Hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội
(Chinhphu.vn) - Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã phát huy được tính định hướng, tính khả thi và nhân văn trong việc đảm bảo an sinh xã hội, duy trì, cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân tại các địa phương.
Ngày 27/2, Đoàn giám sát của Thành ủy Hà Nội đã giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn huyện Phú Xuyên và quận Hoàng Mai.
Hoàng Mai đầu tư xây dựng trường học, nâng cấp nhà văn hóa, điểm vui chơi
Tại quận Hoàng Mai, sau 3 năm thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, quận đã có 23/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, công tác phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bảo đảm an sinh xã hội của quận đạt được kết quả thiết thực theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm mà chương trình đã đề ra.
Đối với thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2023, đến nay, số hộ được công nhận là hộ nghèo năm 2021 là 76 hộ với 222 nhân khẩu và đến tháng 6/2023 đã xoá hết hộ nghèo. Số hộ được công nhận là hộ cận nghèo năm 2021 là 180 hộ với 575 nhân khẩu. Đến tháng 12/2023 giảm còn 75 hộ cận nghèo với 199 nhân khẩu.
Quận đã hỗ trợ vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm cho 14.740 lượt người với tổng số tiền hơn 430 triệu đồng; giải quyết được gần 18.400 lao động có việc làm mới. Đến tháng 12/2023, số người tham gia BHYT là trên 333.000 người (tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021). Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,1% dân số và vượt 1% so với chỉ tiêu được Thành phố giao.
Quận cũng thực hiện cấp nước sạch cho người dân tại 14/14 đơn vị hành chính và đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ rác thải vận chuyển trong ngày đạt 100%. Từ năm 2021 - 2023, quận hoàn thành xây mới 4 trường học, xây dựng lại 5 trường và cải tạo, đầu tư thiết bị 30 trường với kinh phí trên 1.730 tỷ đồng. Hiện nay quận tiếp tục triển khai 35 dự án xây dựng, trong đó có 19 trường xây mới và dự kiến đến năm 2025 hoàn thành 12 dự án xây mới góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục.
Đối với việc nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân, quận bố trí, cải tạo, nâng cấp các nhà văn hoá, hội họp, các điểm vui chơi, giải trí, thể dục thể thao. Theo đó, hầu hết các phường có điểm vui chơi giải trí, thể dục thể thao và ngày càng được cải tạo, nâng cấp, duy tu để phục vụ đời sống tinh thần của người dân.
Đồng thời, quận ban hành kế hoạch duy trì 14/14 phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế và mô hình trạm y tế điểm. Đề xuất rà soát cơ sở hạ tầng tại các trạm y tế xuống cấp, hư hỏng cần cải tạo, sửa chữa, xây mới để bảo đảm cho các hoạt động chuyên môn…
Phát biểu kết luận cuộc giám sát, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, quận Hoàng Mai đang tập trung phát triển theo hướng xây dựng trở thành thành đô thị văn minh, cực tăng trưởng của Thành phố. Tuy nhiên, quận gặp thách thức trong quá trình phát triển do dân số tăng nhanh, hạ tầng, hạ tầng xã hội thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch xây dựng trường lớp, trạm y tế trong khi phát triển nhiều về dự án nhà ở xã hội… tạo ra sự thiếu đồng bộ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị quận tiếp tục quan tâm, rà soát các tiêu chí đảm bảo an sinh xã hội, nhất là những tiêu chí chưa đạt; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm và ổn định thu nhập, đời sống cho người dân. Thực hiện tốt Chỉ thị số 24-CT/TU “Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị” nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Phú Xuyên với nhiều tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế - xã hội
Tại huyện Phú Xuyên Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Huy cho biết, huyện có 154 làng có nghề, trong đó 43 làng nghề cấp thành phố, có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình 08 đã phát huy được tính định hướng, tính khả thi và nhân văn trong việc đảm bảo an sinh xã hội, duy trì, cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Từ năm 2021- 2023, số lao động có việc làm mới là trên 15.400 lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 80,01%, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ là 37%. Số đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội trên địa bàn huyện tính đến 31-12-2023 là trên 11.700 đối tượng. Kinh phí thực hiện chi trả hằng tháng là trên 7 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số dự án thuộc 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế và di tích của huyện được thành phố đầu tư và hỗ trợ gồm 96 dự án với tổng mức đầu tư trên 3.100 tỷ đồng.
Qua 3 năm triển khai việc thực hiện Chương trình 08 trên địa bàn huyện, được sự quan tâm rất lớn từ các chính sách của thành phố và chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ huyện nên hầu hết các chỉ tiêu có khả năng hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu (24/27). Với địa bàn khó khăn như Phú Xuyên chưa tự cân đối được ngân sách, do đó 3 chỉ tiêu sẽ khó hoàn thành như: chỉ tiêu về giảm nghèo; tỷ lệ người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình và tỷ lệ hỏa táng.
Từ thực tế trên, huyện Phú Xuyên cũng kiến nghị với Đoàn giám sát 6 nhóm nội dung. Trong đó, đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm chỉ đạo ban hành Nghị quyết đặc thù điều chỉnh mức trợ cấp ưu đãi cho người có công trên địa bàn để đảm bảo không thấp hơn chuẩn nghèo thành phố theo từng giai đoạn. Đối với những huyện khó khăn chưa tự cân đối được ngân sách đề nghị thành phố cấp ngân sách cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, quan điểm chung của thành phố là luôn bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững giữa phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội; quan tâm chăm lo cho mọi mặt đời sống của người dân. Tuy nhiên, qua nửa nhiệm kỳ 2020-2025 cho thấy, một số nội dung trong Chương trình 08 chưa phát triển bền vững, nhiều vấn đề mới phát sinh sau 2 năm chịu nhiều tác động do dịch COVID-19.
Đặc biệt tại khu vực nông thôn của thành phố, trong đó có huyện Phú Xuyên còn khó khăn, khiến nhiều nội dung trong Chương trình 08 khó đạt được. "Vì thế, các đồng chí lãnh đạo huyện, đơn vị liên quan cần thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, khó khăn thách thức, có những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để triển khai Chương trình 08 hiệu quả" – đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, lãnh đạo huyện Phú Xuyên cần đổi mới cả trong tư duy đến hành động để tạo bứt phá trong triển khai thực hiện. "Khó khăn lớn nhất của huyện là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, hệ thống giao thông chưa phát triển. Nguồn thu của địa phương còn hạn chế; việc xã hội hóa còn khó khăn khi trên địa bàn chủ yếu là các hộ cá thể… Vì thế, huyện cần tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc này.
Huyện quan tâm bổ sung quy hoạch liên quan đến các nội dung Chương trình 08; các thiết chế văn hóa, môi trường, làng nghề… Ban Thường vụ Huyện ủy sớm có Nghị quyết chuyên đề gắn với đặc thù của địa phương để triển khai thực hiện Chương trình 08, chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các hương ước, quy ước về văn hóa của địa phương.
Trước mắt, huyện cần phối hợp với các đơn vị liên quan của thành phố đẩy nhanh giai đoạn 2 xây dựng Khu công nghiệp hỗ trợ phía Nam Hà Nội, gắn phát triển làng ghề với du lịch của địa phương, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Gia Huy