Hàng hóa phục vụ Tết 2024: Dồi dào nguồn cung, giá bình ổn
(Chinhphu.vn) - Khoảng hơn hai tháng nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời điểm này, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-25% tùy từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2023, sẵn sàng phục vụ nhân dân với mức giá bình ổn…
Hàng hóa dự trữ phục vụ Tết 2024 tăng từ 7%-25%
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp, thời điểm những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa trong nhân dân thường tăng cao. Vấn đề cung cầu, giá bán và chất lượng sản phẩm hàng hóa được Sở Công Thương đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Để chuẩn bị tốt nhất cho thị trường Tết 2024, ngay từ đầu năm, Sở đã tham mưu UBND TP. Hà Nội ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết phục vụ nhân dân trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết 2024 (thời gian thực hiện từ tháng 7/2023 đến hết tháng 6/2024).
Đến nay, Sở Công Thương đã vận động được 27 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 14.000 điểm bán trên toàn Thành phố. Cùng với đó, tiếp tục chủ động theo dõi sát thông tin tình hình thị trường và xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm giám đốc marketing Saigon Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024, đơn vị đã triển khai công tác dự trữ nguồn hàng hoá thiết yếu ngay từ giữa năm 2023.
Theo đó, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 của Saigon Co.opmart lên đến hơn 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20%-50% tuỳ theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường.
"Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tăng trung bình từ 7%-25% tùy từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2023 sẵn sàng phục vụ nhân dân…", Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết thêm.
Để chuẩn bị hàng hoá phục vụ người dân dịp Tết Giáp Thìn, Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) đã tăng khối lượng hàng hoá dự trữ gấp 3 lần. 42 điểm bán hàng trên địa bàn Hà Nội sẽ được vận hành liên tục cho đến cuối ngày 30 Tết và bắt đầu trở lại phục vụ người dân từ mùng 3 Tết Giáp Thìn 2024.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung ứng hàng hoá, phần lớn ngân sách của các đơn vị sẽ được ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường. Trong số này có: Gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, hải sản…
Chú trọng chất lượng hàng hoá Việt
Chia sẻ về công tác quản lý chất lượng hàng Việt, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, để bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ Tết, đơn vị tăng cường tần suất kiểm tra hàng hoá kinh doanh tại hệ thống lên gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.
Các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là nhóm hàng phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, giò chả, rau củ qua, trái cây… được kiểm tra chất lượng hằng ngày tại trung tâm phâp phối và test nhanh trước khi lên quầy kệ tại siêu thị. Các chỉ tiêu kiểm tra cũng rất đa dạng, bảo đảm không để phát sinh vấn đề về an toàn thực phẩm như: Kháng sinh trong thuỷ hải sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh, chất tăng trọng, hàn the, formal, chất tẩy trắng…
Phó trưởng phòng Thanh tra pháp chế (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) Ngô Mạnh Hoàng cho biết, công tác quản lý hàng hóa luôn được đơn vị chú trọng; việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ được thực hiện vào dịp Tết, mà được đơn vị triển khai thường xuyên trong năm.
"Hiện nay, Cục đã có văn bản chỉ đạo các Đội quản lý thị trường kiểm soát chặt các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, nhất là các sản phẩm thiết yếu, được dự báo có nhu cầu tiêu thụ tăng trong dịp Tết Giáp Thìn 2024. Cục cũng đã thành lập 2 đoàn liên ngành để thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm…", ông ngô Mạnh Hoàng thông tin thêm.
Được biết, hiện nay Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có số diện thoại hotline tiếp nhận thông tin phản ánh về chất lượng hàng hoá. Đơn vị này cũng đang phối hợp khá chặt chẽ với các doanh nghiệp và cơ quan thông tấn báo chí để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm. Thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng được biết, tránh không dùng sản phẩm.
Mặc dù vậy, để công tác kiểm soát chất lượng hàng hoá được thực hiện hiệu quả hơn, ông Ngô Mạnh Hoàng kiến nghị các cấp tiếp tục hoàn thiện văn quản dưới Luật. Thêm nữa, các cơ quan chức năng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình xử lý vi phạm về chất lượng hàng hoá, tránh để ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm, Bộ Công Thương sẽ có chỉ đạo tới UBND, sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó, tiếp tục yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Bích Phương