Hà Nội ủy quyền một số nhiệm vụ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ
(Chinhphu.vn) - Nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư trên địa bàn Thủ đô, từ nay đến 12/11/2026, UBND TP. Hà Nội uỷ quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố cho UBND quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư cải tạo, xây dựng lại).
Phân cấp cho các quận, huyện trong cải tạo nhà chung cư cũ
Theo Quyết định số 5899/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội uỷ quyền cho các địa phương tổ chức lập, phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư theo quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023 (khoản 2, Điều 70; khoản 2, Điều 71) và Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 của Chính phủ (khoản 4, Điều 16; khoản 8, Điều 17 và khoản 9, Điều 18).
Đồng thời, các địa phương được quyền ban hành quyết định di dời khẩn cấp và tổ chức di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc trường hợp di dời đến chỗ ở tạm thời theo Luật Nhà ở năm 2023 (khoản 1, Điều 73).
Ban hành quyết định di dời theo phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt theo Luật Nhà ở năm 2023 (khoản 2, Điều 73); ban hành quyết định cưỡng chế di dời đối với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư không thực hiện di dời theo Luật Nhà ở năm 2023 (khoản 1, Điều 74).
Cũng theo uỷ quyền của thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức xác định hệ số K áp dụng cho từng vị trí, khu vực có nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại trên địa bàn quản lý theo Luật Nhà ở năm 2023 (điểm đ, khoản 1, Điều 71), Nghị định số 98/2024/NĐ-CP năm 2024 của Chính phủ (khoản 1, Điều 28).
Tổ chức lập, phê duyệt Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cho từng dự án thuộc địa bàn quản lý theo khoản 1, Điều 65; Điều 66 của Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định số 98/2024/NĐ-CP năm 2024 của Chính phủ (khoản 1, Điều 5; Điều 7; Điều 8).
Theo chỉ đạo của thành phố, UBND quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư cải tạo, xây dựng lại) có trách nhiệm triển khai thực hiện các nội dung được ủy quyền và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và UBND thành phố về việc thực hiện các nội dung được ủy quyền, bảo đảm tuân thủ đúng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 14 Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019).
Mặt khác, các địa phương thực hiện trình tự, thủ tục, nội dung việc ủy quyền đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 98/2024/NĐ-CP năm 2024 của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan.
Sở Xây dựng Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan có văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện các nội dung trên; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, đề xuất các biện pháp xử lý tồn tại, bất cập trong việc thực hiện ủy quyền, báo cáo UBND thành phố.
Các Sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý chuyên ngành: Xây dựng, quy hoạch - kiến trúc, kế hoạch và đầu tư, tài chính, tài nguyên và môi trường, tư pháp, Cục Thuế, công an; Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và các đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư cải tạo, xây dựng lại) trong quá trình tổ chức thực hiện việc ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố.
Việc áp dụng quyết định mới này thay thế các Quyết định cũ của UBND thành phố: Số 2932/QĐ-UBND ngày 5/7/2021 và số 1692/QĐ-UBND ngày 29/3/2024; bãi bỏ Quyết định số 1727/QĐ-UBND ngày 2/4/2024 (do Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 không còn quy định UBND thành phố phải ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư).
Hà Nội vẫn còn 1.579 chung cư cũ có tuổi thọ hơn 50 năm
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5900/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định số 2928/QĐ-UBND ngày 5/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố về việc ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND thành phố liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư trên địa bàn.
Theo thống kê, Hà Nội có 1.579 chung cư cũ có tuổi thọ hơn 50 năm, chủ yếu được xây dựng vào giai đoạn 1960-1990 của thế kỷ trước, tập trung tại khu vực 4 quận nội thành. Sau khi rà soát, phân loại, có 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D.
Việc đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ, xây nhà ở tái định cư là nhiệm vụ Hà Nội đặc biệt quan tâm, với mục tiêu cốt lõi hướng đến nâng cao đời sống, tạo điều kiện an cư lạc nghiệp cho người dân.
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau 2 năm triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô, Sở đã phê duyệt nhiệm vụ kiểm định 1.022 nhà chung cư thuộc các quận, huyện: Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Long Biên, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đông Anh, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm. Hiện, đã 8 quận, huyện tổ chức lựa chọn được đơn vị kiểm định: Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, Đông Anh, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình.
Theo Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, với 6 đợt triển khai thì đợt 1 ưu tiên thực hiện đối với 10 khu chung cư, gồm: 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận Ba Đình (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp) và 6 khu chung cư có tính khả thi cao (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân).
Đề án và các kế hoạch triển khai được UBND thành phố phê duyệt đã xác định các giải pháp để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện.
Thành phố đã ban hành các quyết định tạm cấp và cấp kinh phí cho một số quận, huyện để thực hiện kiểm định và lập quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo lại các chung cư cũ. UBND các quận, huyện đang tập trung triển khai lựa chọn nhà thầu để kiểm định, lập quy hoạch.
Cần có cơ chế đặc thù để tháo gỡ những vướng mắc
Trước đó, năm 2021, Hà Nội ban hành Kế hoạch 329/KH-UBND nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được phân theo 4 giai đoạn. Và trong Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội xác định rõ mục tiêu cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ.
Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn đang được tập trung nghiên cứu, lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, 6 khu có tính khả thi cao là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân... và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp).
Về giải pháp nghiên cứu quy hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ áp dụng phân làm 3 mô hình cấp độ. Đối với khu chung cư cũ quy mô trên 2ha sẽ lập đồ án quy hoạch chi tiết, tỉ lệ 1/500. Cùng với đó, TP. Hà Nội đã đề ra nhiệm vụ cụ thể với 3 giai đoạn còn lại cho các đơn vị chức năng cũng như mục tiêu quy hoạch đặt ra.
Trong 3 năm tiếp theo, Hà Nội đã ban hành một số văn bản, chỉ đạo thực hiện cải tạo, xây mới chung cư cũ, nhất là liên quan tới hệ số K, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân… Tuy vậy, quá trình cải tạo chung cư cũ vẫn gặp nhiều trở ngại, nên tính đến cuối năm 2021, mới có 19 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã hoàn thành, chiếm khoảng 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ và 14 dự án đang triển khai trên địa bàn.
Nhiều chuyên gia đánh giá, mục tiêu cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp là tiền đề để Hà Nội tái thiết đô thị, cải tạo bộ mặt TP. Hà Nội, nâng cao chất lượng sống của người dân. Song để triển khai thuận lợi, cần quyết tâm chính trị lớn và cần có cơ chế đặc thù để Hà Nội tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chính sách về quy hoạch, hỗ trợ, đền bù…
Về chủ trương, việc lập quy hoạch chi tiết có tính chất cải tạo tái thiết, chỉnh trang đô thị và thực hiện tổng thể cho toàn khu chung cư cũ, nhóm chung cư cũ, tập hợp chung cư cũ độc lập trên địa bàn, khu vực, góp phần xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại... Việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp vừa là nhiệm vụ chính trị cấp bách, vừa là cơ hội để TP. Hà Nội nâng cấp diện mạo, cảnh quan, phát triển kinh tế.
Thùy Chi