Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ nâng cao sản xuất lúa chất lượng cao

24/03/2022 6:02 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thời gian qua các địa phương trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nhiều giống lúa mới vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ nâng cao sản xuất lúa chất lượng cao - Ảnh 1.

Sản xuất láu chất lượng cao sẽ mang lại năng suất và thu nhập cao cho bà con nông dân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, việc sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của huyện tiếp tục là điểm sáng, bệ đỡ của nền kinh tế. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất năm 2021 ước đạt 1.947 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 4,79% so với năm 2020, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra (tăng từ 2,5-3,0%) nhờ thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu các loại cây trồng; sản xuất thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt khá. 

Trong năm qua, cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực, huyện đã chỉ đạo mở rộng thêm diện tích trồng lúa chất lượng và năng suất cao. Tổng diện tích gieo trồng đạt 19.029,7 ha, bằng 103% kế hoạch. Đồng thời tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa, bảo đảm phòng trừ sâu bệnh góp phần tăng năng suất cây trồng.

Thời gian qua, địa phương đã phối hợp với các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức khảo nghiệm, hỗ trợ cho bà con nông dân đưa nhiều giống lúa mới vào sản xuất. 

Theo đó, nhiều hộ dân thuộc vùng canh tác lúa hàng hóa, chất lượng tại các xã: Đông Xuân, Tân Hưng… đã được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. 

Việc phát triển các vùng lúa hàng hóa chất lượng cao cũng là định hướng được huyện Sóc Sơn chỉ đạo đẩy mạnh. Thống kê đến nay, trong tổng số gần 9.100ha lúa Xuân hàng năm, có đến 85% tổng diện tích canh tác sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: J01, J02, HD11, HDT10, TBR225, VNR20. 

Huyện đang thí điểm canh tác một số giống lúa hữu cơ, lúa dược phẩm chức năng tại các xã: Xuân Giang, Bắc Sơn… nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường. Từ đó, nâng cao giá trị sản xuất của ngành hàng lúa gạo và cải thiện thu nhập cho người nông dân.

Năng suất lúa năm 2021 tăng khá cao ước đạt 59,1 tạ/ha, tăng 5,4% so với năm 2020 (trong đó lúa Xuân đạt 58,2 tạ/ha, tăng 7,5%; lúa Mùa đạt 60 tạ/ha, tăng 3,4%). Sản lượng lúa cả năm 2021 ước tính đạt 111,9 nghìn tấn, tăng 4,64% so với năm 2020.

Để có được kết quả này là do huyện đã thực hiện hiệu quả việc chuyển một phần diện tích sang trồng giống lúa có chất lượng và năng suất cao như: BC 15 đạt 63,7 tạ/ha; lúa Lai đạt 64,4 tạ/ha… 

Đồng thời, điều kiện thời tiết giai đoạn lúa trỗ bông khá thuận lợi, công tác lấy nước phục vụ sản xuất được chú trọng; công tác bảo vệ thực vật và các biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây được dự báo, hướng dẫn kịp thời đã góp phần tăng năng suất cây lúa.

Song song với cây lúa, các loại cây trồng khác (cây hằng năm, cây lâu năm) cũng cơ bản bảo đảm diện tích gieo trồng theo kế hoạch, năng suất đều tăng 2%-6%.

Ngoài ra, cơ cấu các loại cây lâu năm trên địa bàn tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây đặc sản, cây có giá trị cao và phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn. 

Điển hình như sản xuất chè theo quy trình chè an toàn, VietGap, ứng dụng hệ thống tưới; Sản xuất các loại hoa, giống cây trồng có giá trị kinh tế cao: hoa ly, cúc, hoa hồng tại các xã Xuân Giang, Đông Xuân, phát triển thêm 02ha dược liệu, thảo dược; Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, bảo quản chế biến nấm ăn và nấm dược liệu…

Bên cạnh đó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt được quan tâm thực hiện, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất lúa đạt trên 99%.

Tương tự, tại huyện Chương Mỹ, thời gian qua, huyện cũng đã đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân. 

Trong năm 2022, huyện phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đạt 5,5% trở lên. Đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện; tiếp tục thực hiện Đề án liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện; tổ chức đánh giá, phân hạng cho 50 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Vụ xuân 2022, huyện Chương Mỹ tiếp tục triển khai mô hình trình diễn giống lúa mới, năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác, thay đổi tập quán canh tác, đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. 

Để thực hiện mô hình này, huyện đã triển khai cấp 14.080kg thóc giống bao gồm: VNR20, HD11, DT18, DT80 cho 18 xã, thị trấn trong huyện. Tổng diện tích triển khai mô hình là 440ha.

Ngoài ra, vụ xuân năm nay huyện còn triển khai thực hiện Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Quảng Bị với diện tích 5ha và Mô hình khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao Lam Sơn 8, Dự Hương 8 tại 02 xã: Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, quy mô 10ha.

Thông qua việc triển khai các mô hình trong sản xuất lúa góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng, đời sống cho bà con nông dân.

Thiện Tâm

Top