Hà Nội tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

15/04/2024 3:59 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội đang tiếp tục tổ chức các cuộc họp, hội thảo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về các cơ chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực như: Quy định của Luật Thủ đô cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài…

Hà Nội tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)- Ảnh 1.

Hà Nội tiếp tục làm rõ các nội dung cần quy định cụ thể trong các văn bản thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh: VGP/Gia Huy

Theo đó, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật theo ý kiến của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 31 ngày 14/03/2024 và ý kiến của Đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Hội nghị lần thứ 5 ngày 26/03/2024.

Qua đó, tiếp tục làm rõ các nội dung cần quy định cụ thể trong các văn bản thi hành Luật Thủ đô; tiếp tục làm rõ các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; xây dựng lại nhà chung cư; các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô về tài chính đất đai đối với không gian ngầm, thu lại giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, làm rõ hơn nữa quy định của Luật Thủ đô về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài. Các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô; Đường sắt đô thị trong hệ thống giao; thông thông minh và giảm ùn tắc giao thông, tiến tới loại bỏ xe máy của thành phố Hà Nội

Đề xuất chính sách linh hoạt trong cải tạo, xây dựng chung cư cũ

Theo UBND TP Hà Nội, việc đề xuất chính sách linh hoạt trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để thành phố chủ động tạo lập quỹ nhà tái định cư phục vụ công tác GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn với nhu cầu tái định cư ngày càng lớn do phát triển các công trình hạ tầng khung (giao thông, môi trường, xử lý nước thải…) và nâng cấp đô thị từ huyện lên quận. Đồng thời khi thực hiện biện pháp tạo lập quỹ nhà tái định cư theo chính sách này sẽ giảm đáng kể gánh nặng cho ngân sách thành phố trong việc đầu tư phát triển mới các dự án nhà tái định cư.

Báo cáo tại cuộc họp mới đây do Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn chủ trì cho thấy, tái thiết đô thị tại khoản 6 Điều 20 trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được đề xuất chỉnh lý thành "trường hợp không lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở thì UBND TP. Hà Nội có thẩm quyền tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất sau khi thống nhất nội dung dự án với các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất và được từ 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất trong phạm vi ranh giới dự án trở lên đồng thuận. Số tiền thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất được phân bổ trên cơ sở diện tích nhà ở, đất ở hợp pháp cho từng chủ sở hữu nhà ở, người sử dụng đất theo phương án bồi thường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt".

Nội dung trên đã bổ sung thêm biện pháp so với quy định của Luật Nhà ở (hiện nay Luật Nhà ở 2023 không quy định trường hợp sau khi nhà nước tổ chức đấu thầu mà không thành công nếu các chủ sở hữu nhà chung cư, người sử dụng đất không lựa chọn chủ đầu tư). Việc quy định phải được "tất cả các chủ sở hữu nhà chung cư, người sử dụng đất trong phạm vi ranh giới dự án đồng thuận" để đảm bảo tính khả thi của việc "đấu giá" đất trong phạm vi dự án.

Về quản lý, sử dụng không gian ngầm, Hà Nội tiếp thu, chỉnh lý và bổ sung các nội dung phù hợp với quy định tại Luật Phòng thủ dân sự và Luật Quốc phòng theo hướng khuyến khích nghiên cứu xây dựng công trình ngầm đáp ứng yêu cầu tham gia phòng thủ dân sự và mục đích quốc phòng.

Hà Nội quan điểm thống nhất quản lý toàn bộ không gian xây dựng ngầm theo phân cấp, theo phân lớp độ sâu theo quy định của Chính phủ về phân lớp độ sâu không gian ngầm để quản lý, quy định độ sâu cho phép khai thác sử dụng và độ sâu cần được cấp phép sử dụng.

Tăng phân cấp, phân quyền, hiệu quả hoạt động của HĐND

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến nhận xét, Chương II "Tổ chức chính quyền đô thị" là chương mới trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và trong chương này, các quy định rất đầy đủ, chi tiết, có thể phân cấp, phân quyền cho Hà Nội cũng như các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25% - đây được coi là giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND.

Đây là điểm mới trong dự thảo, đó là tăng số lượng đại biểu HĐND và tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND; xác định rõ là chính quyền địa phương ở cấp huyện thì thực hiện theo các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thêm một điểm mới, đó là bổ sung thêm phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị của quận, của thị xã và trực thuộc TP. Hà Nội cũng như chính quyền địa phương của các phường và thị trấn.

Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, với những quy định cụ thể trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chắc chắn sau khi Luật có hiệu lực thi hành, chính quyền các quận, huyện và chính quyền trực thuộc TP. Hà Nội cũng như các xã, phường, thị trấn sẽ được tăng thêm các thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở tư pháp ông Nguyễn Công Anh, Luật Thủ đô (sửa đổi) đặc biệt đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển theo định hướng giao thông công cộng; các quy định về thử nghiệm có kiểm soát, thí điểm các mô hình mới.

Hiện nay, dự thảo Luật đang tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan để hoàn thiện, xin ý kiến Chính phủ và gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Qua những lần xin ý kiến, cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội đánh giá cao và tán thành nhiều nội dung của dự thảo, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Để thực hiện việc nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Thủ đô sửa đổi, UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho lãnh đạo UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành Thành phố thực hiện viêc rà soát, tiếp thu, giải trình, đề xuất việc chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và hoàn thiện các hồ sơ theo quy định.

Gia Huy

Top