Hà Nội tích cực gỡ khó cho doanh nghiệp

06/01/2017 5:20 PM

(Chinhphu.vn) – Trong năm 2017, ngành Công Thương Hà Nội sẽ thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp; phát triển công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, nhưng được sự lãnh đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND Thành phố, sự quyết tâm, đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố trong việc đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của tập thể lãnh đạo Sở, năm 2016 ngành Công Thương Hà Nội phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực Công Thương trên địa bàn, đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ, ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân Thủ đô.

Nhiều kết quả nổi bật

Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, trong năm qua, ngành Công Thương Hà Nội đã tập trung thực hiện công tác tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, thực hiện chương trình liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước về lĩnh vực Công Thương.

Nhờ đó, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2016 ổn định, giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Ước cả năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 519,5 nghìn tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 7,2% so với năm 2015; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,1% so với năm 2015; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trên địa bàn tăng 7% so với năm 2015 (thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch tăng 10,5% - 11%). Tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp có nhiều chuyển biến khả quan.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương đã triển khai có hiệu quả công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ổn định thị trường, giá cả trên địa bàn Thủ đô.

 “Tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn Thành phố trong năm 2016 ổn định, lượng hàng khá dồi dào, tình hình giá cả được kiểm soát tốt, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến”, ông Thăng nhấn mạnh.

Ước cả năm 2016, giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng 8,13%; tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn đạt 2.122 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2015, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 505 nghìn tỷ đồng, tăng 9 %.

Về thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn quốc gia tương ứng đạt 100% đối với cụm công nghiệp xây dựng mới, đạt 50% đối với các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Tính đến hết năm 2016, trên địa bàn có 20/38 cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn quốc gia tương ứng, chiếm tỷ lệ 52,6%, đạt chỉ tiêu HĐND Thành phố giao.

Cũng trong năm 2016, Sở Công Thương đã thực hiện phân hạng, phê duyệt nội qui hoạt động cho 18 siêu thị và 06 trung tâm thương mại. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thành phố có 119 siêu thị; 20 Trung tâm thương mại; hơn 700 cửa hàng tiện lợi và 454 chợ.

Ngoài ra, các lực lượng kiểm tra liên ngành Thành phố đã phối hợp tốt trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào công tác phòng chống dịch ở gia súc, gia cầm, kiểm tra việc kinh doanh hàng hoá đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phấn đấu xuất khẩu tăng 5%

Ông Lê Hồng Thăng cho biết, mục tiêu năm 2017 của Sở Công Thương Hà Nội đặt ra là giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,8 – 8,2% so với năm 2016; kim ngạch xuất khẩu tăng 4 - 5% so với thực hiện năm 2016; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 10 – 11% so với năm 2016.

Song song với đó, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tăng cường công tác tham mưu với UBND Thành phố nhằm phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn Thủ đô như tập trung rà soát các văn bản Quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngành, theo dõi sự tác động của các cơ chế chính sách, kịp thời đề xuất điều chỉnh để đảm bảo cơ chế chính sách phát huy được hiệu quả khi áp dụng vào thực tế.

Trong năm 2017, Sở Công Thương sẽ thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng; phát triển công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau sắp xếp, cổ phần hóa;...

Về Thương mại, sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, không để phụ thuộc vào một thị trường. Phát triển sản xuất gắn với việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước.

Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, không để phụ thuộc vào một thị trường, kiềm chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu...

Bích Phương

Top