Hà Nội ứng dụng mô hình thông tin công trình tháo gỡ vướng mắc trong quản lý xây dựng

27/06/2024 1:19 PM

(Chinhphu.vn) - Mô hình thông tin công trình (BIM) đang trở thành xu hướng mới và gần như là tiêu chuẩn bắt buộc trong ngành Xây dựng trên toàn thế giới. Vì vậy, Hà Nội đang chú trọng ứng dụng mô hình BIM tiêu chuẩn tháo gỡ hàng loạt vướng mắc cho các đơn vị quản lý, chủ đầu tư trong lĩnh vực xây dựng.

Tháo gỡ hàng loạt vướng mắc cho các đơn vị quản lý, chủ đầu tư

Theo lộ trình áp dụng mô hình BIM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đang bước vào giai đoạn đầu tiên với trọng tâm là đào tạo, tập huấn nhằm tháo gỡ hàng loạt vướng mắc cho các đơn vị quản lý, chủ đầu tư. Qua đó giúp các bên liên quan chủ động ứng dụng BIM vào quá trình triển khai thực hiện các dự án.

Hà Nội ứng dụng mô hình thông tin công trình tháo gỡ vướng mắc trong quản lý xây dựng- Ảnh 1.

Mô hình thông tin công trình (BIM) đang trở thành xu hướng mới và gần như là tiêu chuẩn bắt buộc trong ngành Xây dựng trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: VGP/Thùy Chi

Mô hình BIM sử dụng các công nghệ để số hóa thông tin của công trình, thể hiện qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công và quản lý vận hành.

Ở Việt Nam, mô hình này đã được triển khai thực hiện, lộ trình áp dụng trong hoạt động xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17-3-2023 với những yêu cầu đặt ra là bắt buộc.

Theo đó, từ năm 2023, với các công trình cấp I, cấp đặc biệt và từ năm 2025, với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án bắt buộc áp dụng BIM.

Tệp tin BIM là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công trình. Chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp tệp tin này cùng với loại hồ sơ khác theo quy định khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng và nghiệm thu.

Trên thực tế, với ngành xây dựng, quy trình "BIM - Building Information Modeling" không phải là quá xa bởi đây là một quy trình tiên tiến được ứng dụng nhiều trong ngành. Mô hình BIM này cao cấp hơn nhiều so với các bản vẽ 2D, 3D đơn thuần, chúng được tạo thành bởi các mô hình thông minh kèm theo rất nhiều thông tin cần thiết.

Được biết, hiện tại Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng về ban hành định mức xây dựng. Trong đó, bổ sung các chi phí áp dụng BIM khi lâp các báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật… với chi phí không vượt quá 15 – 20% chi phí thiết kế bản vẽ thi công của công trình.

Hà Nội áp dụng mô hình với 8 dự án xây dựng

Ông Đỗ Chí Hưng, Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, thành phố đã chấp thuận áp dụng mô hình thông tin công trình đối với 8 dự án, trong đó có 4 dự án cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các bệnh viện như Đa khoa Đống Đa, Y học cổ truyền, Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Thận cơ sở 2; nâng cấp Trung tâm Pháp y Hà Nội; xây dựng Cung Văn hóa thể thao thanh niên, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong và đầu tư xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 và Đại Lộ Thăng Long.

Ngoài ra, theo kế hoạch được UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 2029/QĐ-UBND (ngày 17-4-2024), giai đoạn 2024-2025, Hà Nội thực hiện đào tạo nâng cao khả năng áp dụng mô hình thông tin công trình cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động xây dựng.

Dự kiến trong Quý III-2024, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tổ chức 2 lớp đào tạo các kiến thức cơ bản về mô hình thông tin công trình giúp các cán bộ ngành Xây dựng nhận biết những thuật ngữ cơ bản, phương pháp xem, các nội dung cần xem, lưu giữ các tệp dữ liệu BIM...

Khái quát thực trạng áp dụng BIM trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, ông Đỗ Chí Hưng nêu một số vướng mắc do thiếu kiến thức chuyên môn. Một số trường đại học bắt đầu đào tạo về mô hình này nhưng chưa chuyên sâu, các hướng dẫn, tiêu chuẩn chưa hoàn thiện, đầy đủ; thiếu phần mềm cốt lõi nền tảng để tất cả các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý cùng tương tác.

