Hà Nội tăng cường quản lý, chuẩn hoá thuê bao theo quy định
(Chinhphu.vn) - Ngày 16/3, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, Sở vừa chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn Thành phố triển khai các giải pháp bảo đảm thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hóa có thông tin thuê bao đúng quy định.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan tới các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, các nhân viên trực tiếp thực hiện đăng ký, phát triển, chuẩn hóa thông tin thuê bao bảo đảm tất cả các thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hóa lại phải có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác, đảm bảo tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng đề nghị Viettel Hà Nội; VNPT Hà Nội; Trung tâm Kinh doanh VNPT Hà Nội; Công ty dịch vụ Mobifone khu vực I; Công ty Cổ phần viễn thông di động Vietnamobile thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) về việc đề nghị triển khai các giải pháp bảo đảm thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hóa có thông tin thuê bao đúng quy định (tại Công văn số 978/CVT-PTHT ngày 14/3/2023) và yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội về việc tăng cường quản lý thông tin thuê bao di động trên địa bàn thành phố Hà Nội (tại Công văn số 219/STTTT-BCVT ngày 03/2/2023).
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 677/SGDĐT-CNTT-KHCN ngày 14/3/2023 và thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra tình trạng các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông gọi điện và nhắn tin cho người thân, cha, mẹ học sinh thông báo con em trong gia đình bị tai nạn đang cấp cứu hoặc nằm viện, cần chuyển tiền ngay để mổ hoặc nhập viện điều trị nhằm chiếm đoạt tài sản và các nội dung lừa đảo khác qua điện thoại, tin nhắn.
Để tăng cường công tác quản lý chặt chẽ thông tin thuê bao điện thoại di động trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu các nhà mạng trong nước áp dụng biện pháp kỹ thuật chặn các cuộc gọi giả mạo mục đích lừa đảo (đã ngăn chặn hơn 74 triệu cuộc gọi giả mạo).
Mới đây, Cục Viễn thông cũng đã yêu cầu các nhà mạng gửi tin nhắn FlashSMS/USSD để cảnh báo khách hàng đang nhận cuộc gọi từ quốc tế...
Cùng với những biện pháp nêu trên, Cục Viễn thông và các nhà mạng cũng khuyến cáo người dùng tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân khi nhận được cuộc gọi giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng hoặc thông báo có quà từ bưu điện…
Người dùng cần tắt máy ngay và trình báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an); cảnh giác ở mức tối đa đối với các cuộc gọi đến từ số điện thoại lạ. Ngoài ra, với số điện thoại có đầu số nước ngoài (sẽ hiển thị dấu + hoặc 00 ở đầu và 2 số tiếp theo không phải là 84 mã nước Việt Nam) gọi nháy máy... thì không nên gọi lại, chỉ nên gọi lại khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.
Minh Anh