Hà Nội: Quyết tâm cao nhất hoàn thành các mục tiêu phát triển năm 2023
(Chinhphu.vn) - Trong 8 tháng năm 2023, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội được TP. Hà Nội triển khai nhịp nhàng, kết quả đạt được khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; các khâu đột phá về phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đẩy mạnh.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội được Hà Nội triển khai nhịp nhàng, kết quả đạt được khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Bảo đảm các cân đối lớn về kinh tế
Sau khi Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động để triển khai, trong đó, tập trung thực hiện 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội; 6 vấn đề trọng tâm chỉ đạo điều hành; 118 nhiệm vụ cụ thể giao các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã với quyết tâm cao nhất hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển năm 2023.
Theo Phó Chủ tịch Hà Minh Hải, Thành uỷ, UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát các nhiệm vụ lâu dài mang tính chiến lược, thường xuyên quan tâm giải quyết các nhiệm vụ mang tính bức xúc dân sinh.
Theo báo cáo của ngành Thống kê, GRDP 6 tháng đầu năm của Hà nội tăng 5,97% - là mức tăng khá. Trong đó, quý I/2023 tăng 5,95% và quý II tăng 5,98% - thấp hơn và kịch bản đề ra (quý I tăng 6,7%; quý II tăng 6,8%) và GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng thấp hơn 6 tháng đầu năm 2022 (7,79%). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 8 tháng năm 2023 ước thực hiện 282 nghìn tỷ đồng, đạt 79,9% dự toán năm và tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố thu hút 2.256 triệu USD vốn FDI, trong đó có 196 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 75,33 triệu USD; 89 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 209 triệu USD.
Còn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 8, Hà Nội có 29 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 22,4 triệu USD. Tính chung 8 tháng năm 2023, toàn Thành phố thu hút 2.340 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 262 dự án với số vốn đạt 120 triệu USD; 116 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 197 triệu USD; 225 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.023 triệu USD.
Về đăng ký doanh nghiệp 8 tháng năm 2023, Hà Nội có trên 21 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 208,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7% về số doanh nghiệp nhưng giảm 6% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 8, Thủ đô Hà Nội đón khoảng 2,18 triệu lượt khách, tăng 23,1% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 16,9 triệu lượt khách, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 61.600 tỷ đồng, tăng 63,1% với cùng kỳ năm trước. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 61,4%, tăng 28,5% so với cùng kỳ.
Du lịch phục hồi mạnh một mặt là do sau dịch COVID-19, cùng với các chính sách của Trung ương, Thành phố đã kịp thời kích cầu du lịch, đưa ra một số sản phẩm du lịch mới như: Mở rộng và thúc đẩy hoạt động các tuyến phố đi bộ (Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm; Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; Phố đi bộ Hồ Thuyền Quang, Trần Nhân Tông thuộc Hai Bà Trưng; Phố đi bộ quanh Thành cổ, thị xã Sơn Tây; Phố đi bộ Đảo Ngọc, Ngũ Xã, quận Ba Đình; phố đi bộ, phố đêm Ocean Pack, huyện Gia Lâm); tổ chức vận chuyển miễn phí cho du khách tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng theo hành trình City tour... nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm hoàn toàn mới.
Thủ đô rực rỡ chào mừng Quốc khánh 2/9 - Ảnh: VGP/Gia Huy
Nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt, đẩy mạnh phát triển hạ tầng
Sau thời gian triển khai các bước theo quy định, Thành uỷ, UBND Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, khắc phục tình trạng chậm trễ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn Thành phố.
Cùng với công tác tổ chức lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025; TP. Hà Nội cũng đang lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là 3 hành lang pháp lý quan trọng định hình phát triển Thủ đô trong tương lai.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã thực hiện phê duyệt 13 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nâng tổng số nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện lên thành 14/14 nhiệm vụ; ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội".
Ngoài ra, Thành phố tiếp tục thực hiện các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, chung cư cũ, các làng nghề, hoàn thiện chương trình phát triển đô thị. Chất lượng quy hoạch được nâng cao, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch. Thành phố tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì thành quận. Rà soát, đánh giá mức độ đạt các tiêu chí thành lập phường, quận; trong đó tập trung đối với tiêu chí chưa đạt, xây dựng giải pháp, cân đối nguồn lực để thực hiện đạt tiêu chí.
