Vẫn nguyên ký ức ngày về

03/10/2024 6:34 PM

(Chinhphu.vn) - Đã 7 thập kỷ trôi qua nhưng thành quả của ngày vui “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”…còn đọng mãi và vẫn còn nguyên giá trị trong tâm trí nhiều cựu chiến binh. Những chiến sĩ năm xưa thuộc Đại đoàn quân tiên phong vào tiếp quản Thủ đô đến nay đều đã cao tuổi, tóc bạc trắng.

Vẫn nguyên ký ức ngày về- Ảnh 1.

Cựu chiến binh Lê Nguyên Diệu. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Tại buổi gặp mặt, tri ân đại biểu cựu chiến binh, cựu Công an nhân dân, cựu Thanh niên xung phong và gia đình chính sách người có công trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô trong kháng chiến chống Pháp nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, diễn ra sáng nay (3/10), nhiều đại biểu cựu chiến binh, cựu công an nhân dân đã bồi hồi, xúc động, sống lại kể lại hồi ức ngày 10/10/1954.

Năm nay đã bước sang tuổi 91, nhưng ông Lê Nguyên Diệu (hiện ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) vẫn rất minh mẫn, đặc biệt khi được hỏi về những ngày tháng lịch sử của Thủ đô, cựu chiến binh vẫn vẹn nguyên ký ức ngày về.

Chia sẻ về ký ức những ngày cùng đồng đội về tiếp quản Thủ đô 70 năm về trước cũng theo dòng nhạc dội về theo ca khúc Tiến về Hà Nội. Ông Diệu kể: "Lúc đó tôi đang theo học tại trường Công an Trung ương thì Hiệp định Genève được ký kết. Tất cả sinh viên trong trường dừng việc học, chia nhau đi nhận công tác. Tôi được phân công về Cục Cảnh vệ, sau đó cùng đoàn Công an Hà Nội về tiếp quản Thủ đô. Lúc đó tôi mới 21 tuổi".

Ông Diệu kể, cánh quân của ông được lệnh tiếp quản Hà Nội theo hướng từ Hà Đông đi vào Hà Nội. Khi về phía Hà Nội, hiện ra trước mặt là Hà Nội một rừng cờ hoa, biểu ngữ khẩu hiệu, các kiểu chữ rất cầu kỳ, nhiều nhất là "Hồ Chí Minh muôn năm". Nhân dân đông đảo đứng hai bên đường vẫy cờ hoa đón chào hàng quân chỉnh tề diễu qua, những ánh mắt ướt lệ, những cánh tay chơi vơi, giơ ra như muốn ôm chặt lấy người thân xa lâu ngày gặp lại... Lúc đó, chúng tôi rất xúc động, mắt nhòa lệ…", ông Diệu xúc động nhớ lại.

Vẫn nguyên ký ức ngày về- Ảnh 2.

Cựu chiến binh Trần Quốc Hanh (nguyên cán bộ tuyên giáo Trung đoàn 57, Đại đoàn 304). Ảnh: VGP/Thùy Linh

Trong ký ức của cựu chiến binh Trần Quốc Hanh (nguyên cán bộ tuyên giáo Trung đoàn 57, Đại đoàn 304), ngày về tiếp quản Thủ đô, đoàn của ông theo hướng từ Hà Đông qua Ngã Tư Sở vào sân bay Bạch Mai, sau đó triển khai nhiều cánh đi tiếp quản từ chỗ Nhật Tân về Vĩnh Tuy (cả vành đai phía ngoài của Pháp).

"Chúng tôi đi vào trước một ngày đó là ngày 9/10. Tiếp quản bằng cách đến gặp trực tiếp sĩ quan Pháp, vào từng vị trí đồn, pốt bàn giao từng vọng gác, từng căn cứ cơ sở ở đó. Khi đó Pháp có âm mưu cho chúng ta vào tiếp quản Thành phố "chết", người dân vắng vẻ, không có chợ, không buôn bán, không có phương tiện công cộng… Nhưng khi vào tiếp quản Thủ đô, người dân từ người già, người trẻ reo hò, chào đón…, chúng tôi rất xúc động", ông Trần Quốc Hanh bày tỏ.

