Hà Nội: Rà soát quỹ đất, chỗ nào trống, chậm triển khai thì thu hồi để xây trường học

11/07/2023 4:49 PM

(Chinhphu.vn) - Trước sức ép lớp của dân cư đông, dân số cơ học tăng mỗi năm, trường học không đáp ứng kịp tại địa bàn quận Hoàng Mai, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo quận rà soát quỹ đất, chỗ nào trống, chậm triển khai thì thu hồi để xây trường học.

Hà Nội: Rà soát quỹ đất, chỗ nào trống, chậm triển khai thì thu hồi để xây trường học - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đi kiểm tra thực tế tại các ô đất nhận bàn giao từ Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) để xây dựng trường công lập tại địa bàn quận Hoàng Mai - Ảnh: VGP/GH

Chiều 11/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì kiểm tra tiến độ xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia và các dự án đầu tư xã hội hóa trường học chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Trước khi làm việc với lãnh đạo quận Hoàng Mai, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đi kiểm tra thực tế tại các ô đất nhận bàn giao từ Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) để xây dựng trường công lập trên địa bàn phường Hoàng Liệt; kiểm tra tiến độ dự án xây dựng trường Tiểu học - THCS Tân Mai (phường Tân Mai) và kiểm tra dự án xã hội hóa xây dựng tại ô đất nhà trẻ ký hiệu NT, ô đất trường tiểu học ký hiệu TH, tổng diện tích 13.643,7m2 tại khu chức năng đô thị Ao Sào (phường Thịnh Liệt).

Hoàng Mai: Dân số cơ học tăng, trường học không đáp ứng kịp

Báo cáo về tiến độ xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia và các dự án đầu tư xã hội hóa giáo dục trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, hiện nay, quận đang triển khai thực hiện 99 dự án, bao gồm 24 dự án xây dựng trường học. Trong đó có 16 dự án chuyển tiếp với tổng mức đầu tư là 2.008 tỷ đồng.

Dự kiến, năm 2023, quận hoàn thành 5/16 dự án gồm các trường: Mầm non Hoa Sữa, Tiểu học Tân Mai, Tiểu học Trần Phú, THCS Định Công và THCS Đại Kim; khởi công 4 dự án và chuẩn bị đầu tư 4 dự án trường học.

Về tiến độ xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đến hết năm 2022, quận Hoàng Mai có tổng số 59 trường, trong đó có 41 trường chuẩn quốc gia, đạt 69,5%. Kế hoạch 5 năm 2023-2025, tổng số trường công lập đạt dự kiến là 61 trường, trong đó, phấn đấu có 49 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 80,3%.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm, do dân số cơ học tăng, dẫn đến số học sinh trên địa bàn quận tăng nhanh hàng năm, cơ sở vật chất của một số trường không đáp ứng kịp; số lượng học sinh đông, số học sinh/lớp cao, diện tích đất/học sinh không đảm bảo tiểu chuẩn, thiếu quỹ đất để mở rộng trường học công lập.

Mặc khác, địa bàn quận hiện có 38 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai do nhiều chủ đầu tư nợ thuế lớn, chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ tài chính kéo dài qua nhiều năm; nhiều chủ đầu tư không tập trung đầu tư hạ tầng xã hội như: trường học, cây xanh, bãi đỗ xe... dẫn đến quá tải về hạ tầng xã hội trên địa bàn…

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm kiến nghị Thành phố chỉ đạo, ban hành Quyết định thu hồi đất chính thức 4 ô đất trường học đã được Tổng HUD bàn giao nguyên trạng cho quận, làm cơ sở pháp lý giao quận thực hiện và đầu tư. Quận cũng kiến nghị Thành phố chấp thuận phương án hỗ trợ nguồn ngân sách Thành phố giao quận thực hiện đầu tư công đối với 2 ô đất và chấp thuận thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư/ đấu giá quyền sử dụng đất đối với 2 ô đất còn lại.

Lãnh đạo quận Hoàng Mai cũng đề nghị Thành phố cho phép nâng thêm tầng cao đối với các dự án trường học khi đầu tư xây dựng. Đối với dự án chậm triển khai, đang thực hiện các bước điều chỉnh hoặc được UBND Thành phố chấp thuận, đề nghị đẩy nhanh tiến độ. Trong trường hợp các nhà đầu tư không triển khai, kiến nghị thu hồi và giao nhà đầu tư đủ năng lực…

Hà Nội: Rà soát quỹ đất, chỗ nào trống, chậm triển khai thì thu hồi để xây trường học - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra tiến độ dự án xây dựng trường Tiểu học - THCS Tân Mai (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) - Ảnh: VGP/GH

Sở GD&ĐT nhận được nhiều đơn xin chuyển về học tại Hà Nội

Tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, quận Hoàng Mai là một trong những địa bàn có số lượng học sinh số lượng lớn của Hà Nội.

