Hà Nội tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy dự án nhà ở xã hội

21/12/2024 7:24 AM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội yêu cầu cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội...

Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội

UBND TP. Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 130/CĐ-TTg ngày 10/12/2024, căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn thành phố để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội…

Hà Nội tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy dự án nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Những tháng cuối năm 2024, thị trường Hà Nội liên tiếp đón tin vui từ các dự án nhà ở xã hội khởi công, được cấp phép xây dựng. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhà ở xã hội; thực hiện thủ tục hành chính giao đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng rút gọn, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch.

Tập trung triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội được giao trong năm 2024; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.

Chủ động bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng sạch để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội; tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm triển khai công khai minh bạch.

Đối với các dự án đã khởi công xây dựng, thường xuyên đôn đốc để sớm hoàn thành dự án, tổ chức nghiệm thu, sớm đưa vào sử dụng. Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng... để sớm nhất khởi công, xây dựng.

Đối với các quỹ đất nhà ở xã hội chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, khẩn trương lập quy hoạch; thẩm định báo cáo tiền khả thi; cập nhật dự án vào chương trình kế hoạch của địa phương... để hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án.

Dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phát triển nhà ở xã hội

UBND thành phố giao Sở Xây dựng Hà Nội khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ được giao tại mục 1 Văn bản số 2988/UBND-ĐT ngày 10/9/2024 của UBND thành phố, hoàn thành trong năm 2024.

Sở Tư pháp kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành khẩn trương hoàn thành việc tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố, UBND thành phố để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản theo tiến độ đã được UBND thành phố giao.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà lưu trú công nhân và nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân; thực hiện nghiêm quy định về việc dành quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.

Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120.000 tỉ đồng, công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND thành phố, Sở Xây dựng để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình và gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Xây dựng để theo dõi, tổng hợp.

Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở theo quy định.

Hà Nội liên tiếp đón tin vui từ các dự án nhà ở xã hội khởi công

Những tháng cuối năm 2024, thị trường Hà Nội liên tiếp đón tin vui từ các dự án nhà ở xã hội khởi công, được cấp phép xây dựng. Như vậy, nguồn cung nhà ở xã hội sắp tới tăng, giấc mơ sở hữu nhà của người thu nhập thấp, thu nhập trung bình có thể trở nên dễ dàng hơn. 

Điển hình, mới đây một số dự án nhà ở xã hội đã được khởi công ở Hà Nội như: Dự án khu nhà ở xã hội xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội; dự án nhà ở xã hội tại ô đất NO1 khu đô thị Hạ Đình; chung cư cao tầng CT1 thuộc dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh và đấu nối hạ tầng khu vực, quận Long Biên…

Được biết, trong danh mục kế hoạch các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị (đợt 3) của Kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 có 6 dự án nhà ở xã hội tại 4 quận, huyện gồm: các quận Ba Đình, Long Biên; các huyện Thanh Trì, Thạch Thất.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, năm 2024, cả nước đặt mục tiêu phát triển 130.000 căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, mức hoàn thành được mới là 21.000 căn nhà ở xã hội, tương ứng hơn 16% kế hoạch. Trong năm 2025, Bộ đề ra kế hoạch, nhiệm vụ hoàn thành số lượng căn hộ nhà ở xã hội ước tính trên 100.000 căn.

Trước diễn biến khởi sắc của nguồn cung nhà ở xã hội, ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch G6 nhận định, sắp tới quỹ căn nhà ở xã hội và nhà ở thương mại phải lên tới ít nhất hơn 300.000 căn. Điều này sẽ làm giảm nhiệt thị trường chung cư.

"Có khoảng hơn 200 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 14 dự án nhà ở xã hội tập trung ở Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Quốc Oai… với hơn 300.000 quỹ căn chung cư", ông Nguyễn Anh Quê cho hay.

Cũng theo Chủ tịch G6 Group, từ cuối năm 2025, quỹ căn hộ nhà ở xã hội Hà Nội bắt đầu xuất hiện, sẽ có khoảng 4.000 căn trải dài các quận với 10 dự án. Năm 2027 - 2029, quỹ căn nhà ở xã hội và nhà ở thương mại phải lên tới ít nhất hơn 300.000 căn. Điều này sẽ làm giảm nhiệt thị trường chung cư. Hiện tại chỉ có người mua chung cư để ở còn nhà đầu tư đã chuyển hướng.

Để giải quyết nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân, về phía cung, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) kiến nghị các giải pháp cần hướng đến việc tăng cường nguồn cung nhà ở giá rẻ, cải thiện hạ tầng vùng ven và xây dựng các chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả.

Về phía cầu, theo VARS, người dân có nhu cầu nhà ở tại khu vực đô thị, cần có kế hoạch tài chính rõ ràng, cần sẵn sàng mở rộng nhu cầu ra vùng ven, nơi có giá bất động sản thấp hơn. Người dân có thể tìm các căn hộ hoặc nhà trọ với chi phí hợp lý tại khu vực ngoại ô hoặc vùng ven đô thị, tiết kiệm khoản dư để chuẩn bị cho việc mua nhà. Để thực hiện được điều đó, người dân cần có một khoản tích lũy, ước tính khoảng 50% giá trị, có thể lựa chọn vay mua nhà khi tìm thấy sản phẩm phù hợp.

Thùy Chi

Top