Thành phố cũng tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá của Thành phố.
Đến nay, Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã được khánh thành vào sáng ngày 30/8; đã hoàn thành đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài; đang đôn đốc tiến độ để đưa vào vận hành trong năm 2023 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao); tiếp tục đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đưa vào sử dụng Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; khởi công Dự án tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường vành đai 3; nghiên cứu, triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các cầu lớn vượt sông Hồng: Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng… để khớp nối đồng bộ với đường Vành đai 4.
Hà Nội cũng tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, mở mới các tuyến buýt, đưa vào vận hành một số tuyến buýt chạy điện. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến: 30/30 quận, huyện, thị xã; 510/579 số xã, phường thị trấn; 65/75 bệnh viện; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông; 27/27 các khu, cụm công nghiệp lớn; 33/37 các khu đô thị; 23/24 làng nghề; 23/25 khu di tích lịch sử, văn hoá, khu du lịch; kết nối với 06 tỉnh lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).
Về triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội; hoàn thành Quy định về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, Thành phố đã hoàn thành 02 dự án nhà thương mại với 61.043m2 sàn nhà ở tương đương 389 căn nhà; 02 dự án nhà tái định cư với 24.960m2 sàn nhà ở, 312 căn hộ (Chưa có dự án nhà ở xã hội hoàn thành).
Cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 được TP. Hà Nội khánh thành sáng 30/8 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế
Cũng trong 8 tháng qua, cải cách hành chính được đẩy mạnh, đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế; kỷ cương hành chính được củng cố; tiếp tục quan tâm công tác dân tộc, tôn giáo; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Thành phố quyết liệt thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đã việc tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư, hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình, đạt 100%. Triển khai có hiệu quả thí điểm 2 nhóm TTHC liên thông "Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí".
Thành phố đã triển khai thực hiện việc cập nhật dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết 39-NQ/TU ngày 17/4/2015 của Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị theo hướng dẫn của Trung ương và các Bộ, ngành. Thực hiện đánh giá hiệu quả sau sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành việc sắp xếp, gắn với kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng biên chế, bố trí công tác tại các đơn vị.
Triển khai phương án tiếp tục thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố.
Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ còn chậm tiến độ
Bên cạnh kết quả đạt được, UBND TP. Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận về một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, còn hạn chế về kim ngạch xuất, nhập khẩu suy giảm; Sản xuất công nghiệp, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, Vận tải hàng hoá duy trì tăng khá tuy nhiên mức tăng thấp hơn cùng kỳ, ảnh hưởng đến thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023 và các chỉ tiêu liên quan.
Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng khá, nhưng số doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm và tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ.
Ngoài ra, để hoàn thành mục tiêu cuối nhiệm kỳ đạt tỷ lệ 80-85% trường công lập đạt chuẩn quốc gia, Chỉ tiêu công nhận mới trường học công lập đạt chuẩn quốc gia năm 2023 là 130 trường và đến năm 2025 cần phải công nhận mới 410 trường, công nhận lại 1.150 trường là những thách thức không nhỏ đối với Thành phố.
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 7,0% thì quý III phải tăng từ 7,54% trở lên, quý IV phải tăng từ 8,23% trở lên, đây là những nhiệm vụ rất thách thức. Vì vậy, Thành phố tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ còn chậm tiến độ; các nhiệm vụ còn lại của năm 2023.
Trong đó, Hà Nội tiếp tục bảo đảm tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nắm chắc tình hình, tăng cường phân tích, dự báo nhằm xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh kịp thời thích ứng với tình hình.
Tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi và phát huy động lực tăng trưởng của xuất khẩu; khắc phục đà suy giảm của xuất, nhập khẩu; phân tích cơ cấu hàng hoá, cơ cấu thị trường và tìm ra điểm nghẽn để có giải pháp cụ thể khắc phục đà suy giảm của xuất, nhập khẩu. Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng xuất khẩu; tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh ký kết các hợp đồng xuất khẩu
Ngoài ra, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Lãnh đạo UBND Thành phố định kỳ tổ chức giao ban để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc đối với các nhóm vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Gia Huy