Hà Nội: Sức hấp dẫn của những ý tưởng thiết kế sáng tạo

27/11/2023 1:47 PM

(Chinhphu.vn) - Diễn ra từ ngày 17/11 đến 26/11/2023, tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm và nhiều địa điểm khác trên địa bàn Thành phố, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 thực sự đã mang đến cho người dân Thủ đô và du khách nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn với hàng loạt hoạt động phong phú, đa sắc màu.

Hà Nội: Sức hấp dẫn của những ý tưởng thiết kế sáng tạo- Ảnh 1.

Người dân và du khách xếp hàng vào tham quan bốt Hàng Đậu. Ảnh: VGP/Minh Anh

Đầu tiên phải kể đến Tháp nước Hàng Đậu, sau hàng chục năm "cửa đóng, then cài", ngay từ ngày đầu mở cửa, kiến trúc độc đáo này đã thu hút hàng nghìn người dân và du khách xếp hàng dài đến tham quan, trải nghiệm. Đa số ý kiến đều bày tỏ sự hứng thú, bất ngờ khi lần đầu được vào tham quan công trình kiến trúc lịch sử này, đồng thời được thưởng thức hiệu ứng âm thanh, ánh sáng vô cùng sống động qua triển lãm "Sắp đặt nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu".

Ông Nguyễn Công Phan (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Người dân chúng tôi đã rất háo hức, đợi chờ Thác nước Hàng Đậu mở cửa. Đây là không gian công cộng đã từng gắn bó với nhiều thế hệ công dân Thủ đô, vì vậy chắc chắn sẽ mang đến cho mọi người nhiều cảm xúc khác biệt, không chỉ về giá trị của di sản mà còn ý thức hôm nay về bảo vệ môi trường nước. Không gian bên trong Tháp nước được thiết kế đẹp, tinh tế. Chúng tôi mong rằng Tháp nước sẽ được mở cửa thường xuyên hơn để đón khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến trải nghiệm".

Thác nước Hàng Đậu được xây dựng năm 1894, còn có tên gọi dân dã là Bốt Hàng Đậu. Công trình nằm ở ngã sáu các phố cổ Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng. Đây là một trong những công trình kiến trúc lịch sử lâu đời, biểu tượng của TP. Hà Nội.

Tham quan xong Tháp nước Hàng Đậu, "chuyến tàu di sản" đưa du khách từ nhà ga Long Biên qua cầu Long Biên và kết thúc tại nhà ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm để thưởng thức lễ hội.

Là địa điểm chính tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trong 10 ngày qua đã diễn ra nhiều hoạt động nghệ thuật, triển lãm, trưng bày, hội chợ phong phú và hấp dẫn. Điểm nhấn chính là các không gian Pavilion và triển lãm kiến trúc vừa đóng vai trò là công trình điểm nhấn mang tính biểu tượng cho Lễ hội, vừa truyền đi thông điệp: Thiết kế sáng tạo - Đánh thức di sản công nghiệp, giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang "say ngủ" thành tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao.

Hà Nội: Sức hấp dẫn của những ý tưởng thiết kế sáng tạo- Ảnh 2.
Hà Nội: Sức hấp dẫn của những ý tưởng thiết kế sáng tạo- Ảnh 3.
Hà Nội: Sức hấp dẫn của những ý tưởng thiết kế sáng tạo- Ảnh 4.

Không gian sáng tạo tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm thu hút nhiều bạn trẻ, các gia đình và đông đảo người dân Thủ đô đến trải nghiệm. Ảnh: VGP/Nguyễn Nghĩa

Pavilion kiến trúc ngoài trời "Bến chờ" do kiến trúc sư Lê Quang Thạch - Công ty kiến trúc nội thất AVALO thiết kế, được đặt tại khu vực sân Cầu lăn chìm của nhà máy. Thiết kế được lấy cảm hứng từ ký ức của Nhà Ga đường sắt, nơi trung chuyển, nơi của chia xa, nơi của gặp lại, là nơi mang đến ký ức, những cuộc gặp gỡ, đoàn tụ…

Pavilion "Kiến trúc & Nghệ thuật tại Phân xưởng Nóng" do kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang - TOOB studio thực hiện, trưng bày những ghi chép về những hiện vật tồn tại trong phân xưởng, cũng như cung cấp chuỗi tư liệu hình ảnh của các cơ sở công nghiệp khác ở Việt Nam.

Tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm còn diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, phong phú khác. Trong đó, các hoạt động trình diễn nghệ thuật với chủ đề "Dòng chảy" kết hợp sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại; Hội chợ thủ công nghệ thuật là nơi quy tụ nhiều người trẻ đang theo đuổi các ngành nghề sáng tạo với những bản sắc riêng biệt của từng cá nhân… Kết quả là có hơn 60 hoạt động âm nhạc, thời trang, nghệ thuật sắp đặt, hội thảo, tọa đàm, hội chợ, vui chơi, trải nghiệm thiên nhiên được thực hiện bởi hơn hai trăm nghệ sĩ, kiến trúc sư, các tổ chức cộng đồng, các nhóm văn hóa, xã hội. Điều này không chỉ làm cho Lễ hội phong phú và đa dạng, mà còn tạo ra một cộng đồng sáng tạo, các kết nối làm nền tảng cho ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa, một công dân Hà Nội, đang sinh sống tại Đông Anh sau khi đưa cả gia đình đi chơi Hà Nội dịp cuối tuần này đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình: "Mấy đứa cháu cứ hỏi ra Hà Nội chơi gì? "Đi city tour với người ở Hà Nội lâu năm thì sao? Thì đây nhé, Hà Nội đang vét hết dĩ vãng ra để tạo màu cho cuộc sống. Sau khi Nhà Tù Hoả Lò ra mắt tour đêm thu hút rất nhiều du khách thì bốt Hàng Đậu thành điểm cho các Z gen vào check in, còn dọn cái xưởng đóng đầu máy toa xe cũ kỹ đi trải lụa treo hoa thành nơi đầy chất nghệ. Chưa hết. Để nâng tầm cafe đường tàu càng cấm càng hot thì Hà Nội điều ngay 1 đầu máy hết date hoen gỉ chạy lịch xịch giữa ga Hàng Cỏ và Ga gia Lâm. Quả là một sáng kiến khiến cả khách Tây lẫn khách ta vô cùng thích thú. 

Để tả một ngày ở Hà Nội có thể bắt đầu bằng cái nhà máy đầu tàu cũ kỹ bên Gia Lâm ngắm và chơi. Gần trưa làm bát mì vằn thắn Mỹ Hạnh cách đó mấy bước đi bộ xong lên tàu cổ đi xuyên qua cây cầu sắt cổ do Pháp Xây từ 1890 rồi nhảy xuống ga Long Biên. Ở đây có thể làm một ly cafe Hoả Xa ở góc view cực đỉnh ngắm trọn đường tàu trên cầu Long Biên vào nội thành. Bước vài bước là chui vào lô cốt Hàng Đậu. Ở đây cũng là một không gian nghệ thuật mới sắp đặt xong. Rồi đi làm một cốc nước bí đầu Quán Thánh xong lang thang dạo bộ ra bờ hồ Trúc Bạch. Kết thúc ngày bằng bữa phở cuốn Ngũ Xã là đẹp. Những thứ mới mẻ này như làn gió mới cho du lịch Hà Nội. Ít ra giờ mấy đứa cháu mình hỏi ra Hà Nội đi chơi ở đâu thì mình còn chỉ trỏ được chỗ ra hồn. Anh chị em có bạn bè quen biết muốn mò mẫm phố Hàng thì chơi thử xem còn ngày nay ngày mai nữa thôi".  Chia sẻ này của anh Nghĩa đã nhận được hưởng ứng của nhiều bạn bè và đều cho rằng rất ấn tượng với không gian sáng tạo này.

Còn anh Đức Tiệp ở quận Cầu Giấy chia sẻ: "Không gian triển lãm tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm rất độc đáo, đây là một ý tưởng hay, tác giả nào nghĩ ra đúng là sáng tạo. Từ cái nhà máy cũ nó như một cái gì đó mộc mạc, lạnh lẽo, nhuốm màu thời gian, người bước vào tự nhiên đã có cảm xúc. Các sản phẩm còn hạn chế nhưng để khỏa lấp được không gian lớn như thế cũng là 1 sự cố gắng lớn, chuẩn bị rất công phu".

