Hà Nội thành lập, đặt tên 20 thôn, tổ dân phố mới thuộc 6 quận, huyện

10/12/2024 6:42 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Nghị quyết vừa được HĐND TP. Hà Nội thông qua, Thành phố thành lập, đặt tên 20 thôn, tổ dân phố mới thuộc 6 quận, huyện trên địa bàn năm 2024.

Hà Nội thành lập, đặt tên 20 thôn, tổ dân phố mới thuộc 6 quận, huyện- Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 20 của HĐND TP. Hà Nội - Ảnh: VGP/Gia Huy

Cụ thể, quận Cầu Giấy thành lập 1 tổ dân phố mới; quận Long Biên thành lập 1 tổ dân phố mới; quận Nam Từ Liêm thành lập 8 tổ dân phố mới; huyện Chương Mỹ thành lập 3 thôn mới;

Huyện Phúc Thọ thành lập 5 thôn mới; huyện Thanh Oai thành lập 2 thôn mới. Nghị quyết cũng thông qua việc đổi tên 5 thôn thuộc huyện Phú Xuyên.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, Hà Nội hiện có 5.438 thôn, tổ dân phố (2.407 thôn, 3.031 tổ dân phố).

Các thôn, tổ dân phố sau khi được kiện toàn về cơ bản có quy mô hợp lý, phù hợp với đặc điểm của địa phương; hoạt động ổn định, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của chính quyền và hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư tại địa phương. Một số khu dân cư mới hình thành có nhu cầu thành lập mới; một số tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình quá lớn có nhu cầu chia tách; một số tổ dân phố có quy mô nhỏ có nhu cầu sắp xếp hợp lý.

Nghị quyết vừa được thông qua giao UBND, Chủ tịch UBND Thành phố căn cứ Nghị quyết này và các quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, quyết định thành lập và chỉ đạo kiện toàn, đảm bảo tổ chức, hoạt động các thôn, tổ dân phố mới theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của HĐND TP, quyết định thành lập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố và các nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố có hiệu quả theo quy định.

Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp thực hiện giải quyết thủ tục hành chính nhanh, kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân nơi có thôn, tổ dân phố mới được sáp nhập, đặt tên, đổi tên.

UBND các cấp căn cứ trên cơ sở phân cấp kinh tế - xã hội, phân cấp ngân sách và nguồn lực, quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, các trang thiết bị nhà văn hóa, phòng sinh hoạt cộng đồng dân cư của các thôn, tổ dân phố mới được thành lập, đặt tên đảm bảo hoạt động có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích.

Bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

Trong ngày 10/12, HĐND TP. Hà Nội cũng thông qua Nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội nêu rõ mục tiêu thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trong đó, 100% người được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thành viên Ban Thanh tra nhân dân, thành viên Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ soạn thảo hương ước, quy ước được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức có sử dụng lao động thực hiện tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực hiện nghiêm các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở; phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, thực hiện công khai, minh bạch các nội dung phải công khai theo quy định.

Đồng thời, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức có sử dụng lao động ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức có sử dụng lao động ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo quy định.

HĐND các cấp ban hành Nghị quyết quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức có sử dụng lao động hỗ trợ, tạo điều kiện để Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và phát huy hiệu quả hoạt động tại cơ sở.

Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức là một trong những căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Gia Huy

Top