Cùng chung niềm bồi hồi, xúc động, xen lẫn niềm hạnh phúc, tự hào khi 70 năm trôi qua, kể từ ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, đến nay Hà Nội đã khoác lên mình một diện mạo mới.

Cựu Công an nhân dân Nguyễn Hồng Minh bồi hồi kể lại: "Trong khi đang đi học, chúng tôi được nhận lệnh về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, trực tiếp tại cửa ô quận Cầu Giấy. Chúng tôi đi đến đâu thì quân Pháp rút đến đấy, trong lúc đó thì cờ đỏ sao vàng tung ra, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi trước sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình của nhân dân Thủ đô, nhân dân vui mừng vì Thủ đô được giải phóng".

Tuy nhiên, ông Minh cũng có chút lo lắng vì những người cán bộ công an chuyên sống ở nông thôn về tiếp quản ở Hà Nội rộng lớn. Song ông tin tưởng rằng với những kiến thức ở trường học, đoàn quân của ông sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách. Cuối cùng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh, phát động quần chúng giữ gìn tài sản, xây dựng các lực lượng nói chung, trong đó có lực lượng công an nhân dân nói riêng càng ngày càng vững mạnh hơn.

Vẫn nguyên ký ức ngày về- Ảnh 3.

Cựu Công an nhân dân Nguyễn Hồng Minh kể lại ký ức về ngày tiếp quản Thủ đô. Ảnh: VGP/Thùy Linh

"Ngoài việc tiếp quản Thủ đô, chúng tôi còn làm nhiệm vụ chống đồng bào di cư vào Nam bởi Cầu Giấy là một cửa ngõ ở phía Sơn Tây. Người dân Sơn Tây bị quân địch tuyên truyền là "Chúa bay vào Nam nên phải đi vào Nam", nghe vậy đồng bào thiên chúa giáo ở đây ngày đêm lần lượt di chuyển vào Nam. Để ngăn chặn việc nay, chúng tôi phải thường xuyên vận động, giải thích cho người dân hiểu được âm mưu của địch. Mặc dù công việc rất nhiều nhưng chúng tôi cố găng cùng đoàn kết, nhất trí, làm tốt nhiệm vụ mà Đảng, Chính quyền Thủ đô giao trong lúc tiếp quản" ông Nguyễn Hồng Minh nói.

Trung úy Nguyễn Quang Tròn, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 79, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308, bồi hồi nhớ lại: "Sáng ngày 10, chúng tôi chào cờ tại vườn hoa Ba Đình lịch sử. Đến 15h chiều, tất cả mọi người tập chung tại sân cột cờ để chào cờ. Ngày giải phóng Thủ đô thì tinh thần là được đơn vị tập trung và ăn mặc chỉnh tề.

"Lúc bấy giờ không có quân hàm, chỉ đeo sao. Tối ngày 9/10, Nhân dân hoan hô, vẫy đón nhưng chỉ ở trong nhà không được ra đường, tức là ở trên gác, chỉ ở trên vẫy cờ để chào bộ đội thôi", Trung úy Nguyễn Quang Tròn kể.

Đến ngày 10/10, tất cả nhân dân tràn ra đường, cờ quạt hân hoan và vẫy chào bộ đội về giải phóng Thủ đô. Hôm đó, Nhân dân, bộ đội hân hoan đón chào ngày giải phóng rất xúc động.

Trải qua 70 năm, sự đổi thay của Hà Nội ngày nay hết sức to lớn. Sau 70 năm, Thủ đô đã khoác lên mình một diện mạo mới, một bộ mặt mới trên tất cả các lĩnh vực, trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục lớn nhất của cả nước. Sự thay đổi đó đã mang lại niềm tự hào, hạnh phúc rất lớn đối với những người cựu chiến binh xưa.

Thùy Linh

Top