Hà Nội: Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
(Chinhphu.vn) - Ngày 06/5, UBND Thành phố ban hành Công văn số 1779/UBND-KT về việc thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Thành phố.

Du khách quốc tế tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: VGP
Theo đó, mục tiêu của quy hoạch nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch, đưa du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể.
Sở Du lịch chủ trì triển khai có hiệu quả, đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại các Kế hoạch về việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; về thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2023-2025...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong ngành du lịch; tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm về số hóa dữ liệu khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; xây dựng hệ thống bản đồ số du lịch; duy trì vận hành hệ thống quản lý dữ liệu ngành du lịch.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện, lễ hội, chuỗi hoạt động du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đặc sắc. Triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm lớn, chuyên nghiệp tại các hội chợ du lịch quốc tế. Xây dựng các chiến dịch quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội trên các kênh truyền hình, truyền thông trong nước và quốc tế.
Sở Tài chính sẽ phối hợp xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ đẩy nhanh việc lập quy hoạch cho các khu vực tiềm năng phát triển du lịch quốc gia, bao gồm Khu du lịch Ba Vì và khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất UBND Thành phố đẩy nhanh triển khai lập các quy hoạch, tập trung ưu tiên triển khai thực hiện đối với 03 khu vực được đưa vào Danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia đến năm 2030, gồm: Khu du lịch Ba Vì, khu du lịch khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu phố cổ Hà Nội.
Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Ba Đình, UBND quận Hai Bà Trưng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố và các đơn vị liên quan phối hợp triển khai cải tạo các công viên và phát triển hạ tầng bến cảng du lịch.
Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát, cập nhật các dự án đầu tư du lịch vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu, phân định ranh giới các loại rừng, tạo điều kiện xây dựng và phát triển các sản phẩm, mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy giá trị rừng theo quy hoạch.
UBND các quận, huyện, thị xã được yêu cầu ưu tiên ngân sách cho các dự án đầu tư hạ tầng tại các điểm đến du lịch trọng điểm, đồng thời hoàn thành các đề án quy hoạch văn hóa, du lịch quan trọng.
Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu HĐND, UBND Thành phố phấn đấu triển khai thí điểm một số mô hình Khu phát triển thương mại và văn hóa, Trung tâm công nghiệp văn hóa tại các khu vực có tiềm năng, đủ điều kiện trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn 2025 – 2026.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai xây dựng và hình thành Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề; triển khai xây dựng 01 khu Outlet tại khu vực phía Bắc Thành phố trong năm 2025.
UBND các quận, huyện, thị xã được ưu tiên bố trí ngân sách cấp quận, huyện, thị xã để triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các điểm đến du lịch trọng điểm của địa phương, cũng như các chương trình tu bổ, sửa chữa, nâng cấp di sản, di tích lịch sử - văn hóa gắn với du lịch.
Tổng Công ty Du lịch quản lý có yếu tố lịch sử, văn hóa, cần có biện pháp quản lý, bảo tồn nghiêm ngặt các giá trị nhằm phục vụ hoạt động phát triển du lịch của Thành phố.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cải tạo, xây dựng mới do Tổng Công ty Du lịch là chủ sở hữu hoặc bên tham gia góp vốn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Minh Thư