Hà Nội quyết tâm cải thiện môi trường trong vài năm tới

20/12/2024 6:42 PM

(Chinhphu.vn) - Để có một thành phố sạch, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị phải thay đổi cách làm; phong trào thi đua Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp phải từ từng khối phố, từng quận, huyện và quyết tâm để trong vòng 1, 2 năm tới có thay đổi căn bản.

Hà Nội quyết tâm cải thiện môi trường trong vài năm tới- Ảnh 1.

UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu phong trào Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp phải thực hiện hàng ngày . Ảnh: VGP/Gia Huy

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh điều này trong giao ban Thường trực Thành ủy Hà Nội với các quận, huyện, thị xã quý IV/2024.

Tại hội nghị, liên quan đến giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho rằng, giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí là tăng cường trồng cây xanh - đây là một trong những giải pháp cần tập trung thực hiện.

Trong thời gian qua Hà Nội đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ thông qua việc ban hành các kế hoạch, dự án và thực hiện duy tu duy trì. Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện thời gian tới triển khai Tết trồng cây; tiếp tục rà soát để có khối lượng các ô trống trên tuyến đường, phố, các diện tích có thể trồng cây.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng cần áp dụng chế tài mạnh với vi phạm về môi trường. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, từ năm 2019 trên địa bàn đã xóa bếp than tổ ong nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, vì vậy chỉ số quan trắc luôn trong ngưỡng cho phép.

Quận luôn bảo đảm thu gom rác thải trong ngày với khối lượng hơn 100 nghìn tấn; giảm 13 điểm tập kết rác gây mất mĩ quan đô thị; thực hiện phân loại rác thải cồng kềnh, tái chế rác thải có hiệu quả.

Khó khăn của quận Ba Đình trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn là thay đổi thói quen của người dân về phương án thu gom rác. Cùng với tuyên truyền, quận đã lắp đặt 1.500 camera theo dõi giám sát, sắp tới sẽ lắp thêm 2.850 camera để theo dõi để theo dõi, xử lý.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư cho biết, thời gian qua quận đã tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng văn minh, hiện đại, áp dụng tối đa cơ giới hóa.

Hiện quận Hoàn Kiếm đã xóa 45 điểm chân rác vào ban ngày và người dân đã dần có ý thức trong việc bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn, nâng cao tỷ lệ tái chế rác thải sinh hoạt được triển khai hiệu quả, đạt 100% tại 18 phường. Bên cạnh đó, hồ Hoàn Kiếm đã được cải tạo thường xuyên để đảm bảo vệ sinh và tạo môi trường trong lành cho người dân và du khách.

Quận Hoàn Kiếm đề xuất Thành phố hỗ trợ quận triển khai các dự án giao thông xanh như phát triển xe buýt điện hoặc xe đạp công cộng. Đầu tư thêm các trạm quan trắc không khi tại các khu vực trọng điểm để tăng cường khả năng giám sát và cảnh báo sớm. Đặc biệt, đề xuất có biện pháp xử lý mạnh hơn các hành vi vi phạm môi trường để tăng tính răn đe.

Tại huyện Phú Xuyên, địa phương cho biết có nhiều làng nghề và các dòng sông Nhuệ với chiều dài 15km chạy qua địa bàn. Về quản lý bụi, không khí, UBND huyện chỉ đạo lực lượng công an tăng cường thường xuyên kiểm tra các xe chở vật liệu xây dựng trên địa bàn; phun nước tưới rửa đường tỉnh lộ, quốc lộ, làng nghề; quản lý chặt việc đốt rơm rạ, vệ sinh môi trường, gắn trách nhiệm của Bí thư cấp ủy các xã, thị trấn và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn vào việc quản lý vệ sinh môi trường.

Với quản lý rác thải làng nghề, theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên đây là khó khăn chung của các làng nghề, huyện thực hiện xã hội hóa, các xã chủ động, sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa của các hộ dân trong làng nghề đóng góp thì ký hợp đồng với các đơn vị thu gom chuyên nghiệp để bảo đảm vệ sinh cho làng nghề. Huyện Phú Xuyên kiến nghị Sở TN&MT sớm có đánh giá tổng thể để xử lý nước thải trên các dòng sông, đặc biệt là sông Nhuệ.

Huyện cũng đề nghị Thành phố cho phép lập dự án, cấp kinh phí đầu tư kè sông Nhuệ trên địa bàn để bảo đảm vệ sinh môi trường, chống tái vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm lòng sông trên địa bàn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh lưu ý điểm khác biệt của phong trào Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp lần này là sự tiếp nối của các phong trào trước đây và không có đích đến, không có điểm dừng, không phát động theo tuần, theo tháng mà làm liên tục hàng ngày, hàng giờ vì một thành phố tốt đẹp hơn.

"Chúng ta phải quyết tâm để trong vòng 1, 2 năm tới có thay đổi căn bản, 3-5 năm tới có thay đổi sâu hơn đối với những vấn đề đang đối mặt", Chủ tịch Thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu.

Để có một thành phố sạch, đồng chí Trần Sỹ Thanh đề nghị phải thay đổi cách làm. Cả hệ thống chính trị đến từng người dân phải tham gia giám sát, tổ chức thực hiện và tạo ra được phong trào thi đua chung trong từng khối phố, từng quận, huyện.

Phát biểu kết luận hội nghị, đối với hoạt động chuẩn bị Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh lưu ý cần quan tâm, chăm lo chu đáo, tận tình đến các đối tượng chính sách, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm nhân dân đón Tết an toàn.

Gia Huy

Top