Tỷ lệ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập của Hà Nội đúng quy định của Bộ GD&ĐT

11/07/2023 4:33 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 11/7, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, theo số liệu cập nhật mới nhất tính đến chiều ngày 10/7, tỷ lệ nhập học vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 của thành phố Hà Nội thực tế dự kiến đạt 60,9%.

Tỷ lệ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập của Hà Nội đúng quy định của Bộ GD&ĐT - Ảnh 1.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xét duyệt điểm chuẩn bổ sung cho 31 trường. Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo ông Trần Thế Cương, năm học 2023-2024, toàn Thành phố Hà Nội có 129.210 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, năm học 2023-2024 số lượng học và tỷ lệ tuyển sinh vào trường THPT theo kế hoạch là khoảng 102.000 học sinh.

Trong đó tuyển vào công lập là 77.480 học sinh, chiếm tỷ lệ 59,96%, gồm 4 trường THPT chuyên và có lớp chuyên, 115 trường THPT không chuyên, 9 trường THPT công lập tự chủ tài chính, 4 trường THPT công lập hiệp quản.

Tuy nhiên, sau khi căn cứ vào kết quả tuyển sinh lớp 10 thực tế trên địa bàn thành phố từ ngày 5-7/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xét duyệt điểm chuẩn bổ sung cho 31 trường để đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh.

Căn cứ vào đó, Hà Nội dự kiến tỷ lệ học sinh nhập học vào lớp 10 công lập đạt 60,9% với tổng số 78.623 học sinh, tăng 1.000 học sinh so với năm học trước. Như vậy, thông tin tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2023-2024 của Hà Nội thấp kỷ lục là không đúng.

Việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS của Hà Nội căn cứ vào Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục và dựa trên Kế hoạch của UBND TP. Hà Nội triển khai Đề án Giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 với định hướng tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp THCS vào lớp 10 THPT công lập là 60%.

Với tỷ lệ này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, Hà Nội không thiếu chỗ học cho học sinh tốt nghiệp THCS về tổng thể, tuy nhiên, tình trạng thừa thiếu cục bộ vẫn xảy ra cục bộ tại một số quận nội thành. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang phối hợp với các quận, huyện để rà soát lại số lượng cư dân trên từng địa bàn để có căn cứ điều chỉnh, phân bổ khu vực tuyển sinh, tránh quá tải tuyển sinh vào lớp 10 công lập tập trung vào một số địa bàn của thành phố. 

Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó mục tiêu đến năm 2025 "Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%", Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 04/12/2018 về việc triển khai Đề án "Giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025", trong đó phấn đấu 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp hoặc cơ sở GDNN-GDTX vừa đào tạo chương trình trung cấp nghề, vừa học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình cấp THCS vào học lớp 10 tại các trường THPT công lập là 60%.

Trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Sở, ngành có liên quan tham mưu đẩy mạnh công tác phổ biến, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Kết quả đã triển khai thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.

Với nhiều giải pháp về tăng trường lớp đối với bậc THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, đến năm 2025, Hà Nội cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở vật chất của các trường THPT công lập trên địa bàn Thành phố.

Minh Anh

Top