Còn anh Mạnh Tùng ở phường Đức Giang, quận Long Biên cho rằng, "Việc tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm quả thực là một ý tưởng rất táo bạo. Người dân chúng tôi cũng khá bất ngờ khi nơi đây vốn dĩ đã cũ kỹ, hoang phế từ lâu, bất ngờ được làm sống dậy với nhiều hoạt động độc đáo. Các cháu trẻ con tuy không hiểu nhiều nhưng rất thích thú vì lần đầu được vào trong nhà máy nơi các đầu máy xe lửa được sửa chữa. Được ngắm nhìn và lang thang khắp các phân xưởng với các bạn".

Hà Nội: Sức hấp dẫn của những ý tưởng thiết kế sáng tạo- Ảnh 5.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham quan Không gian sáng tạo Nhà máy xe lửa Gia Lâm.Ảnh: VGP/Minh Anh

Nhiều nhà hoạt động nghệ thuật trong nước và quốc tế khi tham gia Lễ hội ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cũng đều bày tỏ sự bất ngờ, thích thú vì không gian của Lễ hội. Họ cho rằng, đây là một không gian tầm cỡ để tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn ảnh hưởng ở cấp khu vực và quốc tế. Các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo không chỉ giúp thúc đẩy du lịch, thương mại mà còn làm giàu đời sống tinh thần cho người dân thủ đô.

Từ thành công này, các nhà hoạt động nghệ thuật mong Hà Nội tiếp tục táo bạo thúc đẩy việc chuyển đổi Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành không gian văn hóa sáng tạo. Phát triển các hoạt động kết nối từ ga Hà Nội, ga Long Biên, qua bãi giữa sông Hồng tới Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sẽ là một dự án tuyệt vời về du lịch, thương mại, sinh thái, văn hóa, nghệ thuật, giao lưu quốc tế cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trước sức hút của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách trong thời gian vừa qua. Để đáp ứng nhu cầu tham quan và tham gia các hoạt động tại Lễ hội, ngày 25/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã quyết định điều chỉnh thời gian tổ chức Lễ hội, kéo dài thêm 2 ngày và kết thúc vào ngày 28/11.

Trong thời gian được điều chỉnh, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sẽ mở cửa từ 8 giờ 30 đến 21 giờ các ngày 25, 26/11 và từ 8 giờ 30 đến 18 giờ các ngày 27, 28/11; tại Tháp nước Hàng Đậu giữ nguyên lịch như trước. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục vận hành, bố trí lực lượng đón khách tham quan theo thời gian điều chỉnh đảm bảo an toàn.

Tính đến thời điểm này, sau 10 ngày tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 ước tính đã thu hút khoảng hơn 160.000 lượt khách và dự kiến khi kết thúc Lễ hội sẽ tăng lên khoảng 200.000 lượt khách. Trong đó, địa điểm chính tổ chức Lễ hội là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm vào các ngày cuối tuần, lượng khách tăng mạnh, đạt tới 3 vạn lượt khách mỗi ngày, còn các ngày trong tuần đạt từ 5 - 7 nghìn lượt khách. Tháp nước Hàng Đậu cũng thu hút 3 nghìn lượt khách mỗi ngày, tăng gấp 3 lần so với kế hoạch đón tiếp ban đầu.

Theo đại diện Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, đây là con số ấn tượng đối với một Lễ hội được tổ chức tại Hà Nội, dù địa điểm tổ chức không nằm ở trung tâm thành phố. Bên cạnh quy mô lớn, thời gian kéo dài, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 còn tạo dấu ấn tốt khi tổ chức tại một di sản công nghiệp, nhiều hoạt động sáng tạo độc đáo, phù hợp với xu thế hiện nay, đặc biệt đối với giới trẻ.

Lễ bế mạc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 sẽ diễn ra vào tối mai 28/11 với nhiều hoạt động đặc sắc, sáng tạo mang đậm dấu ấn văn hóa Hà Nội.

Minh Anh

Top