Hà Nội tự hào là Thành phố vì hòa bình, ngàn năm văn hiến
(Chinhphu.vn) - "Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" đã tái hiện hình ảnh Thủ đô trong thời kỳ kháng chiến, các làng nghề truyền thống, các loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc... đã lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ.
Có mặt từ rất sớm để tham gia vẫy cờ chào đón các đoàn đến dự Ngày hội Văn hóa vì hòa bình, cô Nguyễn Thị Ngọc Mai- cán bộ dân số của phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Thủ đô Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, cùng với cả nước, bước qua từng giai đoạn khó khăn, thử thách, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, kiên cường để chiến đấu và chiến thắng làm nên thắng lợi vẻ vang cho dân tộc. Đến ngày hôm nay, Hà Nội đã được công nhận là Thành phố vì hòa bình và chúng ta đang được sống trong hòa bình, phát triển, cùng nhau đứng dưới lá cờ Tổ quốc và tham dự một sự kiện vô cùng ý nghĩa tại bờ Hồ lịch sử. Đây chính là niềm tự hào to lớn không chỉ của nhân dân Thủ đô mà còn là niềm vui của cả đất nước mừng 70 năm giải phóng Thủ đô - trái tim của cả nước".
Cô Nguyễn Thị Ngọc Mai chia sẻ thêm: "Là một thành viên nhỏ bé tham gia chào đón các đoàn đến tham dự, dưới nắng vàng bình yên của tiết trời mùa thu, trên tay vinh dự được cầm lá cờ Tổ quốc chứng kiến từng đoàn người diễu hành trên phố, trong lòng tôi vô cùng xúc động, tự hào. Bởi để có được những giây phút này, những hình ảnh này…, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của cha ông. Vì vậy, chúng tôi - những người dân Thủ đô - nguyện sẽ luôn giữ gìn, làm tròn trách nhiệm của công dân Thủ đô gương mẫu, góp một phần nhỏ bé của mình để phát huy những giá trị lịch sử mà cha ông để lại".
Cùng niềm hân hoan với người dân tham dự sự kiện hôm nay, em Nguyễn Minh Thiện, sinh viên năm thứ 3 của Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, cho biết đây lần đầu tiên em tham dự với tâm trạng vô cùng háo hức khi dự một chương trình kỷ niệm rất ý nghĩa thế này. Em cảm thấy rất tự hào vì Thủ đô có nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử mà không phải tất cả các Thủ đô trên thế giới đều có được.
"Em cùng các bạn trong trường đến dự chương trình từ sáng sớm và thấy sự kiện được tổ chức rất ấn tượng. Những hình ảnh được tái diễn, miêu tả về các môn nghệ thuật dân gian như đấu vật, hát chèo, hát xẩm…, hay các làng nghề của Thủ đô với nhiều nét đặc trưng, đặc sắc đã khiến Ngày hội mang đậm tính văn hóa, văn hiến. Là một thế hệ trẻ, được sinh ra khi đất nước đã hòa bình, độc lập, trong lòng em luôn luôn biết ơn những hi sinh to lớn mà các anh hùng dân tộc đã ngã xuống để cho chúng em được sống trong ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay"- em Thiện bày tỏ.
Xúc động bày tỏ niềm vui tại Ngày hội Văn hóa vì hòa bình với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, bác Hoàng Xuân Tùng, cựu chiến binh của Hà Nội (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) nói: "Là người dân sinh sống tại Hà Nội, được hòa mình vào không khí kỷ niệm lớn của Thủ đô, tôi thật sự rất tự hào. Tự hào và vinh dự hơn khi tôi được sinh ra đúng vào năm 1954. Năm nay tôi tròn 70 tuổi đúng bằng tuổi kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1054-10/10/2024). Không khí phấn khởi trong Ngày hội hôm nay lại càng khiến tôi thêm tự hào là khi được là người con của Thủ đô".
Bác Tùng cho biết, Ngày hội thực sự là một chương trình nghệ thuật hùng tráng, sinh động, giàu cảm xúc. Những ca khúc đã in đậm sâu trong trái tim hàng triệu người dân đã được vang lên như: Truyền thuyết Hồ Gươm, Người Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng… Âm điệu và ca từ của các ca khúc như dòng chảy thời gian thấm đượm tình yêu, niềm tự hào về Thủ đô và đất nước. Những người dân Hà Nội hết sức tự hào khi được chứng kiến các mốc son lịch sử suốt chiều dài của Thủ đô.
"Tôi mong muốn mỗi người dân sinh sống ở Hà Nội sẽ luôn nỗ lực hết mình vì một Thủ đô ngày càng phát triển. Trong lòng tôi, Hà Nội luôn là một thành phố tươi đẹp và bình yên nhất, hoàn toàn xứng với danh hiệu "thành phố vì hòa bình" đã được trao tặng", bác Hoàng Xuân Tùng nói.
Cùng chung cảm xúc, em Nguyễn Công Phách (sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường) có mặt từ 4h30 sáng hôm nay để cùng các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ sự kiện. Em Phách chia sẻ, chương trình hôm nay rất ý nghĩa nhằm gợi nhớ lại cách đây 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, sự thống nhất giữa quân và dân để cùng kháng chiến dành độc lập miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng. Chương trình mang ý nghĩa sâu sắc, tôn vinh giá trị lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, tái hiện những thời khắc lịch sử của Hà Nội thông qua các tiết mục nghệ thuật đặc sắc.
"Cá nhân em là một tình nguyện viên em thấy vinh dự và tự hào khi được tham gia, đóng góp chút công sức nhỏ bé vào chương trình, để chương trình diễn ra thành công tốt đẹp. Là thế hệ trẻ, em sẽ luôn cố gắng học tập và hoàn thiện mình mỗi ngày để hiện thực hóa những ước mơ, góp sức trẻ xây dựng đất nước"- em Phách chia sẻ.
Dưới đây là một số hình ảnh tại chương trình Ngày hội Văn hóa vì hòa bình:
Thiện Tâm - Kim Liên (thực hiện)