinhphu.vn) - Việc xây dựng, phát triển mô hình đô thị thông minh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố Hà Nội, đồng thời giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn.

Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại 

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Hà Nội: Phát triển đô thị thông minh trong điều kiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0- Ảnh 1.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Trong khi đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định hướng tới xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Để phát triển Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 xác định: Xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đảy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Ngày 30/12/2022, Thành uỷ Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nêu rõ quan điểm thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục giao các Sở, ngành, cơ quan liên quan và UBND quận, huyện, thị xã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị thông minh. Tuy nhiên, để xây dựng thành phố Hà Nội thông minh theo các chiến lược đã định thì Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm.

TS.KTS. Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, trước mắt, Hà Nội cần nhận thức thấu đáo về đô thị thông minh, tránh tâm lý phong trào, chủ nghĩa hình thức. Đô thị thông minh phải được hình thành trên các tiêu chí cơ bản, bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; Nền kinh tế thông minh; Giao thông thông minh; Năng lượng thông minh; Cư dân thông minh; Cộng đồng thông minh; Quản trị đô thị thông minh; Xã hội thông minh.

Trong đó, quy hoạch đô thị thông minh được coi là trụ cột trong phát triển đô thị thông minh. Tuy nhiên, tùy vào thực tế, nhu cầu, khả năng, nguồn lực của đô thị trong từng giai đoạn mà lựa chọn cấp đô thị thông minh theo lĩnh vực hoặc tổng thể mang tính bao trùm.

Xây dựng tổng thể đô thị thông minh bền vững, tích hợp công nghệ

Để thực hiện được chiến lược xây dựng đô thị thông minh, TS.KTS. Trương Văn Quảng cho rằng, trong quá trình lập quy hoạch, thông qua cách tiếp cận quy hoạch tích hợp (mang tính đa ngành), Hà Nội cần phát triển các đơn vị đô thị thông minh - Mô hình đơn vị ở đổi mới, nâng cao theo hướng thông minh (gồm khu vực xây dựng mới, khu vực hiện hữu, khu vực cải tạo chỉnh trang hoặc các khu vực tái thiết phát triển) là hạt nhân (modul), kết nối và thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, tạo thành hệ thống mạng lưới kết nối phát triển không gian tổng thể đô thị thông minh. Theo đó, cần đổi mới mô hình cấu trúc đô thị, xây dựng mô hình đơn vị đô thị thông minh làm hạt nhân cho xây dựng tổng thể đô thị thông minh bền vững, tích hợp công nghệ.

Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển mô hình đô thị nén, TOD gắn với cung cấp hệ thống giao thông công cộng đô thị hiện đại, tiện ích, tích hợp công nghệ thông minh, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo (xe điện, tàu điện…), phù hợp với Luật Thủ đô 2024 và Định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065…

Để tận dụng các cơ hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cần tích hợp các nội dung về chuyển đổi số, thông minh vào tất cả các lĩnh vực quy hoạch trong phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch xây dựng. Xây dựng Thủ đô Hà Nội thông minh bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, bám sát định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp quy thuộc phạm vi, thẩm quyền gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với quy hoạch Thủ đô; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình phát triển kinh tế trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng…

Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý về chuyển đổi số, về an ninh, an toàn thông tin mạng trong các sở, ban, ngành của thành phố; đào tạo, tập huấn kiến thức về kinh tế số, kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho người dân và doanh nghiệp, ưu tiên triển khai đào tạo, tập huấn qua các nền tảng dạy và học trực tuyến.

Đô thị thông minh là một đô thị sáng tạo, có sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động và dịch vụ đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

TS.KTS. Trương Văn Quảng cho hay, để phát triển đô thị thông minh theo hướng bền vững, ngoài việc đầu tư nhiều về nguồn vốn, nguồn lực con người và công nghệ thì việc xác định chiến lược lâu dài, bền vững đóng vai trò quan trọng, nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển hiện tại, đồng thời không ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Những định hướng đó cần đảm bảo mục đích ban đầu đúng đắn, đề cao và phát huy được bản sắc từng địa phương, qua đó khẳng định đặc trưng tiêu biểu, tính duy nhất của địa phương mình và cuối cùng là góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành đô thị thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới, Hà Nội cần duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, đến năm 2045 Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Thùy Chi

Top