Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024

24/06/2024 11:04 AM

(Chinhphu.vn) - Với các giải pháp để duy trì đà tăng trưởng, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GRDP Hà Nội ước tăng 6,0%. Tuy nhiên, Chủ tịch TP. Hà Nội vừa yêu cầu tập trung khắc phục hạn chế, thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng để hoàn thành chỉ tiêu GRDP năm 2024 tăng từ 6,5% trở lên.

Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024- Ảnh 1.

Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng để hoàn thành chỉ tiêu GRDP năm 2024 - Ảnh: VGP/Gia Huy

Duy trì đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm

Năm 2004, Hà Nội tiếp tục thực hiện năm chủ đề "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển" và đề ra 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành thực hiện 24 chỉ tiêu, 85 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 94 nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm và tiến độ hoàn thành của từng sở, ban, ngành và địa phương.

Những nhiệm vụ này đặt ra với quyết tâm cao nhất để TP. Hà Nội hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2024.

Đến nay, qua 6 tháng đầu năm, Thành phố đã hoàn thành: 14 nhiệm vụ, đang triển khai thực hiện 73 nhiệm vụ, đã trình UBND Thành phố 2 nhiệm vụ, nhiệm vụ lùi thời gian thực hiện là 2 nhiệm vụ.

Đến thời điểm này, UBND TP. Hà Nội đã đưa ra đánh giá cho kết quả của 6 tháng năm 2024: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) duy trì tăng trưởng khá, mức tăng Quý II cao hơn Quý I, cao hơn cùng kỳ.

GRDP quý II/2024 ước tăng 6,44% (Quý I tăng 5,5%; Quý II/2023 tăng 5,98%). Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GRDP Hà Nội ước tăng 6,0% (cùng kỳ tăng 5,97%).

Cũng trong 6 tháng, Hà Nội tập trung xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, hoàn thành các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, vành đai… Thành phố đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá của Thành phố.

Cụ thể, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao); tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô ; dự kiến hoàn thành dự án Đường Âu Cơ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi - cầu Nhật Tân vào cuối tháng 6/2024.

Hiện các đơn vị được giao đã lập, trình thẩm định chủ trương đầu tư 4 dự án (cầu vượt tại nút giao đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông và QL6, hầm chui tại nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3, hầm chui tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt kéo dài với đường Phạm Văn Đồng và kết nối với phố Trần Vỹ, hầm chui tại nút giao đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3); đã phê duyệt Dự án đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến QL32…

Hà Nội cũng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 nhiệm vụ lớn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới: Quy hoạch lớn của Thủ đô là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 với những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển và xây dựng, hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi). Cả 3 nội dung quan trọng này được thảo luận, cho ý kiến và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đang diễn ra.

Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu GRDP năm 2024 tăng từ 6,5% trở lên

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, TP. Hà Nội nhận định còn nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp khi số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đều giảm so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể và chờ giải thể tiếp tục tăng và gấp 3,7 lần số doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, có gần 13.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 124.323 tỷ đồng (giảm 2% về số lượng doanh nghiệp, giảm 4% về vốn đăng ký); trên 1.700 doanh nghiệp giải thể (tăng 15%); trên 16.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 29%)… Có 5.448 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 19%). Luỹ kế, tổng số doanh nghiệp đăng ký đến nay là trên 389.600 doanh nghiệp.

Mặc dù môi trường đầu tư, kinh doanh được Thành phố quan tâm, chú trọng, tuy nhiên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chưa được cải thiện. Năm 2023, PCI giảm 08 bậc so với năm 2022; trong đó, một số chỉ số thành phần tiếp tục giảm sâu: "Cạnh tranh bình đẳng" giảm 10 bậc; "Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự" giảm 18 bậc; "Chi phí thời gian" giảm 32 bậc...

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ (5 tháng đầu năm 2023 đạt 24,8%). Công tác phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư còn chậm so với yêu cầu.

Chính vì vậy, Chủ tịch TP. Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung khắc phục hạn chế, thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế; hoàn thành chỉ tiêu GRDP năm 2024 tăng từ 6,5% trở lên.

Trong đó, mục tiêu dịch vụ tăng từ 6,7% trở lên; công nghiệp tăng từ 7,0% trở lên; xây dựng tăng từ 8,0% trở lên; nông nghiệp tăng từ 2,5% trở lên; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng từ 4,5% trở lên.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện cơ chế, chính sách

Chủ tịch TP. Hà Nội cũng yêu cầu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; xúc tiến đầu tư; hoàn thành chỉ tiêu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng từ 10,5% trở lên. Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước; hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ 5% trở lên. Tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; số doanh nghiệp thành lập mới tăng từ 5% trở lên.

Theo đó, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về công tác quy hoạch, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tín dụng; phát triển các ngành, lĩnh vực chủ chốt; hoàn thiện cơ chế chính sách… là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả chính sách của Trung ương về miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tiếp tục tổ chức các hội nghị, đối thoại định kỳ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện 2 quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định để hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 6/2024.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù tạo đột phá để tiếp tục phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội.

Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, cơ chế chính sách về tài chính về đất đai; các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất.

Ngoài ra, triển khai các chuyên đề thúc đẩy hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công năm 2024, 2025, xác định rõ yêu cầu, rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả. Tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách.

Hiện nay, Thành phố đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và kế hoạch trung hạn 2021-2025 Rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công bám sát thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm (Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế, di tích…).

Gia Huy


Top