Hà Nội: Quyết tâm cao nhất từ đầu năm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

10/02/2024 7:36 AM

(Chinhphu.vn) - Để chủ động triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, TP. Hà Nội đã giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển năm 2024 đến từng đơn vị, xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, chú trọng các dự án trọng điểm, xác định đầu tư công là đòn bẩy, điểm tựa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Hà Nội: Quyết tâm cao nhất từ đầu năm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng- Ảnh 1.

Năm 2024, Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6,5-7% - Ảnh: VGP/Gia Huy

Nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu GRDP từ 6,5-7%

Ngày 5/1/2024, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã được ban hành. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo chủ đề "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững với 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Để chủ động triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, ngay từ cuối tháng 12/2023, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2024.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gồm 24 chỉ tiêu. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người 160 - 162 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5-11,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 4-5%; Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%; tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo 74,2%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: 54%; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 78,5%; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia được công nhận mới (lần đầu) 114 trường; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia được công nhận lại 300 trường…

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, trên cơ sở kết quả đạt được năm 2023, UBND Thành phố sẽ tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt tập trung triển khai hiệu quả, thực chất hơn nữa chủ đề công tác năm 2023 "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".

Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024, các cấp, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể Thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, với quyết tâm cao nhất, tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2024, tạo đà cho năm 2025 và bảo đảm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ.

Ngoài ra, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PARIndex, SIPAS.

Quản lý chặt chẽ và phát triển hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt. Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện... Tiếp tục đẩy nhanh xây dựng kết cầu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị.

Hà Nội: Quyết tâm cao nhất từ đầu năm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng- Ảnh 2.

Ngành du lịch Hà Nội đã xây dựng nhiều chương trình, sự kiện và sản phẩm mới hấp dẫn để thu hút du khách - Ảnh: VGP/Gia Huy

Khẩn trương triển khai kế hoạch ngay từ đầu năm

Còn theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, các đơn vị của Hà Nội khẩn trương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách ngay từ đầu năm, mỗi đơn vị đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm để ban hành chương trình hành động của Thành phố nhằm phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2024. Bên cạnh đó, đẩy nhanh các thủ tục về đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng kế hoạch giải ngân với từng dự án.

Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, đến hết tháng 1/2024, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội ước thực hiện 67,5 nghìn tỷ đồng, đạt 16,5% dự toán và giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong tháng 1/2024, Thành phố thu hút trên 866 triệu USD vốn FDI. Trong đó, có 10 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt trên 859 triệu USD; có 6 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 5,1 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 7 lượt, đạt 2,3 triệu USD.

Cũng trong tháng 1/2024, Thành phố có gân 2.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, với số vốn đăng ký mới đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, gấp 2,4 lần; 3.660 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 50%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Một ước tính đạt 1.505 triệu USD, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Một ước tính đạt 3.665 triệu USD, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước.

Để thu hút du khách đến tham quan, tạo không khí vui tươi đón năm mới, ngành du lịch Hà Nội đã xây dựng nhiều chương trình, sự kiện và sản phẩm mới hấp dẫn để thu hút du khách. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tháng 1/2024 ước đạt 540.000n lượt người, tăng 2% so với tháng trước và tăng 84,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thành phố đã xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành được nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. Cụ thể như tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Triển khai hiệu quả, kịp thời chính sách của Trung ương về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên đủ nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng tỷ trọng các khoản thu mang tính bền vững. Thực hiện hiệu quả các giải pháp kiểm soát giá cả, thị trường…

Hà Nội: Quyết tâm cao nhất từ đầu năm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng- Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đến thăm, tặng quà công nhân thi công dự án Vành đai 4 - Ảnh: VGP

Xác định đầu tư công là đòn bẩy, điểm tựa thúc đẩy kinh tế

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm…; kiên quyết không đầu tư dàn trải, loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả…

Chia sẻ về việc triển khai phân bổ vốn đầu tư công năm 2024, ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, năm 2023, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến đến hết tháng 1/2024 đạt trên 95%.

"Hà Nội xác định đầu tư công là đòn bẩy, điểm tựa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nên Thành ủy, UBND rất quan tâm chỉ đạo để thực hiện kế hoạch đầu tư công. Năm 2023, UBND Thành phố đã ban hành 3 kế hoạch thực hiện, định hình hàng quý đều tổ chức giao ban xây dựng cơ bản theo ngành, lĩnh vực để nghe các ban quản lý, ngành, địa phương báo cáo kịp thời, tìm giải pháp tháo gỡ", Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết.

Đến giữa tháng 1/2023, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội là 50.690 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 95% kế hoạch Thành phố giao.

"Con số này thể hiện việc thực hiện các dự án đầu tư công đang được đẩy mạnh, tập trung vào công trình trọng điểm, trong đó có đường Vành đai 4, Vành đai 2,5 và các dự án khác…", ông Lê Trung Hiếu cho biết.

Còn kết quả tháng 1/2024 cho thấy, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng 01/2024 ước tính đạt 4.005 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 5,1% kế hoạch năm 2024,

Nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, Quyết định của UBND TP. Hà Nội về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 2024 đã tiến hành phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024 theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hà Nội cũng xác định năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn, thách thức của TP. Trong đó, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công của thành phố là 81.033 tỷ đồng (gấp 1,72 lần so với đầu năm 2023), trong đó đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất là 36.100 tỷ đồng (gấp 2,24 lần so với kế hoạch năm 2023 giao đầu năm). Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để có thể đạt các chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

"TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo quyết liệt để có thể đạt được các chỉ tiêu liên quan tới đầu tư công, đặc biệt là với các công trình trọng điểm của Thành phố", Phó Giám đốc Sở KH&ĐT thông tin.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án, giải ngân của đơn vị mình theo từng tháng, chi tiết từng dự án, hoàn thành trong tháng 01/2024, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.  

Đối với dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô, hiện nay, dự án đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 8,1%.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) có chiều dài 2,3 km, có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân được 25,5% kế hoạch vốn.

Còn đự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình, kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc Lộ 21 (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất), điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc, Hòa Bình. Đường có mặt cắt ngang từ 120 m - 180 m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 6,2% kế hoạch vốn.

Theo Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng, trong 3 năm vừa qua, Hà Nội đã có sự cải thiện vượt bậc về giải ngân đầu tư công. Kinh nghiệm của Hà Nội trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là điều hành đồng bộ, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của sở, ngành, quận, huyện, thị xã là điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

Ngoài ra, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án; kịp thời xử lý có hiệu quả các vấn đề, khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án để các sở, ngành quản lý kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền có chính sách, giải pháp nhanh, mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn triển khai dự án, kế hoạch đầu tư công.

Theo Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội, Thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt để chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công và năm 2024, Hà Nội sẽ tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

Gia Huy

Top