Hà Nội: Sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ
(Chinhphu.vn) - Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 5 tháng đầu năm 2022, sản xuất, kinh doanh của TP. Hà Nội phục hồi mạnh mẽ. Đây là dốc mốc đặc biệt của Thành phố sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hội nghị giao ban UBND TP. Hà Nội tháng 5/2022 - Ảnh: VGP/Gia Huy
Nhiều chỉ số tăng trưởng
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, Tổng thu NSNN trong 5 tháng đầu năm 2022 của Hà Nội đạt trên 164.200 tỷ đồng, đạt 52,7% dự toán, bằng 127,3% so với cùng kỳ. Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng, đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế; vốn huy động đạt 4,44 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng 4, tăng 4,5% so với thời điểm 31/12/2021.
Xuất khẩu phục hồi mạnh, kim ngạch tháng 5 đạt 1,52 tỷ USD, tăng 31% (cùng kỳ tăng 2,5%); lũy kế 5 tháng đầu năm, đạt 6,91 tỷ USD, tăng 18,8% (cùng kỳ tăng 8,1%). Kim ngạch nhập khẩu tăng tương ứng 18,9% và tăng 20,2%.
Sự phục hồi còn thể hiện ở chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 1,8% so với tháng 4 và tăng 7,3% so với tháng 5/2021 (cùng kỳ tăng 5,1%); lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, IIP tăng 6,4% (cùng kỳ tăng 9,4%).
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 312 triệu USD; thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách 2.117 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm, có trên 11.500 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là trên 144.570 tỷ đồng (tăng 6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 5% vốn đăng ký).
Cũng trong 5 tháng đầu năm, Thành phố đã hỗ trợ trên 2,630 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19 với kinh phí trên 2.530 tỷ đồng; Bảo hiểm xã hội đã chi trả cho trên 3,239 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tạm dừng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền trên 4.850 triệu đồng.
Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố đã thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 58 tỷ đồng với trên 1.000 khách hàng. Thực hiện hiệu quả Chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất 324 tỷ đồng cho 262 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho trên 76.900 lượt người lao động.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, phát huy kết quả này, trong quý III/2021, Hà Nội tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ: Miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí và lệ phí; giảm tiền thuê đất, mặt nước; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất ngân hàng; cho vay ưu đãi qua Ngân hàng chính sách xã hội...
Thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành: Du lịch, vui chơi, giải trí, vận tải, logistics... Phát triển kinh tế ban đêm, các tuyến phố đi bộ. Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên kênh CNN quốc tế và ở trong trước; chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng cụm công nghiệp.
Ngoài ra, thực hiện kiểm soát lạm phát; đảm bảo cân đối cung-cầu các mặt hàng, nhất là cung ứng xăng dầu trên địa bàn, đáp ứng đẩy đủ xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn Thành phố.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của 6 Tổ công tác của Thành phố về giải ngân vốn đầu tư công; Tập trung tối đa nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.
Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ rõ, kết quả 5 tháng cho thấy Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung có giải pháp tháo gỡ, đó là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 16,4% kế hoạch nhưng vẫn là con số thấp hơn mức trung bình cả nước đạt 20,45%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khá cao gây áp lực lớn lên mục tiêu năm 2022… Từ đó Chủ tịch Thành phố chỉ rõ, từ nay đến cuối năm khối lượng công việc lớn, đòi hỏi không chỉ quyết tâm mà cần có trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên để tháo gỡ, giải quyết.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu, để tăng tốc phát triển kinh tế cần tập trung quyết liệt giải ngân đầu tư công. Từ thành phố tới cơ sở, xã, phường, thị trấn, tranh thủ tối đa điều kiện thuận lợi khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, tập trung đầu tư nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, đặt ra lộ trình tăng tốc phát triển trong tháng 6 và quý III để đảm bảo mục tiêu về đích trong quý IV.
Trong đó, tập trung phát triển các ngành kinh tế tiềm năng; thúc đầy tăng trưởng các nhóm ngành quan trọng như: Dịch vụ-du lịch; công nghiệp - xây dựng; đẩy mạnh xuất nhập khẩu; chủ động có phương án triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế.
Về tình hình thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh đây là nhiệm vụ được Thành phố hết sức quan tâm, chỉ đạo. Đồng chí Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo rất quyết liệt. Vì vậy, cần ưu tiên tháo gỡ các lĩnh vực lớn theo địa bàn theo phương pháp: "vào việc cụ thể, giao ban thường xuyên".
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng chỉ đạo cụ thể với các sở để giải quyết loạt các phần việc về công tác giải phóng mặt bằng, đơn giá xây dựng, thể chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; giao Sở Nội vụ chủ trì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và tham mưu UBND TP xử lý nghiêm các đơn vị giải ngân chậm do nguyên nhân chủ quan, chưa nỗ lực cố gắng.
Gia Huy