Hà Nội sẽ gieo trồng khoảng 150 nghìn ha lúa

27/01/2023 12:46 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2023, diện tích gieo trồng lúa của Hà Nội dự kiến đạt 150.000 ha, sản lượng trên 900.000 tấn/năm. Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao, chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Hà Nội sẽ gieo trồng khoảng 150.000ha lúa - Ảnh 1.

Năm 2023, diện tích gieo trồng lúa của Hà Nội dự kiến đạt 150.000 ha. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2023, ngành sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng. Đồng thời mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm. Chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Theo đó sẽ nâng cao hiệu quả đất trồng lúa, giảm dần diện tích, kế hoạch gieo trồng năm 2023 đạt 150.000 ha, sản lượng đạt trên 900.000 tấn/năm. Tập trung phát triển theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác, thu hoạch, sơ chế và chế biến lúa gạo.

Đối với cây rau, ngành nông nghiệp Thủ đô gieo trồng 34.330 ha, sản lượng đạt khoảng 700 nghìn tấn, trong đó diện tích sản xuất rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận đạt 14.000 ha, diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt 489 ha.

Đối với cây hoa, diện tích gieo trồng là 7.449 ha, tập trung tại các vùng chuyên canh như: Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất... Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng mở rộng diện tích cây ăn quả, đạt 23.206 ha; tập trung phát triển cây trồng đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao như: Nhãn chín muộn, bưởi Diễn, cam Canh, táo, ổi... Đối với cây chè, duy trì diện tích 2.355 ha, sản lượng trên 20.000 tấn/năm; tiếp tục phát triển diện tích chè chất lượng cao tập trung tại các vùng sản xuất chè truyền thống như: Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ...

Để sản xuất đạt hiệu quả, Sở NN&PTNT yêu cầu đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cũng như chủ động nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi, theo tiêu chuẩn VietGAP. Các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn bảo đảm chất lượng, chủng loại giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất. Đặc biệt, các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp... nắm vững tiến độ; phân công cán bộ tổng hợp và báo cáo tiến độ sản xuất trước, trong và sau Tết Nguyên đán về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổng hợp báo cáo Sở NN&PTNT để có những giải pháp kịp thời.

Theo kế hoạch sản xuất vụ xuân 2023 của Sở NN&PTNT, Hà Nội phấn đấu đạt tổng diện tích gieo trồng là 101.712 ha, trong đó, diện tích lúa là 81.128 ha; rau các loại 9.351 ha; hoa 2.625 ha; ngô 3.574 ha; đậu tương 210 ha… Sở NN&PTNT cũng khuyến cáo các địa phương tập trung gieo cấy trà xuân muộn với hơn 80% diện tích. Gieo mạ đúng lịch thời vụ, tập trung từ ngày 20/1 đến 5/2, các địa phương cần hướng dẫn nông dân chủ động giải pháp chống rét; thực hiện che phủ ni lông 100% diện tích mạ đúng kỹ thuật. Thời vụ cấy lúa xuân muộn tập trung từ ngày 4/2 đến 28/2. Gieo sạ tập trung từ ngày 10/2 đến 20/2; không gieo mạ hoặc cấy vào những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ không khí dưới 15oC; không cấy mạ già; đặc biệt cần mở rộng diện tích làm mạ khay, cấy máy và diện tích gieo trồng lúa có áp dụng hệ thống canh tác cải tiến.

Thiện Tâm

Top