Hà Nội sẽ trở thành một địa điểm hấp dẫn với những người tài năng
(Chinhphu.vn) - Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP. Hà Nội hướng đến mục tiêu thu hút, trọng dụng những cá nhân xuất sắc, có tài năng, kinh nghiệm và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thủ đô.
Thu hút nhân tài để thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực, ngành, nghề
Chia sẻ về chính sách phát triển thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lược cao trong Luật Thủ đô, PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội khẳng định, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh về việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế.
PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Hà Nội có nguồn lực con người to lớn, với trên 51,7% dân số trẻ, tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 70% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện; số nhà khoa học đầu ngành, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước; 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn; có 2 khu công nghiệp công nghệ cao 6; có trên 150 doanh nghiệp khoa học công nghệ (đứng đầu cả nước)…
Trong Luật Thủ đô năm 2024, chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng được quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Thủ đô: Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức.
Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định nêu trên được ký hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
Phân tích chính sách này, PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, chính sách này hướng đến mục tiêu thu hút, trọng dụng những cá nhân xuất sắc, có tài năng, kinh nghiệm và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, bất kể họ đang sinh sống và làm việc ở đâu.
Chính sách này có những điểm nổi bật là: Tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao, có những đóng góp nổi bật cho một lĩnh vực, ngành nghề cụ thể tại Thủ đô, được tuyển dụng, tiếp nhận vào các vị trí công chức, viên chức; ký hợp đồng để làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố. Hình thức làm việc có thể là làm việc theo chuyên môn, nghiệp vụ hoặc đảm nhiệm các vị trí quản lý.
Về chính sách xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp cũng tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu hút nhân tài và khuyến khích sự sáng tạo. Hà Nội sẽ trở thành một địa điểm hấp dẫn đối với những người tài năng trong và ngoài nước
PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, những vấn đề đặt ra để cụ thể hóa và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng tại Hà Nội là một bước đi đúng đắn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
Tuy nhiên, để chính sách này thực sự hiệu quả, việc quy định rõ ràng các chế độ, chính sách ưu đãi là vô cùng quan trọng.
Chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô Khoản 2 Điều 16 Luật Thủ đô quy định Hội đồng nhân dân thành phố quyết định các chính sách sau đây về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô: Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn.
Sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thành phố. Sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố quản lý, học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn.
Chính sách này đã vạch ra những định hướng cụ thể và chi tiết về các chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố.
Cụ thể là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu thực tế của quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế.
Xác định rõ các ngành nghề mũi nhọn, có tiềm năng phát triển
PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn cũng nêu ý kiến, Hà Nội cần tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn Xác định rõ các ngành nghề trọng điểm, xác định rõ các ngành nghề mũi nhọn, có tiềm năng phát triển cao và phù hợp với định hướng phát triển của thành phố như công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp bán dẫn, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải các-bon, ứng phó với biến đổi khí hậu, tài chính, dịch vụ...
Tăng cường đầu tư vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực này, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Về đổi mới chương trình đào tạo, cần cập nhật chương trình đào tạo theo hướng gắn liền với thực tiễn, chú trọng phát triển kỹ năng mềm, khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên chất lượng cao, có kinh nghiệm thực tế và năng lực nghiên cứu. Xây dựng môi trường khởi nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua việc cung cấp vốn, hỗ trợ pháp lý, kết nối với các nhà đầu tư.
Liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và chính quyền hợp tác đào tạo sẽ tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng với doanh nghiệp để các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Liên kết với doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Cần cung cấp thông tin đầy đủ về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để người lao động có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp. Hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm thông qua các sàn giao dịch việc làm.
Theo PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn, những chính sách của Hà Nội trong Luật Thủ đô 2024 sẽ thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực, ngành, nghề. Đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, sẽ mang đến những tác động sâu sắc và toàn diện đến các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu tại Hà Nội.
Gia Huy