Hạn chế chuyển bệnh nhân sốt xuất huyết vượt tuyến
(Chinhphu.vn) - Các bệnh viện tuyến thành phố cần tập trung nguồn lực thu dung điều trị trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng. Hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị.
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 3163/SYT-NVY gửi các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập về việc phân tuyến quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Theo đó, để chủ động trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết Dengue, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập (16 bệnh viện công lập và 3 bệnh viện ngoài công lập) thực hiện phân tuyến quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 3693/BYT-KCB về việc tiếp nhận quản lý, điều trị người bệnh sốt xuất huyết đối với các bệnh viện đa khoa tuyến thành phố.
Đồng thời cũng đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phân độ và điều trị theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019 của Bộ Y tế.
Cơ sở thực hiện nguyên tắc phối hợp giữa các tuyến: Các bệnh viện tuyến thành phố tập trung nguồn lực thu dung điều trị trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng. Hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hội chẩn liên khoa, liên viện, thực hiện chế độ tham vấn với các bệnh viện tuyến trên để giải quyết trường hợp khó, trường hợp chuyển viện.
Sở Y tế giao Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là chuyên khoa đầu ngành về truyền nhiễm cập nhật phác đồ điều trị cho các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập, thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết để tham mưu cho Sở Y tế về công tác quản lý và điều trị người bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, vừa qua Trung tâm Y tế quận Hà Đông phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, UBND các phường tăng cường theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Đồng thời tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bao gồm như: Tăng cường công tác giám sát dịch tễ, đặc biệt là giám sát phát hiện các ca bệnh, ổ dịch; giám sát véc tơ, bao gồm những khu vực ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao; rà soát lại nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phòng, chống dịch và có kế hoạch bổ sung... tại các trạm y tế và phòng khám đa khoa; hướng dẫn UBND các phường về chuyên môn trong các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi....
Truyền thông để người dân nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh sốt xuất huyết thì cần kịp thời đến các cơ sở y tế để được khám bệnh, chữa bệnh.
Tương tự, huyện Mỹ Đức cũng là địa phương lưu hành dịch sốt xuất huyết, ghi nhận hàng năm số ca mắc gia tăng từ tháng 4. Theo đó, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức đã sớm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Theo đó, Mỹ Đức đã chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn tham mưu UBND các xã, thị trấn tổng vệ sinh môi trường phòng chống bệnh sốt xuất huyết đợt I với 46.862/47.851 hộ gia đình; 424/425 khu vực công cộng được kiểm tra; gân 78 nghìn dụng cụ chứa nước được xử lý như lật úp, phá bỏ, trong đó dụng cụ chứa nước có bọ gậy là 5,6 nghìn dụng cụ. Trung tâm đã huy động được trên 14 nghìn người tham gia chiến dịch; tổ chức phun hóa chất tại ổ dịch sốt xuất huyết và tại xã có nguy cơ cao qua giám sát các chỉ số về côn trùng.
Thiện Tâm