Hà Nội thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử

27/05/2024 3:21 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử, bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính.

Hà Nội thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử- Ảnh 1.

Tra cứu dịch vụ công trực tuyến tại quận Bắc Từ Liêm - Ảnh: VGP

Tập trung Đề án 06 để VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai thành công Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); yêu cầu bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử từ ngày 01 tháng 7 năm 2024

Đối với nhiệm vụ này, theo UBND TP. Hà Nội, hiện nay, Thành phố đang tập trung triển khai Đề án 06 nhằm bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 .

Để triển khai Đề án 06, Hà Nội đã ban hành 17 văn bản chỉ đạo, triển khai việc thực hiện; TP. Hà Nội đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, xây dựng 28 mô hình điểm về chuyển đổi số.

Từ ngày 22/4/2024, Thành phố bắt đầu triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID.

Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID được thực hiện với thủ tục đơn giản, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ; đảm bảo tính công khai, minh bạch, tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp; tính chính xác, kịp thời và bảo mật thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính, đây là điều mà cả chính quyền và người dân đều hưởng ứng, ủng hộ.

Theo đó, khi thực hiện đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, công dân chỉ cần có Căn cước công dân định danh điện tử mức độ 2, không cần phải đến trụ sở cơ quan của Sở Tư pháp đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp.  

Qua thời gian ngắn từ 22/4/2024 đến ngày 06/5/2024, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 5.272 hồ sơ; trong đó có 2.097 hồ sơ tiếp nhận qua ứng dụng VNeID đạt 39,78%, có 3.175 hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công thành phố đạt 60,22%.

Để tiến tới sử dụng thống nhất ứng dụng VNeID trong giải quyết TTHC nói chung, trước mắt trong giai đoạn thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp của TP trên ứng dụng VNeID, UBND TP. Hà Nội thấy cần thiết phải triển khai sớm các biện pháp đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VNeID, trong đó bên cạnh việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, cần thiết sớm ban hành cơ chế hỗ trợ người dân khi thực hiện thủ tục cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VneID. 

Theo đó, tại kỳ họp chuyên đề HĐND TP. Hà Nội vào tháng 52024, HĐND đã thông qua Nghị quyết ban hành Quy định hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn TP Hà Nội.

Ngoài ra, nhằm ứng dụng, khai thác dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, Thành phố đang đề xuất Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ cho phép thực hiện sử dụng dữ liệu hộ tịch điện tử sau khi đã được đối soát, làm sạch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện thí điểm việc triển khai các thủ tục hành chính không phục thuộc địa giới hành chính trong lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Hà Nội cũng đẩy mạnh số hóa sổ hộ tịch, dữ liệu đất đai; đưa vào sử dụng các dữ liệu đất đai, dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, làm sạch với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm các thủ tục hành chính cho người dân. Triển khai giải pháp ứng dụng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, bảo đảm các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Chủ động cải cách TTHC, chuyển đổi số 

Về cải cách việc thực hiện TTHC, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng các Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tập trung công tác cải cách thủ tục hành chính, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính Thành phố nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp…

Về phía TP. Hà Nội, thời gian qua, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thành phố đã chủ trong công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa liên thông kịp thời theo quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã ban hành 76 văn bản liên quan đến kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, chuyển đổi số của thành phố; thành phố đã chủ động ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC khi thực hiện trong các lĩnh vực: Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và Thuế.

Tính riêng năm 2023, việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 29,8%, trong đó, ngoài việc rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính.

Hà Nội cũng nghiêm túc thực hiện việc công bố thủ tục hành chính và công khai thủ tục hành chính theo quy định; việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông cơ bản chặt chẽ, nền nếp, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. Việc giải quyết thủ tục hành chính được các cấp, các ngành quan tâm, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn, trước hạn của Thành phố đạt kết quả cao (đạt 99,74%);

Hà Nội đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công thành phố trên 300 dịch vụ công toàn trình, 1.500 dịch vụ công một phần. Việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của thành phố đạt tỷ lệ cao, chiếm 99,7%. Đã thực hiện cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử, tỷ lệ khai thác lại thông tin, dữ liệu số hóa: Gần 214.000 hồ sơ, cấp trên 46.500 chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố...

UBND Thành phố đã ban hành các quyết định phê duyệt trên 1.370 quy trình nội bộ giải quyết TTHC, trong đó: 26 quy trình nội bộ liên thông với Trung ương; 02 quy trình nội bộ liên thông giữa các cơ quan thuộc Thành phố; 166 quy trình nội bộ giải quyết TTHC cấp Thành phố; trên 830 quy trình nội bộ giải quyết TTHC cấp Sở; trên 270 quy trình nội bộ giải quyết TTHC cấp huyện và 72 quy trình nội bộ giải quyết TTHC cấp xã.

Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đã ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (mức thu bằng "không" áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến (Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023), dự kiến Ngân sách không thu khoảng 37 tỷ đồng/năm khi thực hiện và thời gian thực hiện đến hết 31-12-2025.

Gia Huy

Top