Hà Nội: Tiên phong và phát triển, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới
(Chinhphu.vn) - Bước sang năm 2025, Thủ đô Hà Nội tiếp tục tiên phong, gương mẫu trong triển khai các nghị quyết của Trung ương, xây dựng thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, phát triển mạnh mẽ để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày cuối tháng 11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, với vai trò là Thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn tiên phong, gương mẫu trong triển khai các nghị quyết của Trung ương để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, lan tỏa đến từng người dân.
Không chỉ gương mẫu đi đầu trong việc đưa Nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống, Hà Nội còn đóng vai trò là cực tăng trưởng kinh tế của cả nước, là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước. Từ thực tiễn triển khai với tinh thần đổi mới, sáng tạo của Thủ đô Hà Nội, các địa phương sẽ thực hiện và nhân rộng trên cả nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao những kết quả TP. Hà Nội đã đạt được, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Nội phấn đấu hoàn thành cao nhất chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ
Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả, có trọng điểm, trọng tâm các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đoàn kết, quyết liệt, "Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển".
Các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở quyết liệt thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 10 chương trình công tác, 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 20 chỉ tiêu và 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, cụ thể hóa và đưa Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ Thành phố từng bước đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực.
GRDP 9 tháng năm 2024 của Hà Nội tăng 6,12%, dự kiến cả năm đạt khoảng 6,52%. Quy mô GRDP khoảng 58,6 tỷ USD.
Theo Chủ tịch TP. Hà Nội , thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên của Hà Nội vượt 500.000 tỷ đồng. Hà Nội phấn đấu hoàn thành cao nhất chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ.
Năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Thủ đô phục hồi ấn tượng. Các mặt hàng nông sản; may, dệt; điện tử máy tính, linh kiên, phương tiện vận tải và phụ tùng... đóng vai trò sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu. Cả năm kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 11% (vượt mục tiêu cả năm tăng 5%).
Hà Nội cũng tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên nguồn lực cho các dự án trọng điểm như đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, các dự án giao thông, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 03 lĩnh vực (y tế, di tích và giáo dục)...
Đặc biệt, Hà Nội tập trung nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng đủ 18 cầu vượt sông Hồng. Trong đó, đã đầu tư xây dựng 8 cầu và cải tạo cầu Long Biên; sẽ tiếp tục xây dựng mới 9 cầu. Hiện nay, đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thêm 3 cầu (Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc).
Thành phố đồng thời đang tập trung chỉ đạo để sớm quyết định chủ trương đầu tư đối với 3 cầu gồm: cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi.
UBND Thành phố đã tổ chức 6 Hội nghị Đối thoại tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đầu tư theo từng chuyên đề trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, doanh nghiệp hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp, hoạt động tại các làng nghề, về vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, hoạt động trong lĩnh vực nhà ở xã hội, bến bãi đỗ xe, môi trường.
Thành phố thiết lập và duy trì hệ thống thông tin theo phương thức trực tuyến (Zalo, website...) theo thời gian thực để tương tác, trao đổi và thu thập các phản ánh, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Năm 2024, Thành phố thu hút đầu tư khoảng trên 2.015 triệu USD, đạt kế hoạch của năm 2024.
Đẩy mạnh hoàn thiện thế chế, các chính sách phát triển Thủ đô
Năm 2024 cũng là năm Hà Nội tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, nhất là về đẩy mạnh công tác hoàn thiện thế chế và xây dựng nền quản trị hiện đại, hoàn thiện các chính sách phát triển Thủ đô.
UBND Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nội dung công việc quan trọng: Xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi); Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Thành phố đã báo cáo các Quy hoạch với Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến; đã hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để phê duyệt
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với những cơ chế vượt trội để phát triển Thủ đô. Từ đó, UBND Thành phố đã ban hành các Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, xác định tổng số văn bản cần ban hành là 114 văn bản (gồm 94 văn bản quy phạm pháp luật, 20 văn bản cá biệt).
Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng 3 nghị định cần ban hành trong năm 2024 quy định chi tiết về: Tổ chức, hoạt động của UBND phường của Thành phố Hà Nội; Về việc thực hiện liên kết giáo dục giữa cơ sở giáo dục công lập của Thành phố và cơ sở giáo dục nước ngoài; Về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hoá, thể thao…
Đến ngày nay, HĐND Thành phố đã thông qua nhiều Nghị quyết về triển khai thi hành Luật Thủ đô tại kỳ họp bất thường. Các nội dung khác tiếp tục được triển khai theo kế hoạch đề ra.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thành phố đã phê duyệt cập nhật Danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong các Kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố giai đoạn 2021-2025 (Đợt 3) (Quyết định số 4321/QĐ-UBND ngày 19/8/2024), gồm 36 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với 10 dự án đang triển khai dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 – 2025 và 26 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025; 85 các dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Thành phố đã thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị đến năm 2035, tạo lập khung pháp lý cho các hoạt động quy hoạch và định hình rõ các mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng sống và tối ưu hóa không gian đô thị.
Hà Nội hiện nay cũng đi đầu trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công với định hướng cải tiến toàn diện, giảm từ 673 bộ phận "một cửa" còn 30 chi nhánh và không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính; giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" (giảm từ 2.768 nhân sự còn 184 người).
Mô hình này giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng ngân sách nhà nước trong trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan.
Tiếp tục là đơn vị gương mẫu trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Đảng bộ TP. Hà Nội tiếp tục là đơn vị gương mẫu đi đầu trong việc đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố theo Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Trung ương; Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị.
Sau sắp xếp, đã giảm 2 đảng ủy khối, 1 cơ quan tương đương sở; 3 đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố, 8 chi cục và 62 đầu mối thuộc chi cục thuộc sở, 41 đầu mối cấp phòng; giảm 174 đơn vị sự nghiệp cấp 2; tinh giản biên chế giảm 1.820 công chức; 12.890 biên chế sự nghiệp. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở sau sắp xếp đã theo hướng đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt.
Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về xây dựng bộ máy hệ thống chính trị với tinh thần "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", ngày 22/11/2024, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 18 do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết và gương mẫu, đi đầu triển khai thực hiện các chủ trương về xây dựng hệ thống chính trị theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương…
Thành ủy Hà Nội cũng đã có Thông báo Kết luận số về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị Thành phố bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển.
Hà Nội quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy trong tháng 12/2024 và đầu tháng 1/2025 Thành phố phải hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Đưa Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện
Năm 2025 là năm Thủ đô Hà Nội có nhiều điều kiện để phát triển, cũng là năm Luật Thủ đô (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực thi hành, có nhiều quy định mới, mang tính đột phá.
Cụ thể, Hà Nội triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô (sửa đổi); chuẩn bị các cơ chế, chính sách phát triển tăng tốc, đột phá cho giai đoạn phát triển 2026-2030 và năm 2025 gắn với "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội".
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu GRDP năm 2025 tăng từ 6,5% trở lên; GRDP/người từ 172,4 triệu đồng trở lên; Vốn đầu tư thực hiện tăng từ 10,5% trở lên; Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5% trở lên; Kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo....
Quyết liệt tập trung cơ cấu lại nền kinh tế của Thủ đô gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; ưu tiên nguồn lực để thực hiện thành công các đột phá chiến lược, tháo gỡ những ách tắc, điểm nghẽn về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Hà Nội sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá quan trọng trong công tác xây dựng thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, phát triển mạnh mẽ hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, hệ thống đường sắt đô thị, hạ tầng số; chăm lo an sinh, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố; tạo dựng môi trường hòa bình, thân thiện, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của Thủ đô, có đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của đất nước; quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra; lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp và Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 -2030.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhận thức và hành động về "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam"; nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tiềm năng đặc thù, lợi thế vượt trội của Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới; tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của một đất nước đang bước vào Kỷ nguyên mới.
Gia Huy