Hà Nội xác định các giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế

22/09/2021 11:08 AM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm của TP. Hà Nội vẫn đạt những kết quả nhất định: Kinh tế duy trì tăng trưởng; thu ngân sách bảo đảm. Để hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2021, trong những tháng cuối năm, cùng với việc làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, Thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế.

* Nhiều đổi mới trong tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của cử tri

* Không chủ quan, lơ là trước tình hình dịch còn phức tạp, khó lường

* Bí thư Thành ủy Hà Nội: Tập trung trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành các mục tiêu vụ năm 2021

* Khai mạc kỳ họp thứ 2 HĐND TP. Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại kỳ họp HĐND TP. Hà Nội. Ảnh: Gia Huy

Tổng thu ngân sách trong 8 tháng là trên 164.400 tỷ đồng

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP. Hà Nội khoá XVI khai mạc sáng nay (22/9), Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết Hà Nội triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước với đa biến chủng, đa nguồn lây. Thành phố tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an sinh xã hội.

Đánh giá của UBND TP. Hà Nội cho thấy, mặc dù bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm vẫn đạt những kết quả nhất định: Kinh tế duy trì tăng trưởng; thu ngân sách bảo đảm; thu hút đầu tư được thực hiện tốt; cung ứng hàng hoá ổn định, chỉ số giá trong tầm kiểm soát; công tác phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai nghiêm túc, chủ động với nhiều giải pháp phù hợp…

Tổng thu ngân sách trong 8 tháng là trên 164.400 tỷ đồng, đạt 69,8% dự toán Trung ương giao (đạt 65,4% dự toán Thành phố giao), bằng 110,3% so với cùng kỳ. Nếu tính cả số thu được gia hạn trong 8 tháng năm 2021 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ thì tổng thu ngân sách trên địa bàn 8 tháng là trên 177.600 tỷ đồng, đạt 75,4% dự toán Trung ương giao và 70,7% dự toán Thành phố giao, bằng 108,7% so với cùng kỳ. Chi ngân sách 8 tháng là trên 39.000 tỷ đồng, đạt 36% dự toán năm và bằng 90,5% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực có mức thu tốt là hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 14.300 tỷ đồng, đạt 77,2%, bằng 119,9% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 910 tỷ đồng, đạt 72,8% dự toán, bằng 48,5% so với cùng kỳ; thu nội địa đạt trên 149.000 tỷ đồng, đạt 69,2% dự toán Trung ương giao.

UBND TP. Hà Nội đánh giá, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng, trong quý I/2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,17% - gấp 1,25 lần mức tăng cùng kỳ (các nhóm ngành tăng là dịch vụ tăng 4,45% - gấp 1,17 lần so với cùng kỳ; công nghiệp-xây dựng tăng 7,99% - gấp 1,43 lần; nông lâm nghiệp thuỷ sản tăng 2,51%...). Trong quý II/2021, GRDP tăng 6,61% góp phần thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,91%, cao hơn 6 tháng đầu năm 2020 (2,92%).

Nhiều lĩnh vực ảnh hưởng do tác động của dịch COVID-19

Tuy nhiên, hoạt đông thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Thành phố đã tạm dừng tất cả các hoạt động dịch vụ không thiết yếu. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối phải tổ chức sắp xếp lại, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu và thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch; bên cạnh đó triển khai phát thẻ đi chợ theo khung giờ cụ thể nhằm bảo đảm giãn cách; hoạt động bán lẻ giảm mạnh so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm đạt trên 349.000 tỷ đồng, giảm 6,3% (cùng kỳ năm 2020 tăng 7,4%). Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đạt trên 244.000 tỷ đồng, giảm 0,8%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 26.000 tỷ đồng, giảm 21,5%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2.200 tỷ. đồng, giảm 50,3%.

Vận tải cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Từ đầu tháng 5/2020, để bảo đảm an toàn cho sức khoẻ người dân, Thành phố đã tăng cường kiểm tra việc thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các biện pháp ngăn ngừa dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải. Từ ngày 24/7, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch, theo đó tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách và hàng hoá bằng đường bộ và đường thuỷ, trừ các trường hợp phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia, vận chuyển hàng hoá thiết yếu được ưu tiên “Luồng xanh” vào Thành phố.

Những tác động này ảnh hưởng đến hoạt động vận tải và bưu chính chuyển phát giảm mạnh so với những tháng trước đó và cùng kỳ năm trước. Vận tải hành khách đạt 185 triệu lượt hành khách, giảm 2,3% so với cùng kỳ; doanh thu đạt trên 9.300 tỷ đồng, giảm 10%. Vận tải hàng hoá đạt 555 triệu tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu đạt 29.200 tỷ đồng, tăng 0,5%. Tuy nhiên, doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát đạt trên 5.900 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Du lịch tiếp tục bị tác động mạnh do dịch COVID-19, khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) đạt trên 121.000 lượt khách, giảm 83,3% (cùng kỳ năm 2020 giảm 75,1%). Khách trong nước đến Hà Nội đạt 1,2 triệu lượt khách, giảm 11,8%.

Tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư

Trong 8 tháng năm 2021, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn; đồng thời rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, tạo môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng trong tiếp cận đất đai.

Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm đạt trên 164.000 tỷ đồng, tăng 8,4%. Về thu hút đầu tư nước ngoài, vốn FDI 8 tháng đầu năm đạt 841,8 triệu USD, trong đó đăng ký cấp mới 243 dự án với số vốn đạt trên 157 triệu USD; 91 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với trên 486 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 309 lượt, đạt 145,6 triệu USD. Thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách 8 tháng đạt 9.599 tỷ đồng, gồm 12 dự án mới với số vốn 1.799 tỷ đồng, 51 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư với số vốn tăng 7.800 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, những tháng cuối năm, căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 8 tháng đầu năm, Thành phố hiện đang giao các ngành tập trung phân tích và tham mưu kế hoạch phục hồi và xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế căn cứ theo lộ trình chuyển trạng thái trong tình hình mới.

Mục tiêu phấn đấu đặt ra là thực hiện cao nhất chỉ tiêu Kế hoạch năm 2021, UBND Thành phố sẽ thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo gắn với đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp. Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thủ đô trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh với phương châm “5K vaccine thuốc điều trị công nghệ”; thiết lập trạng thái bình thường mới để ổn định đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Để hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2021, trong những tháng cuối năm, cùng với việc làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, Thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tận dụng cơ hội chuyển hướng đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài.

Chỉ đạo các cấp, các ngành sớm hoàn thiện và tham mưu báo cáo Trung ương 3 nội dung để tạo hành lang pháp lý cho chiến lược phát triển trong giai đoạn tới của Thành phố, cụ thể: Thứ nhất, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Thứ hai, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và xây dựng, đề xuất ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn phù hợp cho từng thời kỳ. Thứ ba, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012 để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp phù hợp để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ.

Gia Huy

 

Top