Ngoài ra, khó khăn cũng đến từ yếu tố phát sinh chi phí, tâm lý ngại thay đổi của các đơn vị quản lý, chủ đầu tư.

Sau quá trình tập huấn tại một số quận, huyện như Đông Anh, Mê Linh, Long Biên, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín, Mỹ Đức, TS. Nguyễn Văn Chính, Giảng viên chính Khoa Công trình (Đại học Giao thông Vận tải) chia sẻ, các đơn vị đều thống nhất cao đây là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện.

Một số chủ đầu tư đã đề xuất bổ sung chi phí áp dụng BIM nhằm vừa áp dụng kiến thức, vừa đào tạo nhân rộng trên chính dự án. Cụ thể, quận Long Biên đã bổ sung việc áp dụng mô hình với 2 dự án đang triển khai, coi đây là bước tập dượt hướng đến năm 2025, quận sẽ không còn gặp khó khăn, vướng mắc khi áp dụng đại trà.

TS. Nguyễn Văn Chính cho biết, thống kê từ Mạng đấu thầu quốc gia về tổng số gói thầu sử dụng vốn đầu tư công áp dụng BIM từ tháng 5-2023 đến tháng 5-2024 trên phạm vi toàn quốc là 26 dự án, trong đó Hà Nội dẫn đầu với 6 dự án tiêu biểu, gồm 4 dự án thuộc các ban quản lý dự án của thành phố và 2 dự án xây dựng các tuyến đường của huyện Thạch Thất, thị xã Sơn Tây.

BIM - nhân tố then chốt của cuộc Cách mạng 4.0 ngành Xây dựng

Ông Jakub Wachocki, chuyên gia lĩnh vực xây dựng đến từ Singapore cho biết, mô hình BIM đã xuất hiện từ những năm 2000 và phổ biến hơn vào năm 2014. Hiện nay, khoa học – công nghệ phát triển rất nhanh và công nghệ hiện tại chắc chắn sẽ khác so với công nghệ trong 2 - 4 năm tới vì đường cong sự sáng tạo gia tăng theo cấp số nhân. Vì vậy, chúng ta hãy nghĩ làm thế nào để bắt đầu sử dụng các công nghệ mới để phục vụ cho hoạt động ngành Xây dựng và tốc độ đô thị hóa.

Từ thực tiễn phối hợp triển khai thành công nhiều dự án ứng dụng BIM tại Hà Nội, TPHCM và Bình Dương, ông Lương Thành Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ và Tư vấn CIC (tiền thân là Trung tâm Tin học của Bộ Xây dựng) khẳng định, trong điều kiện hệ thống cơ sở pháp lý đã tương đối đầy đủ, cơ chế thực hiện rõ ràng, các đơn vị, sở, ngành, ban quản lý, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn trên địa bàn Hà Nội cần sớm triển khai để các bên liên quan không e dè trước BIM ...

Để thực hiện hiệu quả mô hình BIM, TS. Nguyễn Văn Chính kiến nghị, Sở Xây dựng Hà Nội cần tham mưu thành phố tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách, bổ sung hướng dẫn, tiêu chuẩn liên quan đến áp dụng BIM; khuyến khích các đơn vị quản lý, chủ đầu tư ứng dụng các công nghệ số, chấp thuận chi phí phát sinh.

TS. Nguyễn Văn Chính cho rằng, với vai trò được giao, Sở Xây dựng Hà Nội đồng thời tăng cường công tác đào tạo nhân lực; sửa đổi các quy định cho phép các chủ thể được đầu tư, áp dụng trang thiết bị, phần mềm phù hợp và tạo môi trường dữ liệu chung.

Ngoài ra, một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cũng nhận định, hiện nay vẫn còn đang tồn tại một số vấn đề trong ứng dụng BIM như: Thiếu chuyên môn về BIM; các hướng dẫn, tiêu chuẩn chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ; thiếu phần mềm cốt lõi trong nước; phát sinh chi phí; tâm lý ngại thay đổi…

Để giải quyết những vướng mắc, trong thời gian tới, cần thúc đẩy công tác đào tạo, trước mắt thực hiện đào tạo theo Quyết định 2029/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội. Tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách; hoàn thiện, bổ sung hướng dẫn, tiêu chuẩn liên quan đến áp dụng BIM. Khuyến khích ứng dụng các công nghệ số, chấp thuận các chi phí phát sinh và tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về áp dụng BIM.

Thùy Chi

Top