Hà Nội quyết tâm bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng dự án Vành đai 4

31/01/2023 9:47 AM

(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã đề nghị các quận, huyện tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; quyết tâm bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án để khởi công tháng 6/2023.

Hà Nội quyết tâm bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng dự án Vành đai 4  - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ thăm hỏi, động viên người dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án Vành đai 4 thuộc địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quyết tâm bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng cho Vành đai 4

Trò chuyện với Thủ tướng trong chuyến kiểm tra thực địa dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô tại khu vực nút giao với đại lộ Thăng Long thuộc địa phận huyện Hoài Đức, Hà Nội vào ngày 27/1 (mùng 6 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023), bà con trong phạm vi ảnh hưởng của dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô cho biết, đây là dự án thứ 4 có thu hồi đất trên địa bàn, nhưng người dân rất phấn khởi và sẵn sàng nhường đất cho dự án, kể cả đang sản xuất, kinh doanh cho thu nhập tốt; nhiều người dân đã nhanh chóng di dời mồ mả tổ tiên, người thân.

Sau khi khảo sát tại vị trí giao Đại lộ Thăng Long - đường Vành đai 4 (Km 20+500 Đại lộ Thăng Long) thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức và thăm hỏi, động viên người dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh việc triển khai chủ động, sáng tạo, sự phối hợp chặt chẽ của 3 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) trong triển khai các công việc, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng vì giải phóng mặt bằng là khâu quyết định tiến độ các dự án giao thông, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp giữa các địa phương.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công dự án đồng loạt ở cả 3 tỉnh, thành phố vào tháng 6/2023.

Sau cuộc kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có cuộc làm việc với huyện uỷ Thường Tín (ngày 30/1) nhằm đôn đốc tiến độ dự án Vành Đai 4 - Vùng Thủ đô.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện, xã, nhất là người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4; quyết tâm bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án như kế hoạch đề ra.

Cùng ngày, chủ trì hội nghị của Thường trực Thành uỷ nghe báo cáo, đánh giá tình hình tổ chức, phục vụ nhân dân đón Tết Quý Mão 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết, với nhiệm vụ năm 2023, Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu phải quyết liệt ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm, thực chất hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu vào việc ngay từ đầu năm một cách thực chất. Để công việc vào trọng điểm ngay, đặc biệt như triển khai dự án Vành đai 4 thì các đơn vị, địa phương cần tiếp tục đôn đốc, kiểm tra giám sát ngay từ đầu năm.

Hà Nội quyết tâm bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng dự án Vành đai 4  - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa khu nghĩa trang mới đi dời phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 tại địa bàn huyện Thường Tín - Ảnh: Hanoimoi

Vận dụng linh hoạt, hiệu quả các cơ chế đặc thù để triển khai Vành đai 4

Đối với Hà Nội, Thành phố đã giao cho UBND 7 quận, huyện có dự án đi qua (Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín) thực hiện toàn bộ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tổ chức đầu tư xây dựng các Khu tái định cư. UBND Thành phố đã ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện Dự án.

Thành phố Hà Nội đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ và cắm mốc giải phóng mặt bằng toàn bộ đoạn tuyến dài 58,2km trên địa bàn. Riêng chỉ giới nút giao QL6 - Vành đai 4 đã duyệt và cắm mốc, tuy nhiên đang nghiên cứu bổ sung thêm nhánh nút giao Vành đai 4 (hướng từ cao tốc Nội Bài- Lào Cai) về trung tâm Thành phố qua QL6 (bổ sung thiết kế nút hoa thị hoàn chỉnh) và đã lấy xong ý kiến cộng đồng, dự kiến Sở Quy hoạch và Kiến trúc thẩm định, trình phê duyệt trước 05/02/2023.

Hà Nội cũng đã hoàn thành và bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho các địa phương toàn bộ 58,2km/58,2km trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tổng diện tích thu hồi trong phạm vi chỉ giới đường đỏ 797,29ha/58,2Km. Số hộ tái định cư 1.006 hộ. Số mộ chí cần di dời khoảng 11.682 ngôi, dự kiến bố trí 13 khu tái định cư/392.789m2; Di chuyển 43 cột điện cao thế (110kV, 220kV, 500kV).