Tỷ lệ học sinh mầm non, tiểu học, THCS của quận Hoàng Mai đều vượt quá quy định về chỉ tiêu số học sinh trong 1 nhóm/lớp: Đối với cấp mầm non, quận Hoàng Mai có bình quân 38,6 trẻ/nhóm lớp; cấp tiểu học là 47,6 học sinh/lớp; khối THCS là 45,5 học sinh/lớp. Còn cấp THPT là 46 học sinh/nhóm lớp. Hoàng Mai hiện có 3.710 cán bộ, giáo viên, cơ bản đáp ứng về số lượng giáo viên trên địa bàn.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương đề xuất quận Hoàng Mai tiếp tục dành quỹ đất đầu tư cho trường học bởi tại địa bàn quận số lượng trường công lập còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu bởi tâm lý của phụ huynh học sinh là mong muốn con em được học trường công lập.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh ngay tại cuộc họp về việc địa bàn nào "nóng" về thiếu trường học, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm là địa bàn có sức "nóng" về số lượng học sinh, là những địa bàn nào tập trung nhiều khu dân cư mới, có "sức ép" lớn về dân số đông lên trường học.

Cũng theo ông Trần Thế Cương, vừa qua ngành GD&ĐT nhận được nhiều đơn xin chuyển về học tại Hà Nội dù nhiều học sinh đã đỗ tại các địa phương khác với lý do chuyển theo bố mẹ về Hà Nội làm việc. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT quy định, các tỉnh, thành phải ưu tiên tạo điều kiện cho học sinh khi di cư đến địa bàn mới.

"Nếu theo quy định mới vừa ban hành, diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội là 15m2/sàn/người thì sắp tới đây số dân về Hà Nội sẽ tiếp tục tăng. Cả hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc để đáp ứng trường học", ông Trần Thế Cương chia sẻ và cho biết ngay trong ngày hôm qua (10/7) có khoảng 20 học sinh các tỉnh, thành chuyển về Hà Nội.

Hà Nội: Rà soát quỹ đất, chỗ nào trống, chậm triển khai thì thu hồi để xây trường học - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh quan điểm của Thành phố là quan tâm, ưu tiên, phân bổ nguồn lực để tháo gỡ cho Hoàng Mai, giúp quận phát triển nhanh trong lĩnh vực giáo dục - Ảnh: VGP/GH

Đồng ý đề xuất dành 4 lô đất để xây trường học

Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận đinh: "Hà Nội mỗi năm tăng dân số cơ học lớn, Luật cư trú được nới lỏng cũng là một trong những yếu tố gây sức ép đến ngành giáo dục", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chia sẻ.

Nêu quận Hoàng Mai là một trong những "vùng trũng" về cơ sở vật chất giáo dục, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh quan điểm của Thành phố là quan tâm, ưu tiên, phân bổ nguồn lực để tháo gỡ cho Hoàng Mai, giúp quận phát triển nhanh trong lĩnh vực giáo dục.

Từ đó, Chủ tịch UBND TP cho rằng quận Hoàng Mai cần có Nghị quyết chuyên đề mới với vấn đề cơ sở vật chất giáo dục - đây được cho là vấn đề cốt yếu của quận Hoàng Mai.

Trong đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị quận tiếp tục rà soát tổng thể các quỹ đất ở khu đô thị, chỗ nào còn trống, đất chậm triển khai thì nghiên cứu thu hồi để ưu tiên xây dựng trường học, cố gắng hoàn thành trong năm 2023.

Đối với 4 ô đất quận đề xuất dành để xây dựng trường học, Chủ tịch UBND TP đồng ý với đề xuất và điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi 2 ô đất dự án ở khu đô thị Ao Sào với tinh thần quyết liệt, làm xong trong tháng 9/2023; sau đó bàn giao ô đất đó cho quận để tiến hành đấu giá đất theo quy định.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có 139 dự án triển khai đầu tư xây dựng trường với tổng mức đầu tư dự kiến 8.873 tỷ đồng; trong đó có 123 dự án các trường hiện có, 16 dự án trường đầu tư xây dựng mới. Đến thời điểm này đã phê duyệt chủ trương đầu tư 93 dự án, chưa phê duyệt chủ trương đầu tư 46 dự án.

Đối với các trường công lập do cấp huyện quản lý, hiện nay có 514 dự án xây dựng trường, đã có 494 dự án được phê duyệt chủ trương, còn lại các quận, huyện thị xã đang làm thủ tục với tiến độ được đẩy nhanh. Ông Trần Thế Cương cho rằng với tiến độ này, thời gian tới số lượng trường học tại địa bàn Hà Nội sẽ được tăng lên.

Gia Huy

Top