Hiện nay, cả 7 quận/huyện đã lập xong phương án GPMB tổng thể, xác định được vị trí các khu tái định cư và đã thành lập Hội đồng GPMB, tái định cư và Tổ công tác, đang kiểm đếm và dự thảo phương án.

Là một trong 7 quận, huyện có dự án đi qua, huyện Hoài Đức đến nay đã nhận bàn giao 771 mốc giới để triển khai dự án đường Vành đai 4-vùng Thủ đô trên địa bàn. Sau khi nhận bàn giao mốc giới, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án, các ngành đoàn thể, UBND các xã triển khai ngay các nội dung liên quan đến công tác GPMB như: Rà soát quy chủ, lập bản đồ, hỗ sơ kỹ thuật thửa đất, ban hành thông báo thu hồi đất.

Huyện đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả các cơ chế đặc thù để triển khai các bước trong công tác giải phóng mặt bằng. Kết quả, số hộ phải thu hồi đất là trên 6.000 hộ; có khoảng trên 3.370 ngôi mộ phải di chuyển. Huyện đã tổ chức họp thông báo chủ trương và chính sách bồi thường, hỗ trợ đến toàn bộ các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án tại 12 xã; đồng thời ban hành thông báo thu hồi đất của trên 3.850 hộ với diện tích trên 208 ha; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ về đất, di chuyển mộ chí và đã tổ chức chi trả cho 1.941 hộ với diện tích 50,03 ha, với số tiền 554 tỷ đồng.

Để triển khai dự án Vành đai 4, huyện Thường Tín đã tập trung cao, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành đoàn thể cùng cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở khẩn trương tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cấp bách để thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án. Huyện cũng tăng cường tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao của nhân dân, đặc biệt là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng bị ảnh hưởng do thu hồi đất.

UBND huyện xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời tập trung tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giải pháp về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di chuyển mồ mả, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Đến ngày 18/1/2023, huyện Thường Tín đã ban hành Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng được: 38,32 ha đất nông nghiệp/tổng 134,53 ha (đạt 28,4%), với 645 hộ. Tổng số tiền đã chi trả trên 346 tỷ đồng (tại 6 xã: Hiền Giang, Khánh Hà, Nhị Khê, Văn Bình, Duyên Thái, Ninh Sở).

Huyện Thường Tín đã được UBND Thành phố có Quyết định phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất; văn bản chấp thuận địa điểm, quy mô diện tích quy hoạch 4 Khu tái định cư, tổng diện tích 12,95 ha. UBND huyện đã phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng; Hiện nay đang khẩn trương thực hiện các thủ tục về đầu tư Dự án.

Đến ngày 18/01/2023, huyện Thường Tín đã ban hành các Quyết định và thực hiện xong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng 3,3 ha đất để thực hiện Dự án cải tạo Nghĩa trang tại xã Văn Bình. Huyện đã san lấp mặt bằng, lắp đặt được 1.993 khoanh giếng mộ, đã tổ chức bốc thăm, giao các vị trí quy tập mộ thực địa (có khoang giếng mộ, đất để lấp mộ) cho các dòng họ, hộ gia đình, cá nhân có mộ để di chuyển. Tổng số mộ các xã đã di chuyển được: 1.503 ngôi mộ/tổng 1.791 mộ (đạt 83,9%).

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đã khẳng định với Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng về quyết tâm bàn giao xong ít nhất 70% mặt bằng trong tháng 6/2023 và hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023.

Tổng chiều dài dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô khoảng 112,8 km, bao gồm: 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long, điểm đầu tại khoảng Km3+695 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối tại khoảng Km40+500 đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Đoạn trên địa bàn TP. Hà Nội khoảng 58,2km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km. Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng.

Gia Huy

Top